28/10/2022 14:40 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Đôi khi, càng nhiều chưa chắc đã dẫn tới càng tốt. Có những thứ bạn phải học cách lược bớt và vứt bỏ khỏi cuộc đời thì mới có thêm không gian, tâm trí và năng lượng để đón nhận những cơ hội mới.
1. Học cách từ bỏ sự bừa bộn
Có câu nói rằng: "Cuộc sống của bạn cũng giống như căn phòng riêng của bạn.”
Nếu căn phòng ấy lộn xộn, cuộc sống của bạn cũng khó mà minh bạch, rõ ràng. Nếu căn phòng thậm chí còn tích tụ trong bụi bẩn, chủ nhân của nó cũng dễ cảm thấy chán nản, tâm trạng bị ảnh hưởng. Điều đó khiến cho may mắn và cả những mộng tưởng của bạn sẽ sớm biến mất.
Nghiên cứu từ đại học Harvard cũng cho thấy, những người thành công thường giữ nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ vì họ có ý thức mạnh mẽ về hạnh phúc. Trong khi đó, những người không may mắn (hoặc cho rằng mình không may mắn) thường sống rất bừa bộn, bẩn thỉu.
Do đó, để trạng thái cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn nên học cách từ bỏ những điều không mong muốn, những thứ dư thừa đối với sinh hoạt của mình, đừng để bản thân ám ảnh bởi những vật phẩm. Khi chúng ta cắt giảm các mặt hàng mua sắm, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, hợp lý, căn phòng tự nhiên sẽ sáng sủa, tâm trạng tự nhiên sẽ được thư giãn hơn.
2. Ngừng ôm đồm quá nhiều mục tiêu
Tỷ phú Mỹ Warren Buffett từng được hỏi rằng, quá trình ông lập kế hoạch cho sự nghiệp đã diễn ra như thế nào. “Thần chứng khoán” khi đó đã đề nghị người đó hãy viết ra 25 mục tiêu trong cuộc đời, sau đó khoanh để chọn ra 5 mục tiêu mà anh muốn làm nhất.
Sau khi người đó làm xong, Buffett mới hỏi anh ta rằng: "Anh có biết làm thế nào để thực hiện được hết 25 mục tiêu đó không?"
Người đó đáp: "Tôi sẽ dồn hết sức mình để thực hiện 5 điều quan trọng nhất đầu tiên, sau đó dần dần thực hiện 20 điều còn lại".
Buffett phản đối: "Anh sai rồi. Điều anh cần làm là hãy cho 20 mục tiêu kia vào ‘quên lãng’ và chỉ tập trung thực hiện đúng 5 mục tiêu đã khoanh tròn mà thôi".
Quan điểm này của Buffett đã thể hiện một điều rõ ràng: Thời gian, sức lực của con người là có hạn và quý giá. Bạn đừng nên ôm đồm quá nhiều thứ mà hãy chỉ tập trung vào những điều thực sự quan trọng. Những gì không quan trọng thì nên “cho ra khỏi đầu”.
Giống như một câu nói thú vị của người Anh: "Nếu bạn đuổi theo hai con thỏ cùng một lúc, bạn sẽ chẳng bắt được con nào". Trong công việc, bằng cách cắt đứt tất cả những thứ không quan trọng, bạn có thể tập trung thời gian, năng lượng, tư duy để làm những thứ quan trọng hơn.
3. Biết cách "làm phép trừ" cho các mối quan hệ tiêu cực
Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít trường hợp phải tham gia những bữa ăn, những sự kiện "vô nghĩa", vì đến đó không thoải mái, không tìm thấy tiếng nói chung... Nhưng thay vì từ chối ngay từ đầu, chúng ta lại nghĩ “Biết sao được chứ, vì quan hệ cả thôi".
Vậy thì, rốt cuộc những mối quan hệ này thực sự đem tới các giá trị gì? Nếu chỉ là những lần gặp gỡ chào hỏi dăm ba câu, đưa ra danh thiếp, lấy số điện thoại, thì đến cuối buổi tiệc tàn, có thể chính bạn và đối phương đều chẳng biết ai là ai. Ý nghĩa của sự tương tác xã hội như vậy là gì, ngoài việc tiêu thụ năng lượng của mỗi người và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ?
Nếu mỗi buổi tụ họp gặp mặt đều là một cuộc vui, ở nơi đó, bạn có thể tự do giao lưu và giải trí, tìm thấy giá trị mà mình mong muốn thì không ai ngăn cấm bạn tham gia. Tuy nhiên, nếu chỉ đi với tâm lý “góp mặt cho đủ quân số”, đó chính là một hành vi lãng phí thời gian và sức lực của bản thân.
Trong 2-3 tiếng nhìn mọi người vui vẻ chơi đùa, bản thân lại không thể hòa nhập hay có tiếng nói chung, tự khắc bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, ngày càng chán ghét những hoạt động vô nghĩa như vậy. Do đó, ngay từ đầu, hãy cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lãng phí thời gian cho cả đôi bên.
Một người dẫn chương trình nổi tiếng của đài truyền hình trung ương CCTV Trung Quốc từng nói rằng: “Trải nghiệm giá trị nhất trong những năm tuổi 30 của tôi chính là biết thực hiện phép trừ. Trong khi hồi 20 tuổi, tôi cũng như nhiều người khác, không ngừng thực hiện những phép cộng để làm cuộc sống nhanh chóng đủ đầy hơn. Nhưng đến một thời điểm nhất định, chúng ta phải thực hiện những phép trừ để lược bớt những bữa tiệc vô nghĩa, những người không yêu mình, những mối quan hệ giả dối... Điều đó sẽ khiến cuộc sống thật sự chất lượng hơn”.
4. Buông bỏ đam mê vật chất
Con người thường bị mê hoặc bởi vật chất vì bản chất ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống sung sướng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải biết điểm dừng và buông tay với những thứ không thuộc về mình.
Nam diễn viên nổi tiếng Châu Nhuận Phát của Trung Quốc từng cho biết, ông sẽ để lại toàn bộ khối tài sản 5,6 tỷ HKD của mình cho các quỹ từ thiện.
Lý giải về việc này, ông chia sẻ quan điểm bản thân chính là: “Không ai là có thể giữ tiền mãi mãi, khi chết đi, vẫn cần phải để lại cho ai đó. Thay vì đưa tiền vào ngân hàng, tốt hơn là để lại cho những người thực sự cần.”
“Tay nắm quá chặt, chẳng có gì bên trong. Xòe bàn tay ra thì chúng ta sẽ có mọi thứ”, ông nói.
Đối với Châu Nhuận Phát, công danh lợi lộc, của cải như phù vân. Trong cuộc sống, dù là một tỷ phú, ông đi tàu điện ngầm, đi chợ bình dân, dùng chiếc điện thoại cũ lỗi thời nhưng bền chắc. Nhờ thế, ông thấy đời thanh thản.
Thúy Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất