(giaidauscholar.com) -
Nếu như khẩu hiệu của Barcelona là “không chỉ là một đội bóng”, thì khẩu hiệu của trận Siêu kinh điển Real Madrid-Barcelona có thể là “không chỉ là một trận đấu”. Tập hợp những siêu sao đắt giá nhất hành tinh ở hai đội bóng mạnh nhất hành tinh, nhưng El Clasico không chỉ có thế.Lịch sử đối đầu giữa Barcelona và Real Madrid được bắt đầu tại một nghĩa trang có thể nhìn thấy từ Camp Nou, sân bóng có sức chứa 99.000 chỗ ngồi của Barcelona. Vào buổi sáng ngày diễn ra trận đấu giữa hai câu lạc bộ lớn nhất Tây Ban Nha, cổ động viên tập trung để tỏ lòng tôn kính trước mộ Laszlo Kubala và Paulino Alcantara, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lịch sử câu lạc bộ với 369 bàn trên mọi đấu trường (Lionel Messi có khả năng vượt ông vào năm tới).
Hoa và cờ hiệu nằm rải rác quanh mộ hai cầu thủ huyền thoại trong khi người hâm mộ cầu nguyện để Barcelona giành kết quả thuận lợi trước đối thủ không đội trời chung. Ở bên kia sân Camp Nou có một bệnh viện phụ sản. Đó là cách người Tây Ban Nha nhìn nhận về bóng đá: Một bên là sự sống, bên kia là cái chết.
Mối hằn thù có thật
Sid Lowe là một phóng viên bóng đá Tây Ban Nha làm việc cho tờ báo Anh The Guardian. Ông từng viết một cuốn sách về lịch sử Juventud de Acción Popular (JAP), một tổ chức đoàn thanh niên của chủ nghĩa phát-xít ở Tây Ban Nha những năm 1930 và từng phỏng vấn nhiều danh thủ của cả Barca lẫn Real như Alfredo Di Stefano, Johan Cruyff, Michael Laudrup, Luis Figo...
Lowe tin rằng El Clasico có vai trò ảnh hưởng quan trọng tới cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939, và ngược lại. Thời đó, chế độ độc tài Franco luôn ưu ái Real Madrid hơn Barcelona: “Chính quyền đối xử với Barcelona với thái độ như thể “Không thể tin được những gã này”, trái ngược với Real Madrid. Nguyên nhân là ở Barcelona, tư tưởng chống Franco là rất bền bỉ, cương quyết và dữ dội”.
Khẩu hiệu của phe Catalan trong cuộc nội chiến có thể lấy làm khẩu hiệu cho Barcelona khi họ tiếp đón Real Madrid ở Camp Nou cuối tuần này: “Tôn kính xứ Catalan, chiến đấu vì tự do, chống độc tài Franco”. Mối hằn thù kéo dài rất lâu sau cuộc nội chiến, khi Barcelona trở thành nơi trú ẩn của những phần tử ly khai muốn đòi độc lập cho xứ tự trị Catalan và Franco đáp lại bằng lệnh cấm tiếng Catalan ở Tây Ban Nha.
Và những điều bịa đặtTuy nhiên, không phải mọi câu chuyện về mối hằn thù Real Madrid-Barcelona đều là sự thật, với rất nhiều điều được tô vẽ hoặc thêm thắt.
Được coi là đội bóng đại diện cho vùng đất có xu hướng lý khai và chống lại một Tây Ban Nha thống nhất, nhưng trên thực tế hiện giờ, Barcelona đang cung cấp nhiều cầu thủ cho đội tuyển quốc gia hơn hẳn Real Madrid, đại diện của thủ đô bị coi là những kẻ đàn áp tự do của Catalan. Tổng cộng bảy cầu thủ Barcelona đã đá chính ở trận chung kết World Cup 2010.
Những sự thật khác còn gây sốc hơn.
Những người sáng lập Real Madrid, anh em nhà Padrod, là người xứ… Catalan. Hai Chủ tịch Real Madrid trong suốt giai đoạn nội chiến Tây Ban Nha chống lại chế độ độc tài Franco, Rafael Sanchez Guerra thuộc đảng Cộng hòa.
Từ năm 1939 cho đến khi Alfredo Di Stefano đến Real Madrid vào năm 1953 là thời kì đàn áp dữ dội nhất của chế độ độc tài Franco được cho là ưu ái đội bóng thủ đô hơn, Real Madrid không một lần đăng quang, trong khi Barca giành tới năm danh hiệu vô địch quốc gia.
Mặt khác, hai gã đội bóng lớn nhất Tây Ban Nha dường như sống trên một ốc đảo với phần còn lại. Họ là hai cỗ máy khổng lồ của La Liga. Khả năng kiếm tiền của họ vượt xa các đội bóng khác ở Tây Ban Nha. Trên thực tế, La Liga giống như một thị trường rơi vào tình trạng “độc quyền nhóm” với chỉ hai kẻ thống trị và sức mạnh của cả hai đã bổ sung cho nhau giúp họ duy trì vững chắc thế độc tôn ở trong nước suốt bao nhiêu năm qua. Thế nhưng, một phần vì hiệu ứng truyền thông, các cổ động viên hai đội lại khinh bỉ nhau đến mức trong một cuộc thăm dò được tiến hành vào năm 1999, hơn 50% cổ động viên Barca khi được hỏi nói rằng họ thích Real Madrid thua hơn là Barca thắng!
Là hai đội bóng đại diện cho hai quan điểm chính trị khác biệt, nhưng cả Barca và Real đều rất “mở” trong việc chiêu mộ cầu thủ. Neymar và Gareth Bale đều không biết gì về Tây Ban Nha, và càng mù mờ hơn về lịch sử thù địch của Barca và Real. Như cựu tiền vệ Felipe Scolari nói: “Họ đến đây để đá bóng và không quan tâm đến chính trị”.
Trong một cuộc phỏng vấn cho World Soccer, trung vệ Gerard Pique thú nhận: “Bạn không thể tách mình ra khỏi những gì diễn ra xung quanh khi không khí đặc biệt căng thẳng, ví dụ như giai đoạn có bốn trận Siêu kinh điển diễn ra trong vòng 18 ngày vào năm 2011. Bạn bắt đầu suy nghĩ: Đối phương là những kẻ chết tiệt, nhưng bạn cũng nghĩ bạn là một cầu thủ chuyên nghiệp và rất nhiều cầu thủ sẽ nhìn đám đông CĐV và nghĩ rằng: “Chúa ơi, họ hoàn toàn mất trí rồi””.
Có lẽ trường hợp Luis Figo là một ví dụ tốt. Ngôi sao người Bồ Đào Nha chuyển từ Barcelona tới Real Madrid năm 2000 và bị coi là một trong những kẻ phản bội đáng căm ghét nhất ở Camp Nou. Một cựu cầu thủ Barca nhận xét: “Dĩ nhiên là cậu ấy ra đi vì tiền”. Các cổ động viên ở Catalan thì ném một chiếc thủ lợn xuống sân trong ngày Figo trở lại với màu áo trắng.
Và câu chuyện của Figo chỉ là một phần trong sự phức tạp của hàng trăm năm lịch sử một mối kình địch cả có thật và tưởng tượng. Mỗi câu chuyện về Real và Barca lại là một chủ đề gây tranh cãi: bí mật, mánh lới, tình yêu, sự phản bội... mọi khía cạnh của cuộc sống đều tồn tại ở El Clasico. Có lẽ cùng vì với họ, bóng đá nằm giữa sự sống và cái chết...
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần