18/03/2022 12:35 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi nhỏ tuổi nhưng đảm trách vai trò quan trọng trong phim kinh dị Bóng đè.
Bóng đè - tác phẩm mới của đạo diễn Lê Văn Kiệt chính thức khởi chiếu hôm nay 18/3. Khai thác chủ đề còn gây tranh cãi, Bóng đè kể câu chuyện ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) chuyển về một ngôi nhà nhỏ sau biến cố gia đình. Tại đây họ phải đối mặt với hàng loạt hiện tượng ghê rợn, đẩy họ vào vòng xoáy sợ hãi không lối thoát.
Bóng đè được Lê Văn Kiệt lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm bóng đè thời thơ ấu của anh. Với những trải nghiệm của cá nhân, vị đạo diễn gốc Việt mong muốn kể câu chuyện dưới một góc nhìn mới lạ, độc đáo và hơn hết, chân thật, khiến khán giả dễ dàng liên hệ và đồng cảm.
Ấn tượng lớn nhất của khán giả về Bóng đè nằm ở dàn diễn viên, đặc biệt là hai diễn viên nhỏ tuổi nhất Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi. Cả hai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bộ phim, gần như là người dẫn dắt khán giả khám phá từng bước ngoặt trong toàn bộ câu chuyện của Bóng đè.
Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi đóng chị em có tính cách đối lập nhau, một u ám trầm buồn, một lí lắc nhí nhảnh, nhưng đều sở hữu thế giới nội tâm phức tạp, dễ tổn thương nhưng nỗ lực học cách trở nên mạnh mẽ trước tai họa ập xuống gia đình mình.
Không còn xa lạ với người yêu phim Việt Nam, tài năng của Lâm Thanh Mỹ dường như đã được bảo chứng với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Khi mới 9 tuổi, Lâm Thanh Mỹ đã xuất sắc vào vai một cô bé bị "quỷ" đoạt hồn, lấy cắp thân xác trong bộ phim Đoạt hồn (2014). Năm 10 tuổi, cô bé tiếp tục gây bão với vai diễn bé Mận trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015).
Trong khi, Bóng đè đánh dấu lần hợp tác thứ hai của Mai Cát Vi với đạo diễn Lê Văn Kiệt sau Hai Phượng (vai con gái của Ngô Thanh Vân); cũng là lần hợp tác thứ hai của Vi với Quang Tuấn sau phim truyền hình Tiệm ăn Dì Ghẻ.
Bên cạnh đó, phim Bóng đè cũng ghi điểm với bối cảnh đậm chất Việt. Ê-kíp đã lựa chọn một vùng quê ở Hội An, nơi mà quang cảnh thiên nhiên và thôn xóm vẫn còn giữ nguyên những nét mộc mạc, yên bình, ít bị tác động bởi công nghiệp hay máy móc hiện đại.
Trong căn nhà của ba cha con nhân vật chính, các đồ vật được bài trí cũng rất quen thuộc, với võng mây, bàn thờ gia tiên, cửa chớp… Đạo diễn Lê Văn Kiệt đã áp dụng rất tốt lợi thế của phim kinh dị Việt: đánh thức nỗi sợ trong tiềm thức của khán giả bằng những gì thân thuộc nhất.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt mang phong cách làm phim "rất Tây" của mình vào bối cảnh Việt, khiến cho Bóng đè cảm giác mới lạ so với những phim kinh dị theo công thức của điện ảnh Việt trước đây.
Sự sợ hãi trong phim của Lê Văn Kiệt không chỉ đến từ những pha jumpscare (hù dọa) đặc sản, mà xuất phát từ chính bầu không khí u ám, quỷ dị của bộ phim. Một mặt, anh ngợi ca sự yên bình của làng quê; mặt khác, anh lại khiến khán giả có phần lạnh gáy với sự âm u, tĩnh lặng của nơi đây.
Âm thanh cũng là một điểm nổi bật của Bóng đè với tiếng cửa kẽo kẹt, tiếng bước chân, tiếng thầm thì, tiếng khóc tiếng cười vảng vất… nhằm mang đến cảm giác căng thẳng cho người xem.
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất