07/03/2017 15:15 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Câu chuyện quản lý vỉa hè ở Thủ đô Hà Nội càng trở nên cấp thiết, nhức nhối và nóng bỏng khi đô thị phát triển với tốc độ chóng mặt, nhất là khi “chiếc áo” đô thị Hà Nội ngày càng "căng phồng", đến mức quá tải với khoảng 10 triệu dân sinh sống.
Bên cạnh đó, nhà cao tầng vẫn phát triển mạnh tại đô thị, trong lúc chưa giải quyết được bài toán giao thông đi kèm. Ngoài ra, những kế hoạch, dự định lớn của Hà Nội đưa ra chưa được thực hiện mạnh mẽ, như việc di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm để giãn mật độ dân số và xe cộ...
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội hiện có lượng phương tiện giao thông rất nhiều với khoảng 5,5 triệu xe, trong đó trên 550.000 ô tô và hơn 5 triệu mô tô, chưa kể nhiều xe mang biển ngoại tỉnh vẫn thường xuyên ra vào. Ngoài ra, Hà Nội có một lượng lớn người nhập cư, buôn bán kinh doanh, hàng xén, hàng xáo và hàng rong tồn tại khắp nơi... Từ những thực trạng trên cho thấy, việc kiểm soát tình hình vi phạm lấn chiếm vỉa hè rất khó khăn.
Lực lượng chức năng ra quân, giành lại trật tự vỉa hè phố Lương Định Của, Hà Nội.
Rất nhiều thuật ngữ đã trở thành quen thuộc như “quyết tâm”, “quyết liệt”, “mạnh mẽ”, “dù khó đến mấy cũng phải làm”, nhưng sau những lời khẩu hiệu hô hào cũng chẳng khác nào "cơn mưa rào thoảng qua rồi chợt tắt". Dẹp trật tự đô thị cũng là hình ảnh tương đồng, mỗi dịp ra quân rầm rộ, một vài tháng lại như “đá ném ao bèo”. Lực lượng chức năng khuất bóng, vi phạm lập tức mọc ra.
Điệp khúc cứ thế, dẫn tới “nhờn thuốc” nhờn luật và thực tế vẫn không ít cảnh tượng người dân vi phạm còn giằng xé, đôi co, thậm chí là va chạm với lực lượng chức năng, vì họ cho rằng vỉa hè là của riêng mình và có quyền được mưu sinh. Trong 4 năm qua, Hà Nội luôn lấy làm năm “trật tự, văn minh, đô thị”, với mong muốn làm cho đô thị khang trang, mặc dù đã có chuyển biến, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững.
Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó việc tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân chưa được quan tâm đúng mức và kỷ cương không được thực hiện ở nhiều nơi. Đi kèm đó là cán bộ không gương mẫu, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho vi phạm, dẫn tới thiếu thuyết phục, thiếu công bằng, nên người dân không tuân thủ triệt để.
Đây thực sự là bài toán hết sức khó khăn, nan giải, cần phải giải quyết đồng bộ, hợp lý; trong đó hài hòa lợi ích nhiều phía và phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, cũng như sự đồng bộ kết nối giao thông đi lại, nơi gửi xe hợp lý.
Muốn quản lý tốt vỉa hè, phải tổ chức được “không gian sống”, không thể áp dụng cứng nhắc, rập khuôn đồng loạt một mô hình nào đấy cho toàn thể địa bàn, mà mỗi vùng đất, mỗi quận, huyện có đặc thù về văn hóa, ẩm thực, kinh tế, mật độ dân số, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, giao thông hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường : phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô.
Việc quản lý và thiết lập không gian sống ở phố cổ cần phải được nghiên cứu một cách rất thấu đáo, tỉ mỉ, vì nơi đây có đặc thù văn hóa đặc trưng, các phố phường nhỏ hẹp, có bề dày ngàn năm văn hiến, thì việc tổ chức không gian sống cũng khác biệt. Các con phố cổ, tập quán xưa nay buôn bán nhộn nhịp ven đường. Nay mặc dù không thể chấp nhận cho việc lấn chiếm, nhưng cần tôn trọng tính lịch sử, tập quán.
Ngày nay, các con phố cổ càng nhiều hàng hóa, nhiều người và xe cộ đi lại, tham quan, giao thương buôn bán thì vấn đề tắc nghẽn, lần chiếm, dựng xe bừa bãi là khó tránh khỏi. Vì vậy, song hành với việc quyết liệt giải tỏa các điểm vi phạm, thành phố cần chú trọng xây dựng không gian sống nơi này tốt hơn, bằng việc có thể hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô lịch sử; tăng cường vận tải công cộng; giành không gian để người dân và du khách có chỗ gửi xe; có các chỉ giới rõ ràng phạm vi buôn bán và xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Tới đây, Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân trên diện rộng tất cả các quận huyện để quyết giành lại trật tự vỉa hè. Lại một lần nữa chữ “quyết tâm” được đưa ra và nhiều khó khăn, thách thức đang chờ phía trước. Thiết nghĩ, trước tiên mỗi người dân cần nâng cao ý thức, mỗi người chỉ một hành động nhỏ để bảo vệ thì sẽ dễ dàng thành công hơn nhiều, thay vào đó phải tốn công sức, tiền của, căng sức đối trọng giữa chính quyền và nhân dân - dễ gây sự phản cảm và đó là giải pháp cuối cùng, hy hữu phải thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, đợt ra quân sắp tới cũng là việc làm hết sức bình thường và thông điệp của thành phố là làm không theo phong trào, không rầm rộ, ồn ào, khoa trương, hình thức, mà đi vào thực chất, bền vừng, lâu dài. Muốn vậy ý thức người dân tự nguyện là tốt nhất.
Còn về phía thành phố sẽ quyết tâm xử lý những nơi để xảy ra vi phạm kéo dài, có hệ thống và dấu hiệu bao che, trong đó có biện pháp luân chuyển một số cán bộ nếu tiêu cực, quản lý không tốt. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng tạo không gian sống để người dân cảm nhận được sự văn minh, văn hóa, thoải mái nhẹ nhàng, từ đó mong muốn người dân tham gia phong trào, không khuyến khích việc cưỡng chế rầm rộ, gây hình ảnh không đẹp trong nhân dân và du khách thập phương.
“Trước khi làm, thành phố phát thông báo, vận động người dân tự giác thực hiện trước, có những địa phương đã chủ động triển khai với các mô hình hay như chủ tịch quận gửi thư ngõ cho nhân dân… Thành phố cũng tập trung xây dựng phương án hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời tập trung cao độ để xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt nhanh phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
TTXVN/Nguyễn Văn Cảnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất