27/06/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Chỉ đam mê làm phim thì chưa đủ. Các nhà sản xuất phim độc lập cần phải học các vấn đề liên quan đến marketing phát hành phim - hoặc trong ê kíp có ít nhất một người hiểu về điều đó.
Bởi, việc sản xuất phim độc lập gặp nhiều khó khăn, nhưng khâu phát hành phim cũng quan trọng và gian nan không kém.
Thành công quốc tế, trong nước thờ ơ
Cùng với sự phát triển của dòng phim giải trí, các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam vẫn kiên định con đường đi của mình dù gặp nhiều gian nan. Nhiều phim đã gặt hái những thành công nhất định ở các liên hoan phim quốc tế uy tín như: Bi đừng sợ (Phan Đăng Di), Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp), Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh), Cha cõng con (Lương Đình Dũng), Nhắm mắt thấy mùa hè (đạo diễn Cao Thúy Nhi)...
Nhắc đến phim độc lập, các nhà sản xuất thường nói về những khó khăn khi làm phim, đặc biệt là vấn đề kinh phí, việc tìm những nhà đồng hành sản xuất, diễn viên, quay phim...
Đạo diễn trẻ Nguyễn Lê Hoàng Việt (phim Hạt cam và con mèo vàng không tuổi) chia sẻ, khi thực hiện những phim bằng nguồn kinh phí eo hẹp, anh phải tranh thủ nhờ bạn bè làm diễn viên, đi xin tài trợ các thiết bị, làm hậu kỳ, chiếu phim... Đạo diễn phim Một khu đất tốt - Phạm Ngọc Lân cũng cho hay, không phải đạo diễn trẻ cũng như nhà làm phim độc lập nào cũng may mắn tìm được nhà sản xuất cho mình.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Sau khi phim làm xong, việc đưa phim đến gần hơn với khán giả và sau đó, việc phát hành phim thế nào, doanh thu ra sao càng khiến nhà làm phim độc lập "đau đầu".
Đạo diễn Trần Phương Thảo là người từng chia sẻ rất nhiều vướng mắc trong việc phát hành phim độc lập. Ban đầu chị chỉ mong muốn phim của mình đến được đến với khán giả. Nhưng thành công từ việc phát hành phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã khiến Phương Thảo thay đổi suy nghĩ.
"Doanh thu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng chỉ có từ lúc BHD vào cuộc. Trước đó, toàn bộ công việc của chúng tôi đơn thuần là tìm cách đưa phim đến được với khán giả chứ không dám nghĩ tới chuyện lỗ lãi ” - Trần Phương Thảo chia sẻ.
Đến phim Đi tìm Phong, quá trình phát hành phim của nữ đạo diễn càng gian nan. Đạo diễn Phương Thảo nhớ lại: "Hồi đó tôi đã gửi Đi tìm phong cùng phim Trong hay ngoài tay em và lá thư tay tới một hãng phim nhưng không nhận được phản hồi. Tôi đã quyết định gửi phim tham dự liên hoan phim quốc tế, rồi sau đó mới quay trở lại với khán giả Việt".
Trong quá trình tìm cách phát hành phim, đạo diễn Nguyễn Phương Thảo nhận ra quá trình phát hành phim gian nan và các nhà phát hành phim cũng có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. "Tôi nhận ra tác phẩm là con mình thì mình phải lo. Có khi, phim ra rạp mà không có khán giả lại tạo hiệu ứng rất tệ cho phim của mình" - đạo diễn Đi tìm Phong, nói.
Việc đưa dự án tới các liên hoan phim quốc tế hay các chương trình điện ảnh để dễ xin tài trợ kinh phí làm phim cũng là một cách nhưng không hoàn toàn có lợi cho các nhà làm phim. Theo đạo diễn Phạm Ngọc Lân, đi qua nhiều quỹ tài trợ, nhiều dự án phim phải chấp nhận sự điều chỉnh.
Gỡ rối từ khâu phát hành
Phía nhà phát hành, chuyên gia Nguyễn Thùy Vân với kinh nghiệm 10 năm truyền thông và phát hành phim tại Megastar - CGV Hà Nội chia sẻ rất nhiều lời khuyên "gỡ rối" cho các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam.
Theo đó, chị cho rằng: "Tôi quan niệm phim là phim, chứ không quan tâm phim độc lập, phim nghệ thuật hay phim thương mại. Tôi nghĩ, mỗi bộ phim sẽ có đối tượng khán giả riêng của mình. Nhà phát hành cùng nhà sản xuất cần làm thế nào để tìm ra được đúng đối tượng của bộ phim đó.”
“Nếu đúng đối tượng thì khán giả sẽ hân hoan khi xem phim. Còn sai mà nếu sai đối tượng thì họ sẽ chê... tơi bời.Vì thế, những người làm phim độc lập cũng phải biết đối tượng khán giả của mình là ai, phải tìm được đúng đối tượng khán giả đó để phim được đón nhận tốt nhất" – chuyên gia này nói thêm.
Theo phân tích của Thùy Vân, hiện nay, không chỉ phim độc lập, mà các nhà làm phim nói chung thường chỉ đi tìm nhà phát hành và quảng bá phim sau khi dự án hoàn thành. Vì thế, có những bộ phim hoàn thành rất lâu mới được công chiếu. Chưa kể, khi chuẩn bị phát hành phim rồi, nhiều nhà làm phim độc lập gần như không cung cấp được các tài liệu cần thiết để tổ chức truyền thông cho phim như: hình ảnh, câu chuyện trên trường quay, quá trình sản xuất phim, thông tin về diễn viên...
"Các nhà làm phim nên học qua các lớp liên quan đến marketing phát hành, bởi nếu chỉ đam mê làm phim thì chưa đủ. Trong ê kíp nên có ít nhất 1 người hiểu và tư vấn định hướng cho phim ngay từ đầu" – chị nói – “Hãy tổ chức truyền thông cho phim càng sớm càng tốt, ngay khi mới thực hiện dự án. Đơn giản là lập fanpage hoặc trang web cập nhật thông tin làm phim, hậu trường, thông tin diễn viên... để tạo dựng cộng đồng quan tâm. Đây là một lợi thế khi làm việc với nhà phát hành”.
Chị Vân chia sẻ thông thường, mỗi bộ phim thường chi khoảng 10% doanh thu ước tính cho truyền thông bộ phim. Tất nhiên không phải con số này cũng đúng – mà rất nhiều trường hợp, bộ phim phải chi nhiều hơn số đó. Nhưng vượt qua chuyện kinh phí, việc quảng bá và phát hành phim phải được thực hiện nghiêm túc và bài bản nhất để thu về kết quả như mong đợi.
Cũng theo chị Vân, ngoài doanh thu từ chiếu rạp, các nhà sản xuất phim độc lập cũng nên quan tâm đến các nền tảng phát hành phim mới như: Netflix, Amazon, Youtube... "Dù không nhiều nhưng doanh thu tổng hợp từ các nguồn này cũng đóng góp đáng kể và tạo thêm động lực cho các nhà làm phim độc lập".
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất