04/07/2019 20:20 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2019, trong đó quy định rõ việc lãnh đạo có thể bị cách chức nếu bố trí người thân vào vị trí quản lý tổ chức nhân sự; quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn; thời hạn người giữ chức vụ, quyền hạn được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sau khi thôi chức; quy định về thời gian phản hồi sau khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin…
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng.
Nghị định cũng quy định rõ các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước nhằm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
* Lãnh đạo có thể bị cách chức nếu bố trí người thân vào vị trí quản lý tổ chức nhân sự
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định cách chức đối với người đứng đầu cơ quan có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự trong cơ quan hoặc giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo.
Cụ thể, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định rõ: phạt cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Đặc biệt, cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các hình thức xử lý đối với các vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch, chế độ, định mức, tiêu chuẩn... Theo đó, người thực hiện công vụ, nhiệm vụ vi phạm quy định về công khai, minh bạch thì bị xử lý như sau: khiển trách đối với người vi phạm quy định về nội dung, hình thức, thời hạn thực hiện việc công khai, cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình và vi phạm chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; cảnh cáo đối với người không thực hiện công khai, không tổ chức họp báo, không cung cấp thông tin, không thực hiện việc giải trình, không xây dựng, không công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công khai, minh bạch thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, Nghị định quy định người cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; phải hoàn trả phần giá trị đã cho phép sử dụng trái quy định và bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.
Đối với người sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải liên đới bồi thường phần giá trị đã sử dụng vượt quá quy định và bị xử lý như sau: trường hợp không biết việc sử dụng đó là trái quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; trường hợp biết hoặc buộc phải biết việc sử dụng đó là trái quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Người tự ý sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; phải hoàn trả phần giá trị đã sử dụng trái quy định và bồi thường nếu gây thiệt hại.
* Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật. Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
* Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập công ty ngay sau khi thôi chức
Trong chương IV (Mục 1) của Nghị định quy định rõ về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Nghị định nêu rõ thời hạn những đối tượng này không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức.
Theo đó, Nghị định chia các lĩnh vực thực hiện quy định này thành bốn nhóm tương ứng với bốn thời hạn khác nhau. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, gồm: Công Thương; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tư pháp; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong lĩnh vực này là 12 - 24 tháng.
Thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành thuộc nhóm 2 gồm: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc, là từ 6 - 12 tháng.
Với nhóm 3 thuộc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành: Ngoại giao, Quốc phòng và Công an. Bộ trưởng các bộ này ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.
Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực. Thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong nhóm lĩnh vực này chính là thời gian thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ trong từng lĩnh vực thuộc các nhóm quy định.
* Được từ chối yêu cầu giải trình liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh
Chương II của Nghị định với nội dung về trách nhiệm giải trình, Điều 4 quy định rõ về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình. Theo đó, cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.
Điều 5 quy định bốn trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình gồm: trường hợp không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4; nội dung yêu cầu giải trình thuộc thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng. Trường hợp người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình; người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật thì người được yêu cầu cũng có quyền từ chối giải trình.
* Phải phản hồi trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin
Chương VIII của Nghị định quy định về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền: Yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Phòng, chống tham nhũng; được nhận thông tin đã yêu cầu hoặc nhận văn bản trả lời về việc từ chối hoặc chưa cung cấp thông tin; khiếu nại về việc không cung cấp thông tin hoặc không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin cũng có các nghĩa vụ: yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản có ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin; thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này. Bên cạnh đó, không được lợi dụng quyền yêu cầu cung cấp thông tin để gây rối hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Nghị định cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin tại Điều 65. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền: được biết lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin; từ chối cung cấp các thông tin thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ, thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai, thông tin không liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu; yêu cầu người được cung cấp thông tin sử dụng thông tin đó hợp pháp và bảo đảm tính chính xác khi sử dụng thông tin đó.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin cũng có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này; trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin biết trong trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được; hướng dẫn tiếp cận thông tin được yêu cầu trong trường hợp thông tin đó đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông tin; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định. Việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu. Văn bản hoặc thông điệp dữ liệu yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua giao dịch điện tử cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin phải thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện: Thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này; thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu; chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai. Hoặc trả lời bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức yêu cầu trong trường hợp nội dung thông tin được yêu cầu không đáp ứng các điều kiện được quy định và nêu rõ lý do.
* Đảm bảo chính xác, khách quan khi đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
Nghị định quy định việc đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính chính xác, khách quan và tuân theo các quy định của pháp luật. Tiêu chí đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng được xác định dựa trên kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm các tiêu chí thành phần: Số lượng người có hành vi tham nhũng; vị trí, chức vụ của người có hành vi tham nhũng; lĩnh vực để xảy ra hành vi tham nhũng; mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng; giá trị tiền, tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra; số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.
Về tiêu chí đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu chí này gồm các tiêu chí thành phần: việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Để đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước cần dựa trên các tiêu chí thành phần: kết quả thực hiện công khai, minh bạch; kết quả kiểm soát xung đột lợi ích; kết quả ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kết quả thực hiện quy tắc ứng xử; kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác…
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất, khách quan và đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Nội dung của tài liệu hướng dẫn bao gồm: nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp đánh giá, trình tự, thủ tục tiến hành đánh giá.
Hàng năm, căn cứ vào tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp các thông tin, tài liệu, hồ sơ, báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc thực hiện việc đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá cho Thanh tra Chính phủ để tổng hợp./.
Hiền Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất