04/08/2015 05:42 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Sinh ra ở Hawaii, trưởng thành tại Oregon, Mỹ, nhưng Ed Kawasaki lại tình cờ trở thành hibakusha - một người sống sót sau khi Mỹ ném những quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Ed Kawasaki, đứa con của một gia đình Mỹ gốc Nhật Bản, đã trở về sống ở Hiroshima vào năm 1945, khi quân đội Mỹ kích nổ một quả bom nguyên tử ở độ cao gần 1 km trên thành phố, trong ngày 6/8 năm đó.
Dù Hiroshima được lựa chọn vì nơi đây tập trung nhiều hoạt động công nghiệp và quân sự, đa số nạn nhân trong số từ 90.000 - 150.000 người chết vào ngày định mệnh đó là dân thường.
Nhân sự kiện 70 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đang tới gần, ông Kawasaki đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Leonora Ko của trang tin Street Roots, để chia sẻ những trải nghiệm khủng khiếp của ông.
* Ông có thể mô tả một số trải nghiệm của mình khi quả bom nguyên tử phát nổ?
- Chỉ vài ngày trước khi quả bom nổ, tôi đã phải vào một bệnh viện quân sự để mổ ruột thừa. Khi quả bom được ném xuống và kích nổ trong ngày 6/8, ánh chớp đã lóe lên ở khu vực nằm đối diện bệnh viện.
Sức nóng và ánh chớp di chuyển với tốc độ bằng nhau. Tôi có nhìn thấy ánh chớp, nhưng không cảm thấy nhiệt nóng. Có một ống khói nằm bên ngoài cửa sổ phòng tôi trong bệnh viện, cách đó chừng 25 mét. Trong ngày hôm đó, ống khói này phản chiếu một màu cầu vồng rất kỳ dị.
Tôi lẩm bẩm, "Chà" rồi đứng lên khỏi giường bệnh, bởi tưởng sẽ có chuyện lạ xuất hiện. Vài giây sau thì sóng chấn động từ vụ nổ mới lan tới bệnh viện.
Bệnh viện của tôi nằm cách tâm vụ nổ khoảng 3 km. Sóng chấn động chạy xuyên qua tòa nhà, làm vỡ các cửa kính, khiến tôi dính một số mảnh vỡ và chảy máu. Nhưng thương tật của tôi chỉ có vậy.
Các y tá chạy quanh và nói rằng cần phải vào hầm trú ẩn. Khi trên đường tới hầm, tôi vẫn thấy bầu trời rất trong xanh và một chiếc máy bay màu sáng lấp lánh đang lượn trên trời. Tôi ở trong hầm khoảng 1 giờ, tới khi tình hình đã yên.
Khi tôi ra khỏi hầm, người dân từ tâm nổ bắt đầu đổ tới bệnh viện. Họ đều bị bỏng và đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Chúng tôi được lệnh về nhà để các y tá có chỗ giúp đỡ các nạn nhân.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi thấy người ta nhóm các đống lửa lớn và chất xác người chết lên hỏa táng một cách thô sơ, bởi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Khi đi qua các đống lửa này, mùi bốc lên thật khủng khiếp.
Tôi không biết bạn từng ngửi thấy mùi móng tay hay tóc của mình bị cháy chưa, nhưng mùi xác người bị thiêu cũng giống vậy. Bạn có thể hình dung ra nhiều dãy xác người đang bị thiêu. Nếu phải trải qua cảnh tượng đó vào thời điểm hiện nay, hẳn tôi sẽ ngất xỉu.
* Tôi đoán rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng khi nói về các trải nghiệm như thế?
- Vâng, tôi mất 17 bạn học trong ngày hôm đó. Họ được huy động tới làm việc ở một nhà máy sản xuất đạn dược và mắc kẹt tại đó. Tôi quen một người ở lớp trên và anh ấy kể với tôi rằng trong 250 người học ở lớp anh, có 215 người chết khi quả bom nổ. Lớp học của anh ấy đang ở giữa thành phố để dọn dẹp và chôn rác xuống những cái hố lớn. Có 25 người ở trong một cái hố khi quả bom nổ.
Tôi đoán cái hố đó khá sâu và nhiệt hình thành từ quả bom đã chỉ tràn qua miệng hố, nên những người này còn sống sót. Thêm 10 người khác nữa bị ốm, không thể đi lao động nên cũng thoát chết. Nhưng 215 người còn lại đã chết ngay.
* Ông ở Nhật cho tới năm 1951 rồi mới về Mỹ. Điều kiện ở đó ra sao sau khi bị ném bom hạt nhân?
- Điều hài hước nằm ở chỗ chẳng ai biết bom nguyên tử là gì. Họ đều tưởng một kho xăng ở gần đó phát nổ. Chỉ sau này họ mới biết rằng đó là bom nguyên tử. Khi ấy người ta đồn nhau rằng nếu anh đi qua Hiroshima thì chỉ vài tuần sau, anh sẽ chết. Họ cũng nói rằng cây cỏ sẽ không thể mọc ở đây trong 60 năm nữa.
Vì thế chúng tôi đã cảm thấy được an ủi, khi chứng kiến cỏ mọc, hoa nở vào mùa Xuân năm tiếp theo. Tôi cũng được biết rằng nồng độ phóng xạ đã giảm khá mạnh chỉ vài giờ sau vụ nổ. Và hoạt động chiếm đóng của người Mỹ trong những năm sau này diễn ra khá êm thấm .
* Rất nhiều người đã chết vì quả bom và ông còn sống. Ông có cảm thấy rằng mình sống sót là nhờ lý do đặc biệt nào đó?
- Đó là số phận. Vì tình cờ tôi đã ở trong bệnh viện đó. Cũng vì tình cờ, một số người đã hiện diện ở trung tâm thành phố, khi bom nổ.
* Ông có thể giải thích từ “hibakusha”?
- “Hi” là nạn nhân. “Baku” là bom và “sha” là một con người. Gộp lại, những chữ ấy là nạn nhân của vụ ném bom. Ai cũng là nạn nhân khi ấy. Do được chứng nhận là hibakusha, tôi sẽ được điều trị y tế miễn phí trong suốt đời mình ở Nhật Bản.
* Hiện giờ ông cảm thấy thế nào về cuộc sống của mình?
- Chà, tôi đã sống trên đời suốt 86 năm qua. Tôi sinh ra ở Hawaii và vẫn sống ở nơi này tới năm 11 tuổi. Trong những ngày đó, Hawaii là thiên đường. Rồi tôi tới Oregon vào năm 1967, vì có cơ hội kiếm việc. Giờ tôi xem Oregon là thiên đường của mình. Tôi có 3 con trai và chúng đều sống gần đây.
Tường Linh (Theo Street Roots)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất