30/01/2019 18:53 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hà Nội vốn sôi động, náo nhiệt nhưng đâu đó từng góc phố, con đường, nóc nhà người ta vẫn cảm nhận được sự bình yên, tinh tế như cái “chất” của đất văn hiến ngàn năm. Những ngày đất trời chuẩn bị vào thời khắc chuyển giao năm mới, Hà Nội càng lắng lại, trút bỏ những ồn ã, nhọc nhằn, nhẹ nhàng bước sang Xuân.
Không còn giá rét như trước đó, những ngày này Hà Nội bừng lên với nắng vàng trải nhẹ, với sắc đào nhuộm đỏ phố phường và những đèn lồng, dải trang trí hay vô vàn các loài hoa Tết. Từ chợ hoa Hàng Lược với tuổi đời hàng trăm năm qua đến các con đường hoa: Nghi Tàm, Yên Phụ, Lạc Long Quân, Âu Cơ hay vựa hoa Nhật Tân, Quảng Bá… đều nhuộm thắm sắc màu. Đủ các loại hoa, từ hoa truyền thống của Hà Nội đến các loại hoa nhập ngoại đều bung nở, ngập tràn sắc Xuân. Dù bận rộn đến đâu, nhiều người Hà Nội vẫn giữ thói quen đi chợ hoa Xuân, vừa thưởng lãm sắc hoa, vừa tận hưởng không khí Tết và chọn cho mình những chậu hoa ưng ý về trưng bày. Cuộc mua bán diễn ra nhanh, khách không mặc cả nhiều, cả người mua và người bán đều mong tạo được niềm vui cho nhau trong những ngày cận Tết. Những ước nguyện về năm mới an vui, may mắn đều được gửi vào những cành hoa, bồn cây khi đã trao tay nhau.
Một sắc diện mới tràn đầy sức Xuân đang được khoác lên trên những con đường, hồ nước, điểm vui chơi,di tích, trung tâm mua sắm… với đèn hoa, các đồ trang trí được sắp đặt cầu kỳ, gợi lên những cảm xúc cho không ít người trước ngưỡng cửa Xuân mới. Dọc các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Thanh Niên, Điện Biên Phủ được trang trí các quả cầu hoa vừa đơn giản, vừa đẹp tạo điểm nhấn khi thành phố về đêm. Nhiều nam thanh nữ tú, cả người lớn tuổi lẫn trẻ em với trang phục đẹp mắt, áo dài thướt tha, tranh thủ thời gian rảnh ghi lại những khuôn hình đẹp ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Phố cổ Hà Nội.
Nếu ai đó muốn có những hoài niệm về một Hà Nội xưa, về lối sống tao nhã, thú chơi cầu kỳ trong ngày Tết, về những trò chơi dân gian hãy đến với các hoạt động văn hóa truyền thống đang diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ Hà Nội, hồ Văn thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Từ Giám… Ở đó, người ta sẽ tìm thấy nghệ thuật viết thư pháp với những ông đồ khăn xếp, áo the trong các gian lều chõng; không gian đón Tết của người Hà Nội; thấy trình diễn các dòng tranh dân gian; phong tục dựng cây nêu; nghệ thuật thưởng trà… Với nhiều người Hà Nội gốc, đây là cơ hội hiếm hoi để trở về quá khứ, sống lại với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Chính vì thế, khi tham quan không gian đón Tết của người Hà Nội được Ban quản lý phố cổ Hà Nội sắp đặt ở phố Mã Mây, bà Hoàng Ngọc Phan, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm không giấu được xúc động. Bà chia sẻ, người Hà Nội vốn rất coi trọng lễ nghi trong những ngày Tết nên chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận. Cuộc sống giờ đã đổi thay nên việc tái hiện lại không gian đón Tết truyền thống khiến những người như bà rất vui.
Không gian đất trời lắng lại, lòng người cũng nhẹ nhàng hơn. Nhịp sống của Hà Nội như chậm lại để người ta chiêm nghiệm về những thứ đã qua trong năm cũ, mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Nhưng hơn cả, Tết là dịp để mọi người, mọi nhà cùng nhau sum vầy bên con cháu, quây quần bên mâm cơm gia đình. Con cháu dù đi làm ăn ở phương trời nào thì ngày Tết cũng phải tìm về cúng lễ tổ tiên, tỏ lòng thành kính với cha mẹ. Trong những ngày này, căn nhà lúc nào cũng nồng ấm hương vị Tết và những tiếng cười nói vui vẻ; trẻ nhỏ xúng xính với những bộ quần áo mới, người lớn bận rộn với những đồ thờ lễ, nồi bánh chưng, cành đào trưng Tết...
Không gian nội thành Hà Nội không rộng rãi như ở các vùng quê nhưng không vì thế các phong tục bị mất đi. Nhiều gia đình trong phố còn rủ nhau gói bánh chưng mang ra vỉa hè hoặc khu đất luộc để có không khí Tết, trẻ con vui. Ánh lửa bập bùng, nồi bánh lục bục sôi, mùi khói củi, những đôi má đỏ hây, chỉ đơn giản thế nhưng không có gì đổi lại được. Ông Phạm Cao Hiền, đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình kể rằng, đã có thời gian gia đình ông không gói bánh chưng mà mua vài cái ở chợ cho những ngày Tết. Nhưng ông và mọi người trong gia đình nhận ra, hương vị Tết bị tẻ nhạt hơn, không còn háo hức mong chờ như trước, từ đó dù bận rộn tới đâu nhưng ông vẫn gói bánh chưng để con cháu vui.
Tết Nguyên đán đang đến gần, tiết Xuân len lỏi gõ cửa khắp nơi. Trong thời khắc ấy, những hoài niệm, những nếp sống, nếp sinh hoạt mang hơi thở truyền thống lại được khơi dậy, tôn lên như nhắc nhở người ta biết trân trọng quá khứ, để thế hệ trẻ hiểu, trân trọng và cùng tiếp nối, giữ gìn.
TTXVN/Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất