02/11/2015 07:53 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - Hôm 31/10, “bản hùng ca lãng du” Bohemian Rhapsody của ban nhạc Queen tròn 40 năm ra mắt. Thế giới chưa bao giờ quên được ca khúc gần như hoàn hảo này, đưa người nghe đến đỉnh cao và vực sâu của những cung bậc cảm xúc qua giọng hát của thiên tài Freddie Mercury.
Đến bây giờ, Brian May, cây guitar chính của ban nhạc, nói rằng ông vẫn nghe Bohemian Rhapsody khi lái xe. Ông không cô đơn, giai điệu bài hát vẫn vang lên ở vô vàn góc nhỏ khác nhau trên khắp trái đất này, bùng cháy và trầm lắng cùng vô vàn tâm hồn yêu âm nhạc.
Linh hồn của Freddie Mercury
“Is this the real life?Is this just fantasy?” (Đây là đời thực hay mộng tưởng?) - câu hát đầu tiên của Bohemian Rhapsody do dàn đồng ca Queen cất lên báo hiệu một ca khúc sẽ đưa người nghe vào miền siêu thực. Quả thật, họ đã làm được điều đó. Khi nghe Bohemian Rhapsody, người nghe hầu như không còn sống ở thực tại. Chỉ còn sự chìm đắm trong âm nhạc.
”Có bao nhiêu bài hát ghi dấu ấn đậm sâu trong lịch sử âm nhạc đến nỗi được đặt biệt danh cho riêng nó? Không nhiều lắm, và Bo Rap (Bohemian Rhapsody) là một trong số đó. Bản nhạc rock opera hùng tráng dài 6 phút này đã 2 lần đứng đầu bảng xếp hạng vào dịp Giáng Sinh, được xếp toàn những vị trí đầu trong các bảng xếp hạng bài hát hay nhất mọi thời đại.
Linh hồn của Bohemian Rhapsody cũng là linh hồn của ban nhạc Queen, giọng ca chính Freddie Mercury, cũng là tác giả bài hát. Người ta còn nói, một mình Mercury trình diễn bằng cả một ban nhạc. Ông đã chơi những giai điệu piano tuyệt tác đó trên chính cây đàn mà Paul McCartney, thành viên của The Beatles, chơi trong ca khúc Hey Jude. Cũng là cây đàn từng in dấu tay của các huyền thoại khác như Elton John, David Bowie và Carly Simon.
Bản thu âm cực kỳ công phu của bài hát được thực hiện ở 6 phòng thu khác nhau và ghép lại tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh và hoàn hảo. Kỹ thuật thu âm của bài hát cũng là đỉnh cao của thập niên 70.
Brian May từng nói rằng bài hát được thu âm qua nhiều công đoạn và thời điểm, nhưng toàn bộ bài hát “đã ở trong tâm trí của Mercury” trước cả khi thu âm. Bohemian Rhapsody là toàn bộ tâm trí và trái tim của Mercury, nơi tài năng của ông thăng hoa. Mọi thứ, không chỉ giọng hát huyền thoại.
Bài hát đáng để “nghe đến khi chết”
Ban nhạc đã không bao giờ mất niềm tin vào bản thu đầy chông gai này. “Tất cả chúng tôi đều biết có gì đó thật tuyệt diệu ở bài hát này và chúng tôi dồn cả trái tim và tâm hồn vào nó” – May kể lại.
“Người ta bảo rằng bài hát sẽ rất khó bán, nhưng cuối cùng hóa ra lại dễ vì Kenny Everett đã trộm cuốn băng từ một buổi thu khi chúng tôi làm album Night At The Opera và mang theo nó ra ngoài, nghe nó cho đến khi chết”. Kenny Everett là người dẫn chương trình truyền hình và phát thanh nổi tiếng ở Anh thời đó.
Nhờ Everett, tất cả đài phát thanh đều ngồi lại để nghe bài hát. Tất cả đều nghĩ: “Ôi Chúa ơi, chúng ta phải phát bài hát này ngay, nếu không chúng ta sẽ thành kẻ lỗi thời”.
Kỷ niệm 40 năm Bohemian Rhapsody, tờ Telegraph viết: “Với Queen, không bao giờ là đủ”. Chẳng có gì chính xác hơn. Kể cả Bohemian Rhapsody cũng chưa được khẳng định là bài hát hay nhất của ban nhạc huyền thoại này, bên cạnh những ca khúc xuất sắc không kém như Somebody To Love, Fat Bottomed Girls, Under Pressure, Crazy Little Thing Called Love, Another One Bites the Dust, We Will Rock You, We Are The Champions…
Thậm chí, 40 năm vẫn là quá ngắn ngủi. Không ai nghi ngờ việc Bohemian Rhapsody và Queen sẽ sống lâu hơn thế. Là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, đây được coi là một trong những ca khúc cội rễ của nền âm nhạc Anh quốc.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất