Chính quyền Mỹ bị cáo buộc kiểm duyệt điện thoại

08/06/2013 13:28 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã và đang thu thập dữ liệu từ cuộc gọi của hàng triệu khách hàng Mỹ của công ty Verizon, theo một trát tuyệt mật của tòa án, báo Guardian của Anh cho biết.

Tòa án giám sát tình báo nước ngoài đã cấp cho NSA trát nói trên ngày 25/4, có hạn tới ngày 19/7. Trát yêu cầu Verizon, một trong những công ty viễn thông lớn nhất nước Mỹ, phải cung cấp “liên tục, hàng ngày” cho NSA thông tin của tất cả các cuộc gọi trong hệ thống của hãng, cả nội địa nước Mỹ và giữa Mỹ với các nước khác.

Tranh cãi về quyền riêng tư

Tờ báo nói trát tòa mà họ có được lần đầu tiên cho thấy chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thu giữ hàng triệu tư liệu liên lạc giữa các công dân Mỹ, không phân biệt họ có làm gì sai hay không và ở quy mô rất lớn.

Guardian nói họ không biết “liệu Verizon có phải là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông duy nhất phải tuân thủ lệnh hay không. Cũng chưa rõ liệu lệnh mới nhất của tòa án, có thời hạn ba tháng, chỉ là một lần duy nhất, hay là một trong hàng loạt lệnh giống nhau”.

Vụ việc chắc chắn sẽ lại làm dấy lên tranh cãi lâu nay ở Mỹ về phạm vi quyền hạn của chính quyền can dự vào các quyền riêng tư của công dân với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Cho tới giờ Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận thông tin trên Guardian có xác thực hay không.

Ngăn chặn nguy cơ khủng bố

Hãng tin CBS dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên ở Washington nói “những thông tin theo mô tả trong bài báo của Guardian từ lâu đã là công cụ rất quan trọng để bảo vệ nước Mỹ khỏi các đe dọa khủng bố”.

“Như chúng tôi đã tuyên bố công khai trước đó, cả ba nhánh của chính quyền đều tham gia xem xét và chuẩn thuận cho việc thu thập thông tin tình báo theo đạo luật giám sát thông tin tình báo nước ngoài. Quốc hội đã thông qua đạo luật này, trong khi Tòa giám sát tình báo nước ngoài chuẩn thuận cho việc thu thập.

Chúng ta có một hệ thống pháp quyền phức tạp quản trị và giám sát các hoạt động đó tuân theo đạo luật... Toàn bộ quy trình được kiểm soát chặt bởi tòa án, Bộ Tư pháp, Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia, để đảm bảo chúng tuân thủ hiến pháp và các luật khác của Mỹ và bảo vệ thích đáng quyền riêng tư và tự do dân sự”.

“Lý lịch dữ liệu”

Người phát ngôn công ty Verizon, Ed McFadden, nói rằng công ty “không bình luận gì” về các tin tức trên. Nhà Trắng từ chối bình luận và đề nghị chuyển câu hỏi cho NSA. Hiện NSA chưa bình luận gì. Theo báo cáo quý 1/2013, công ty Verizon hiện có 121 triệu khách hàng. Không rõ loại thư thoại nào của khách hàng Verizon sẽ bị theo dõi.

Verizon phải cung cấp số điện thoại của cả hai phía nghe và gọi, cùng thông tin về địa điểm, thời gian cuộc gọi... Tuy nhiên, dữ liệu không bao gồm nội dung cuộc gọi. “Các thông tin đó được định nghĩa là “lý lịch dữ liệu” hay thông tin chuyển tiếp, chứ không phải là các nội dung liên lạc, nên không cần lệnh khám xét cá nhân”, Guardian giải thích cơ sở pháp lý của hành động.

Tuy nhiên, nếu là sự thật, đây là động thái rất khác thường của NSA. Các trát của Tòa giám sát tình báo nước ngoài về cơ bản tập chung vào những dữ liệu với tên tuổi xác định của một nghi phạm hay một tổ chức, chứ ít khi quy định chung chung. Trát của tòa do thẩm phán Roger Vinson ký, buộc Verizon cung cấp cho NSA bản mềm “tất cả chi tiết cuộc gọi hoặc các lý lịch dữ liệu điện thoại của Verizon ở Mỹ và ở nước ngoài”.

Lệnh giám sát quy mô lớn nhất

“Theo những gì chúng ta biết tới giờ, trát này của Tòa giám sát tình báo nước ngoài là lệnh giám sát ở quy mô lớn nhất từng được ban bố. Trát tòa không hề yêu cầu những người đăng ký dịch vụ Verizon phải là nghi phạm của một hành động sai trái, và quy mô của nó là bất kỳ đâu trên nước Mỹ”, Trung tâm các quyền hiến pháp Hoa Kỳ nói.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng chỉ trích động thái này: “Trong thời đại kỹ thuật số, sự riêng tư phải là ưu tiên”, ông viết trên Twitter. Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) kêu gọi thu hồi trát ngay lập tức và kêu gọi quốc hội mở điều tra. “Đó là quá trình mà một số không rõ những người vô tội đã bị đặt dưới sự giám sát liên tục của các cơ quan chính quyền”, Jameel Jaffer, Phó Giám đốc pháp lý của ACLU, nói.

“Chuyện này thật khó tin và nó là những chứng cứ nữa cho thấy các quyền dân chủ cơ bản đã bị xâm hại một cách bí mật ở quy mô lớn ra sao theo đòi hỏi của những cơ quan tình báo không phải chịu trách nhiệm giải trình”, ông Jafffer nhấn mạnh.

Hải Minh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm