01/12/2015 07:41 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Từ phạt tiền, tước giấy phép lái xe đến phạt tù, luật pháp các nước trên thế giới luôn hết sức nghiêm khắc với những ai lái xe mà độ cồn vượt qua mức cho phép.
Phạt lái xe say xỉn “kiểu Úc”...
Trong một chuyến công tác đến Úc, người viết đã được tận mắt chứng kiến một câu chuyện “cười ra nước mắt”. Số là một anh bạn Việt kiều đã bị cảnh sát yêu cầu dừng xe để kiểm tra khi anh này không nhường đường cho một người khác ở vòng xuyến theo luật. Thật không may, trước khi lái xe về nhà vào giữa đêm, anh bạn này đã uống khá nhiều bia. Hậu quả là anh phải ra tòa, nhận án phạt treo giấy phép lái xe một năm rưỡi.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Mãn hạn “treo bằng”, khi đến làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe thì anh này đã bị áp một điều kiện: Trong vòng sáu tháng, chỉ được lái chiếc xe đã lắp máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Vì “chiếc xe cũng giống như đôi chân”, không còn cách nào khác, anh Việt kiều này đành miễn cưỡng chấp nhận.
Cái máy này hoạt động như sau: Khi ngồi vào xe,người lái phải thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn, nếu trong giới hạn cho phép thì mới khởi động được. Sau khi xe lăn bánh khoảng 10 phút, chiếc máy lại báo hiệu lái xe cần phải kiểm tra lần thứ hai, nếu vượt qua thì được lái tiếp, nếu không xe sẽ tự động tắt máy. Càng đi lâu, khoảng cách giữa các lần kiểm tra càng giãn ra, nhưng mỗi lần kiểm tra, lái xe đều phải đỗ vào vị trí an toàn trước khi thổi vào máy.
Tất nhiên, chiếc máy còn được lắp kèm camera giám sát để đảm bảo rằng người lái không thể “qua mặt” bằng cách nhờ người khác thổi, hay điều chỉnh các thông số có liên quan. Ngoài ra, mỗi tháng người lái còn phải ra trình diện ở cơ quan quản lý, cùng kiểm tra lại dữ liệu, xem có vi phạm nào không, ví dụ như vừa chạy xe vừa thổi, hay nhờ ai thổi giúp không... Nếu có vi phạm, mức phạt sẽ tăng lên chóng mặt.
Việc chấp hành quy định này là một “cực hình” đối với những ai đã một lần vi phạm, vừa bất tiện, vừa cảm thấy xấu hổ, và khiến họ luôn phải cân nhắc cực kỳ cẩn thận về việc lái xe sau khi đã uống rượu bia. Hình phạt này có tính giáo dục và răn đe rất cao, hơn cả cách phạt tiền đánh vào vấn đề kinh tế vẫn thường áp dụng phổ biến.
... và “kiểu Mỹ”
Thực ra, hình phạt nói trên không chỉ áp dụng riêng ở Úc mà cả ở Mỹ. Tùy theo luật của các bang, mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau, sau luật pháp ở Mỹ đều rất nghiêm khắc đối với những người lái xe khi say xỉn, khiến người vi phạm từ bỏ ý định coi nhẹ việc chấp hành luật pháp.
Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ, người lái xe ở Mỹ có thể bị cảnh sát yêu cầu dừng xe và thử nồng đồ cồn bằng dụng cụ kiểm tra nhanh như thanh quẹt phát sáng (phát hiện cồn trên da), hoặc máy thổi phân tích hơi thở. Nếu thiết bị đưa ra mức “cảnh báo” hoặc “trượt”, lái xe sẽ được đưa về đồn cảnh sát để kiểm tra chính xác hơn.
Một khi bị kết luận là lái xe dưới tác động của bia rượu, người lái sẽ phải nộp tiền phạt từ 300 đến 1.000 USD cho lần đầu vi phạm, lần tiếp theo là 15.000 USD trở lên; phí thử nồng độ cồn trong máu 500-1.000 USD, tiền chở xe về nơi cất giữ 300-500 USD kèm theo khoản phí trông giữ và phí lấy xe ra.Người láicòn phải đóng phí bảo hiểm bắt buộc ở mức cao gấp 2-3 thậm chí 5 lần cho mỗi chiếc xe đăng ký tên.
Ngoài các hình phạt nói trên, người vi phạm còn phải học một khóa về ý thức tham gia giao thông với kỳ thi rất khắt khe, cả lý thuyết lẫn thực hành. Biện pháp gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn, như ở Úc, cũng được áp dụng và các chi phí có liên quan cũng do người vi phạm “móc hầu bao”.
Thời gian áp dụng việc gắn thiết bị có thể kéo dài từ sáu tháng đến hai năm, tùy theo số lần vi phạm. Việc tái phạm có thể khiến người lái xe bị tạm giam, và thậm chí bị coi là tội phạm, bị tước một số quyền công dân cơ bản. Việc bị kết luận lái xe dưới tác động của bia rượu còn khiến người vi phạm đối mặt với nguy cơ bị sa thải rất cao, và khó để xin việc trở lại.
Ngoài Mỹ và Úc, nhiều quốc gia khác trên thế giới còn có những hình phạt nghiêm khắc cho việc lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép, như Singapore áp dụng hình thức “phạt đòn”, Đức cấm lái xe suốt đời nếu vi phạm nhiều lần, Thái Lan truy tố những người từ chối kiểm tra nồng độ cồn... Tất cả đều chung một mục đích: Giáo dục người dân lái xe an toàn, tuân thủ quy định không lái xe khi đã uống rượu bia quá mức cho phép.
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất