30/05/2015 13:35 GMT+7 | SEA Games 2015
(giaidauscholar.com) - Dù chỉ ở quy mô khu vực, nhưng SEA Games cũng đã có bề dày lịch sử tới nửa thế kỷ tính từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1959. Và lúc này, dù còn nhiều tranh cãi về chuyên môn, thì cũng không thể phủ nhận sức tác động của SEA Games đến sự phát triển chung của thể thao khu vực, trong đó có cả thể thao Việt Nam. Đây cũng là nội dung loạt bài "Những nẻo đường SEA Games" mà Thể thao & Văn hóa chuyển tới độc giả.
Có mặt ngay từ kỳ đầu tiên dưới tên gọi Đại hội thể thao bán đảo Đông Dương - SEAP Games, nhưng ít người biết, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia sáng lập ra sân chơi thể thao lớn nhất khu vực.
Nhờ Asian Games mới có SEAP Games
Đại hội thể thao châu Á - Asian Games lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1951 tại New Dehli (Ấn Độ) chỉ có 11 quốc gia tham dự, thì tới 5 thuộc khu vực Đông Nam Á. Và ý tưởng về việc thành lập một Liên đoàn thể thao cùng một Đại hội thể thao của riêng khu vực đã hình thành từ phía Ủy ban Olympic Thái Lan.
Và chỉ 7 năm sau, được sự ủng hộ của Việt Nam và Campuchia, cũng trong khuôn khổ Asian Games lần thứ 3 diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản, ý tưởng đã lần đầu tiên được trình bày bằng dự án trong phiên họp của các nước thuộc khu vực bán đảo Đông Nam Á.
Và tới tháng 6/1959, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á chính thức ra đời có tên gọi là The South East Asian Perninsular Games Federation. Các nước tham dự phiên họp đầu tiên của Liên đoàn được gọi là nước sáng lập viên gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Đó cũng là lý do lý giải tại sao lá cờ đầu tiên của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á gồm 6 vòng tròn gắn với nhau.
Kỳ Đại hội đầu tiên với cái tên SEAP Games được tổ chức ngay vào tháng 12/1959 tại Bangkok (Thái Lan) với 6 đoàn thể thao quốc gia kể trên. Khi đó, đoàn thể thao miền Nam Việt Nam tham dự và dù chỉ có 5 HCV, nhưng có được tấm HCV đắt giá nhất ở môn bóng đá nam. Đấy cũng là tấm HCV mà đến nay vẫn chưa đến lần thứ 2 với thể thao Việt Nam.
SEA Games Việt Nam 2003 và chiếc vòng tròn thứ 11
Với chu kỳ tổ chức 2 năm/1 lần, nhưng chỉ ngay sau lần thứ 2, SEAP Games đã có trục trặc bởi điều kiện và hoàn cảnh khác nhau của nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 1963, Campuchia từ chối đăng cai khiến SEAP Games lùi tận tới năm 1965 và Malaysia tổ chức. Đây cũng là lần duy nhất ngắt quãng của Đại hội, nhưng không vì thế mà sân chơi này dừng phát triển về quy mô.
Năm 1977, Indonesia và Philippines được kết nạp và Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đổi tên Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á - SEA Games và cũng là tên của Đại hội. Năm 1979, đến lượt Brunei ở SEA Games thứ 10. Năm 1991, đoàn thể thao Việt Nam chính thức trở lại hội nhập, lần lượt sau đó tới Lào, Campuchia.
SEA Games lần thứ 22 không chỉ đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất khu vực mà cũng ở kỳ Đại hội này, đoàn thể thao Timor Leste chính thức tham dự và được kết nạp là thành viên Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Lá cờ của Liên đoàn kể từ đó có thêm vòng tròn thứ 11 thể hiện cho tình đoàn kết của tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong ngày hội thể thao.
(Còn tiếp)
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất