06/02/2016 19:36 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - Câu trả lời là trong 365 ngày, bất kể ngày Tết, Lễ hay ngày thường thì phần lớn quân, dân nơi đầu sóng chỉ nghe những ca khúc viết về biển, đảo, về quê hương, đất nước.
Một tiết mục ca múa nhạc mừng Xuân Bính Thân của quân dân thị trấn Trường Sa - Ảnh: Ngọc Huy
Hải trình âm nhạc
Trung bình mỗi năm có khoảng 12-13 đợt tàu ra Trường Sa, mỗi đợt khoảng 3-4 tàu với hải trình kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng.
Ngay từ lúc tập trung quân số ở Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) cho đến khi tàu rúc còi rời cảng, sức sống của âm nhạc như được đánh thức, lan tỏa khắp nơi.
Trong suốt hải trình, vào các buổi sáng, trưa, chiều và tối, nhà tàu đều “phát” nhạc qua loa phóng thanh, mỗi lần thời lượng khoảng 30 phút.
Còn những người lính thì hầu như trong ba lô của họ, ai cũng có một chiếc USB chứa đầy nhạc, loa mini chạy pin, phát ầm ĩ cả một góc tàu. Chiến sĩ nào “rích bố cu” thì sắm Ipod, tai nghe ngồi thưởng nhạc một mình hoặc chia tai nghe cho đồng đội.
Tàu HQ 561 hôm đưa chúng tôi du Xuân đến Trường Sa mang theo hơn 100 tấn quà tết cùng 120 con người, trong đó có 33 nhà báo. Suốt hải trình kéo dài 22 ngày, không phòng nào là không được các chiến sĩ gõ cửa để xin cop nhạc.
Có những người trong chúng tôi có sẵn nhạc thì vui vẻ copy ngay cho các chiến sĩ, ẵn sàng mở laptop, cắm 3G cố gắng lên mạng tìm nhạc theo “yêu cầu” của các chiến sĩ.
Nhưng giữa muôn trùng sóng nước, cách xa đất liền, mọi nỗ lực đưa về cho các chiến sĩ món ăn tinh thần đều thất bại vì sóng quá yếu.
Những lúc như thế, “quân dân” lại xúm lại trong phòng hoặc kéo nhau ra boong tàu, tụt dép ngồi vịn vào nhau mà hát. Hát bài gì cũng được, nhưng hát về biển đảo, về quê hương là các anh thích nhất. Hát không hay cũng được, hay hát, hát thường xuyên trên tàu thì dù không phải là ngôi sao, bất kỳ ai cũng có thể nổi tiếng trong mắt các chiến sĩ...
Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, tàu vươn khơi đến đâu, “chở âm nhạc” đi theo đến đó. Đặc biệt, rộn ràng nhất, xúc động nhất là khi tàu chuẩn bị cập cầu cảng đảo hay rời đảo thì tất cả những người có mặt trên tàu đều túa ra khắp mặt boong. Rất tự nhiên, tiếng hát lại cất lên, át cả tiếng sóng...
Chỉ tân binh mới thích Sơn Tùng, nghe “Vợ người ta”
Ở quần đảo Trường Sa, đảo, điểm đảo nào cũng được trang bị một bộ dàn karaoke hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của các chiến sĩ. Các đĩa karaoke hay các sản phẩm âm nhạc khác vẫn chỉ toàn những ca khúc về biển đảo, về quê hương, nhiều nhất là các CD, DVD của Trọng Tấn, Anh Thơ, Khánh Hòa, Quỳnh Hợp hoặc tổng hợp các bài hát, giọng hát hay về biển, đảo.
Nhiều đảo trưởng cho biết, các chiến sĩ... không mấy khi hát karaoke. Lý do không phải không biết hát hay sợ máy... chấm điểm thấp, mà đơn giản các chiến sĩ thích hát chay hơn. Đặc biệt, mỗi khi đảo có khách từ đất liền tới thì phong trào ca hát như “dậy sóng”. Hầu như ai cũng biết hát, muốn hát. Từ chỉ huy đảo, các chiến sĩ cho đến những người dân, các cháu nhỏ nói còn chưa tròn vành rõ chữ.
Một tiết mục của các em nhỏ trên đảo Trường Sa lớn - Ảnh: Ngọc Huy
Tất nhiên, không phải 100% quân dân nơi đầu sóng chỉ nghe nhạc biển, đảo mà có nhiều chiến sĩ cũng ghiền nhạc thị trường, với những cái tên đang hot như Sơn Tùng M-TP, những bản “hit” như “Vợ người ta” của Phan Mạnh Quỳnh...
Một số chiến sĩ đã có thời gian ở đảo lâu năm cho biết thì những chiễn sĩ thích nghe nhạc thị trường... đích thị là tân binh. Bởi lẽ: “Nếu ở đảo lâu, anh mới thấy “thèm” đất liền, nhớ quê nhà, người thân nên những bài hát về biển, đảo, quê hương luôn khiến chúng em xúc động, thấy những nơi địa đầu của tổ quốc thật thiêng liêng, nhiệm vụ của chúng em thật cao cả...”, chiến sĩ Ngô Văn Tuyên ở đảo Đá Tây chia sẻ.
Những “con mọt” âm nhạc
Trong rất nhiều những tín đồ âm nhạc đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, không ít những chiến sĩ đam mê âm nhạc quốc tế, trong đó có cả những thể loại khá kén người nghe là hi-end, blue, jazz với những cái tên như: BB King, Joe Bonamassa, Beth Hart, Gary Moore, Norah Jones, Diana Krall, Stacey Kent, Cassandra Wilson...
Hay có cả một nhóm chiến sĩ là “fan ruột” của những cái tên trong kỷ nguyên swing (1940-2000) đình đám là Anita O’Day, Helen Humes, Lee Wiley, Maxine Sullivan, Peggy Lee...
Dù số lượng chiến sĩ thích nhạc quốc tế, đặc biệt là “ghiền” audiophile trên các đảo, điểm đảo không nhiều nhưng điều đó cho thấy nhu cầu âm nhạc, đời sống âm nhạc của các chiến sĩ nơi đầu sóng là vô cùng phong phú.
Khác với những người nghe nhạc thị trường, có thể nghe nhạc bất cứ lúc nào, những “con mọt” audiophile chỉ thưởng nhạc vào buổi tối và có thể nói chuyện xuyên đêm về dòng nhạc này mà không biết chán. “Ở đây không nhiều anh em nghe audiophile. Còn những người thích audiophile như em thì hầu như chỉ nghe vào buổi tối, vì ban ngày ồn ào, có nghe cũng không vào. Tối muốn nghe thì cũng phải trùm mền kín đầu, mở mền ra đôi khi biển động, tiếng sóng lớn cũng nghe không nổi”, chiến sĩ Nguyễn Văn Khang (TP.HCM), một người “nghiện” audiophile giải thích.
Một màn nhảy hip-hop của lính đảo Trường Sa - Ảnh: Ngọc Huy
Đặc biệt, ở Trường Sa lớn còn có cả một nhóm nhảy hip-hop gồm 5 chiến sĩ.
Họ tự dạy cho nhau nhảy và ước mơ sau khi hoàn thành nghĩa vụ, nếu có điều kiện sẽ thành lập nhóm nhảy “Hướng về Biển Đông”. “Để lập nhóm nhảy là rất khó vì chúng em mỗi đứa một quê. Nhưng cứ ước mơ vậy, biết đâu sẽ thành sự thật...”, chiến sĩ Đỗ Quang Hà (Bình Dương), người được đánh giá là nhảy “chất” nhất trong nhóm tâm sự.
***
"365 ngày, dù ngày Lễ, Tết hay ngày thường thì âm nhạc vẫn luôn là một món ăn, thức quà và cao hơn là một bộ phận luôn đồng hành trong đời sống văn hóa, tinh thần đối với người lính đảo. Mong rằng đất liền sẽ có nhiều hơn nữa những sáng tác hay về người lính đảo, phổ biến rộng rãi đến người nghe, trở thành cầu nối tinh thần bền chặt giữa tiền tiêu biển, đảo với hậu phương đất liền”, Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa nói.
Huy Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất