Animals Asia phản đối 'lễ hội tàn bạo nhất Việt Nam': 'Lệch chuẩn' thì khó để hiểu nhau!

29/01/2015 07:08 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - Việc Animals Asia (Tổ chức Động vật châu Á) kêu gọi cộng đồng cùng vận động ngành quản lý tại Việt Nam "chấm dứt lễ hội chém lợn Ném Thượng" đang gây sự chú ý từ công luận – đặc biệt là ở việc sử dụng các cụm từ "phản cảm", "hủ tục", "tàn bạo" khi nói về hiện tượng này.

Thông cáo cho biết: Chiến dịch vận động cộng đồng cùng ký tên kêu gọi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin & Truyền thông "ban hành Luật chấm dứt lễ hội Chém lợn" đã được phát động từ tháng 1/2015. Cho rằng "văn hóa và truyền thống thường được đưa ra làm lời biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này", phía Animals Asia đồng thời khẳng định: Hành động chém lợn "hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người".

Vội vã và thiếu thận trọng

Dù đồng tình hay phản đối nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), hầu hết các chuyên gia văn hóa khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa đều khẳng định: Đề xuất "chấm dứt lễ hội chém lợn" của Animals Asia là chưa phù hợp về cách tiếp cận. Đơn giản, nghi thức này chỉ là một trong những yếu tố cấu thành lễ hội truyền thống của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh). Và, không ngành quản lý nào có thể "ban hành Luật" để chấm dứt cả một lễ hội, chỉ với lý do nghi thức đó gây ra những ý kiến trái chiều. Chưa kể, phía Animals Asia còn nhầm lẫn giữa vai trò của Bộ TT&TT và Bộ VH,TT&DL trong chiến dịch này.

Đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc sử dụng các cụm từ "dã man", "tàn ác", "phản cảm" khi nói về một lễ hội truyền thống là thiếu thận trọng. "Nếu họ nói vậy khi nhắc tới yêu cầu bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam thì tôi hoàn toàn tán thành. Nhưng, nghi thức trong lễ hội thì lại gắn với những đặc thù riêng về truyền thống tín ngưỡng" - ông Quốc nói - "Trước khi đưa ra nhận xét cuối cùng, chúng ta nên có thiện chí để tìm hiểu rõ về căn nguyên và lịch sử của những nghi thức ấy".

Diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) thường được biết tới với một nghi thức độc đáo, khi những "cụ ỉn" được chọn sẽ bị chém làm đôi để lấy máu tế thành hoàng. Theo PTS Trần Lâm Biền, đây là nghi thức với ngầm ý xin thành hoàng phù hộ để vùng đất bản địa được trù phú, màu mỡ - khi màu đỏ của tiết lợn được coi là biểu trưng của sinh khí. Và, trong vài năm gần đây, cuộc tranh cãi của giới nghiên cứu về việc duy trì hay thay đổi nghi thức này cũng thường xuyên diễn ra, nhưng với một quy ước bất thành văn: Tôn trọng truyền thống, cũng như cộng đồng người dân Ném Thượng.

"Tôi luôn bất bình với việc một số người tự cho mình quyền phán xét rất thiếu trân trọng về văn hóa của một địa phương khác bằng các cụm từ dã man, man rợ, hủ tục" - GS Ngô Đức Thịnh, một người có quan điểm khá trung dung về nghi thức này, chia sẻ - "Nếu người ta nhìn câu chuyện từ con mắt của văn hóa Phương Tây, thì tôi xin chỉ ngay ra một nguyên tắc của chính UNESCO: Các phong tục, truyền thống văn hóa của từng cộng đồng đều có sự bình đẳng, miễn là không xâm phạm quyền con người"

Nên để cộng đồng tự điều chỉnh

Có một thực tế, trong vài năm gần đây, lượng du khách đổ về hội Ném Thượng để xem chém lợn luôn... tỷ lệ thuận với những tranh cãi về nghi thức này. Như nhận xét của các chuyên gia, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các lễ hội trên cả nước đã khiến du khách thường tỏ ra thú vị với những lễ hội có chút "khang khác" so với những gì đang diễn ra quanh mình. Thế nhưng, điều đó đồng thời cũng khiến lễ hội Ném Thượng thay đổi về bản chất, và trở thành nơi phục vụ sự hiếu kỳ của du khách, thay cho việc chỉ phục vụ cộng đồng địa phương như truyền thống.

"Đáng buồn là rất đông người kéo về xem chém lợn nhưng lại không thèm tìm hiểu về căn nguyên tư duy, cũng như hệ thống tín ngưỡng đi kèm theo nó. Người ta đứng ngoài và chỉ coi đó là lễ hội giết súc vật làm vui" – PGS Trần Lâm Biền nói - "Chính từ những câu chuyện như vậy, nghi thức chém lợn ngày càng trở nên méo mó trong cách nhìn của dư luận"

Thực tế, từ những ý kiến phản ứng, lễ hội chém lợn Ném Thượng kể từ năm 2014 vừa qua cũng có chút ít thay đổi. Như lời ông Nguyễn Văn Phong, GĐ Sở VH,TT&DL Bắc Ninh, sự điều chỉnh này được tiến hành khi ngành quản lý có cuộc gặp gỡ bàn bạc cùng cộng đồng người dân trước khi nghi lễ diễn ra. Cụ thể, lễ chém "cụ ỉn" được tổ chức trong nhà mái che, với phạm vi hẹp gồm ban khánh tiết và đại diện các hộ gia đình. Những chú lợn hiến tế cũng được cứa cổ để lấy máu, thay vì chém xả làm đôi như trước.

"Năm nay, dự kiến nghi thức chém lớn cũng được tiến hành như vậy" – ông Phong nói. "Tôi nghĩ, việc ép người dân chấm dứt thực hành tín ngưỡng, hoặc hủy bỏ hoàn toàn nghi thức là điều không thể và không nên".

"Chúng ta hãy cứ nghĩ rằng kiến nghị của Animals Asia xuất phát từ sự chân tình và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, việc thay đổi thế nào, thay đổi tới đâu, thì lại là một câu chuyện cần được nghiên cứu kĩ" – nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm - "Và, nghi thức này nếu thay đổi thì phải đến từ sự chủ động của chính cộng đồng địa phương, chứ không nên áp đặt bằng các quy định hành chính".

Cúc Đường - Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên tiếp tục Lễ hội Chém lợn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm