Trái đất 2.0 mới phát hiện: Mặt trời trên đó sáng hơn, một năm có 385 ngày, sự sống có thể phát triển hơn Trái đất

24/07/2015 11:30 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Hôm 23/7, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố họ vừa tìm thấy một hành tinh “giống Trái Đất nhất trong hàng nghìn năm qua”, được coi là “người anh em họ già dặn và lớn hơn so với Trái đất”.

Hành tinh nói trên do kính thiên văn vũ trụ Kepler phát hiện ra và được đặt tên là Kepler-452b. Nhiều tờ báo nước ngoài ào ạt giật tít “Đã tìm thấy Trái đất 2.0”, trong khi một số báo khác thận trọng “Tìm thấy hành tinh giống Trái đất nhất từ trước đến nay”.

Independent dẫn lời NASA cho hay: “Các nhà thiên văn đang ở đỉnh điểm của quá trình tìm kiếm thứ mà nhân loại mơ ước hàng nghìn năm nay – một Trái đất khác”.


Hình ảnh hành tinh Kepler-452b

NASA tin rằng hành tinh Kepler-452b có bầu không khí có thể chứa nước và “có cơ hội lớn” cho một sự sống ngoài Trái đất.

Việc phát hiện ra “Trái đất 2.0” được dựa trên những quan sát của kính viễn vọng không gian Kepler quét các thiên hà Milky Way để tìm kiếm hành tinh giống Trái đất từ năm 2009.

Đến nay, các kính thiên văn đã tìm thấy hơn 1.000 ứng cử viên tiềm năng, trong đó, bảng điều khiển của 4 nhà khoa học nổi tiếng đã tiết lộ phát hiện về Kepler-452b, một “siêu Trái đất” cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng.

Hành tinh này được cho là lớn hơn Trái đất 60%, là một “ngoại hành tinh” (exoplanet – hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời), là nơi duy nhất cho đến nay có những điều kiện sống tương tự Trái đất, với khoảng cách đến Mặt trời chênh lệch 5% so với Trái đất.

John Grunsfield, quản trị viên phó tại Ban chỉ đạo nhiệm vụ khoa học của NASA, cho biết: “Phát hiện thú vị này mang lại cho chúng ta bước gần hơn đến việc tìm kiếm một Trái đất 2.0”.

NASA cho biết họ vẫn tiếp tục đánh giá các dữ liệu từ kính thiên văn và các đài quan sát trên Trái đất nhưng có khả năng rất cao là Kepler-452b có đá và nhiệt độ hợp lý để nước tồn tại ở thể lỏng, điều cần thiết cho sự sống của con người.

Hành tinh này có khoảng 6 tỷ năm tuổi, lớn hơn Trái đất 1,5 tỷ năm – điều này làm tăng khả năng sự sống có thể đã phát triển trên bề mặt của Kepler-452b trước cả Trái đất.

Jon Jenkins, người lãnh đạo NASA ở California (Mỹ) với nhiệm vụ phân tích các dữ liệu từ kính thiên văn, cho biết: “Thật là một công việc cảm hứng khi xem xét hành tinh này đã có 6 tỷ năm nằm trong vùng sống của ngôi sao chủ, so với Trái Đất. Đó là cơ hội lớn cho sự sống phát sinh, hình thành nên tất cả các thành phần và điều kiện sống cần thiết trên hành tinh này”.

12 ngoại hành tinh được khám phá từ Kepler đều có kích thước lớn hơn Trái đất nhưng chưa đạt mức gấp đôi và đều năm trong vùng sống của các ngôi sao chủ. Phát hiện ra Kepler-452b, người anh em họ lớn hơn Trái đất, còn cung cấp cho các nhà thiên văn cơ hội để hiểu và phản ánh môi trường phát triển của chính Trái đất.


Phác thảo của họa sĩ về bề mặt hành tinh Kepler-452b

Jenkins nói rằng nếu tàu không gian mang đến Kepler-452b một cái cây của Trái đất thì cái cây đó sẽ quang hợp. Ông nói: “Bạn sẽ cảm thấy nơi đó rất giống nhà vì có ánh nắng mặt trời, bạn sẽ được trải nghiệm”.

NASA cho biết hành tinh này có lực hấp dẫn lớn gấp đôi Trái đất và một năm trên đó kéo dài 385 ngày.

Hơn hết, độ tuổi cao của hành tinh mới này sẽ cho nhân loại một góc nhìn về tương lại của chính Trái đất. Kepler-452b tiếp nhận nhiều hơn 10% năng lượng từ “mặt trời” của nó so với Trái đất tiếp nhận từ Mặt trời. Điều đó có nghĩa, trên hành tinh này, ánh sáng sáng hơn và có hiệu ứng nhà kính mạnh hơn.

Tiến sĩ Doug Caldwell, chuyên gia của Viện SETI ở California làm việc trên dự án này, dự báo: “Năng lượng đang tăng từ mặt trời đang dần lão hóa của Kepler-452b  có thể sẽ làm nóng bề mặt hành tinh này và làm mọi đại dương bốc hơi. Hơi nước bốc lên sẽ biến mất khỏi hành tinh này mãi mãi”.

Hạ Huyền (theo Independent)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm