"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ

08/01/2025 07:39 GMT+7 | Văn hoá

Hổ phù hoặc đầu rồng, đó đều là cách gọi quen thuộc loài vật xuất hiện trên nhiều trang trí kiến trúc cổ truyền, với tạo hình đầu to và 2 chi đối xứng. Song, cách gọi này được các nhà nghiên cứu chỉ ra có nhiều điểm chưa hợp lý. Thay vào đó, la hầu - tên gọi được cho là thỏa đáng nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Những bí ẩn về loài vật chưa được trả lại cái tên chính xác này lần lượt được làm rõ trong tọa đàm "Giải mã biểu tượng sen hóa la hầu" đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ triển lãm Chạm đình trong phố được báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) giới thiệu đến bạn đọc gần đây.

"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ - Ảnh 1.

Các diễn giả cùng bóc tách những tầng ý nghĩa của linh vật la hầu trong tọa đàm. Ảnh: Phúc Nam

Không thể đánh đồng la hầu với hổ hoặc rồng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích chia sẻ, ý tưởng cho triển lãm này xuất phát từ chính những chạm khắc sen hóa la hầu trong đình Kim Ngân (Hà Nội). Tuy không phải là linh thú duy nhất trong ngôi đình trăm tuổi này, nhưng la hầu gần như tạo được ấn tượng thị giác mạnh mẽ nhất đối với mỗi du khách. Bởi cha ông xưa đã đặt loài vật nằm trên vị trí đặc biệt - trục thần đạo - của ngôi đình.

Như đã nói, không chỉ ở đình Kim Ngân, hình tượng la hầu có mặt tương đối dày đặc trên nhiều đình, đền, chùa... Đặc biệt là trên những kiến trúc thời Nguyễn trở về sau. Nhiều người lâu nay vẫn quen gọi hình tượng này là hổ phù. Tuy nhiên, TS Trần Hậu Yên Thế (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN) cho rằng, cách gọi hổ phù gây nhầm lẫn sang với phù hiệu của quân đội dưới triều đình phong kiến. Càng minh chứng rõ hơn cho sự hiểu lầm này, ông Yên Thế tiếp tục nêu hình tượng của la hầu trên các mô-típ trang trí không mang bất kỳ đặc điểm dễ nhận diện nào của hổ. Chẳng hạn như chân không to, khỏe giống hổ, không có móng hổ…

"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ - Ảnh 2.

Đồ án “sen hóa la hầu” trong đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích

Bên cạnh hổ phù, PGS-TS Đinh Hồng Hải (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN) nhận thấy, nhiều quan điểm đồng nhất linh vật la hầu với "chính diện long", tức rồng được nhìn từ phía chính diện. Quan niệm ấy xuất phát từ tạo hình của nhiều hình tượng la hầu có mặt, râu, chi và móng giống với rồng. Thậm chí, trong một số đồ án trang trí la hầu còn ngậm chữ thọ, giống như tạo hình của rồng.

Tuy nhiên, xét về tổng thể hình dáng của la hầu, ông Yên Thế cho biết, có thể thấy loài vật này không có đầy đủ thân và 4 chi như rồng. Bởi đây là loài vật được tiếp thu từ nguyên mẫu linh vật rahu trong văn hóa Ấn Độ.

Về hình tướng không nguyên vẹn của la hầu, ông Thế giải thích, vốn dĩ rahu cũng chỉ xuất hiện trên các mô-típ trang trí với đầu và 2 chi trước như vậy. Bởi trong thần thoại Ấn Độ, loài vật này bị thần Vishnu chém làm đôi. Bên cạnh đó, la hầu có đặc điểm nổi bật nhất là miệng rất rộng. Trong tạo tác ở nhiều di tích được ông Thế ghi nhận, miệng la hầu có thể chiếm 1/3 hoặc gần như cả khuôn mặt.

"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ - Ảnh 3.

Đồ án chính diện long ngậm chữ thọ trên một văn bia đặt tại Văn Miếu (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TL

Để có thể hình dung rõ hơn về "chính diện long", ông Thế liên hệ với trường hợp văn bia tại di tích Văn Miếu (Thừa Thiên - Huế). Ở đó, dù nổi bật lên là đầu và 2 chi trước, nhưng về tổng thể vẫn được tạo tác đầy đủ thân, đuôi ẩn hiện trong mây. Nguyên do không nên đánh đồng "chính diện long" với la hầu, theo ông Thế còn là bởi, quan niệm của người Việt Nam dành cho con rồng sự trang nghiêm và kính cẩn. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, rồng gắn chặt với vua, thiên tử. Có nhiều thời điểm, rồng được vay mượn và đưa vào trong trang trí kiến trúc dân gian. Nhưng đều sử dụng hình tượng này trong không gian thờ tự linh thiêng. Cho nên, hình ảnh con rồng không lành lặn, bị cắt đứt là điều tối kỵ.

Ông Thế cho hay, la hầu dù ít, dù nhiều vẫn tồn tại trong kiến trúc cung đình. Như trên nóc điện Thái Hòa (cố đô Huế), vẫn bắt gặp la hầu đầu đội hồ lô, miệng ngậm chữ thọ.

"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ - Ảnh 4.

Tạo hình la hầu đội hồ lô trên nóc điện Thái Hòa (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Sơn Thủy

Nhưng giống với nghê, loài vật này vẫn nghiêng về sở hữu trong dân gian nhiều hơn. Do không được ghi chép rõ ràng trong điển chế của triều đình, nên không có mô thức tạo hình chung cho la hầu.

Sự sáng tạo của dân gian là vô hạn. Bởi vậy, la hầu có khi trông rất giống rồng, có khi lại khiến hậu thế lầm tưởng thành hổ. Không ngậm chữ thọ, lại phun ra con rùa, như trên lư hương ở đình làng Thổ Hà (Bắc Giang). Kết nối biểu tượng chữ thọ hoặc rùa với la hầu, ông Thế cho rằng, la hầu dường như còn được người xưa gửi gắm vào đó ước vọng về sự trường thọ.

Hình tượng hóa từ cuộc giao lưu đa văn hóa

Dựa vào các hiện vật còn sót lại, ông Thế phỏng đoán, sự xuất hiện sớm nhất của la hầu có thể vào cuối đời nhà Lê thông qua bia đá tạo tác khoảng năm 1775 mà ông cùng cộng sự phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình). Sang đến thời Nguyễn, hình tượng này trở nên phổ biến hơn trong các kiến trúc. Nhưng điều khiến người ta băn khoăn hơn là nguồn gốc của loài vật này.

Bằng suy luận, ông Thế nhận thấy linh vật này có dáng dấp giống với linh vật rìa-hu trong văn hóa Khmer. Không còn là phỏng đoán, rìa-hu chính xác là sự tiếp thu từ nguyên mẫu rahu của Ấn Độ. Rìa-hu hiện hữu trên nhiều ngôi chùa Khmer, đặc biệt, còn trong tư thế đang ngoạm lấy mặt trăng. Vì lẽ đó, miệng của la hầu thường to hơn miệng rồng, như đã phân tích ở trên.

"La hầu" - Diện mạo thân quen, cái tên mơ hồ - Ảnh 5.

Tạo hình rìa-hu ở cổng chùa Kh'leang (Sóc Trăng). Ảnh: TL

Đầm, hồ ở Bắc bộ và Nam bộ đều là điều kiện thích hợp để trồng sen. Ông Thế nhận định, viên gạch nối cho hình tượng "sen hóa la hầu" cũng được tạo dựng nên từ đó. Cùng với đó, ông Thế còn ghi nhận những tạo hình loài vật này kết hợp với thực vật khác như: Phật thủ hóa la hầu, cúc hóa la hầu. Tuy nhiên, sen hóa la hầu vẫn là hình tượng mang tính phổ quát hơn cả.

Qua kiến giải của ông Đinh Hồng Hải, mô-típ thực vật biến đổi thành động vật, mà ở đây là sen hóa la hầu, chính là xu hướng nguyên hợp, cách điệu hóa đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.

Tựu trung lại, ông Hải kết luận, la hầu là loài vật kết hợp 3 yếu tố và nguồn gốc: Bắt nguồn từ Ấn Độ thông qua hình tượng rahu. Sau đó, tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, thể hiện trong tạo hình mỹ thuật khi có sự giao thoa với nhiều đặc điểm của rồng. Cuối cùng, được bản địa hóa, dân gian hóa để trở thành biểu tượng rất đặc trưng của Việt Nam.

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được văn bản chính xác để giải thích tên gọi la hầu. Nhưng có thể thấy, tên gọi này mang nét rất "Việt hóa" từ cách gọi rahu hoặc rìa-hu.

Phúc Nam

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm