Chuyện ngày Valentine của Thể thao Việt Nam: Sau ánh hào quang...

13/02/2015 12:03 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Với một nền thể thao nhiều đặc thù như Việt Nam, một VĐV để gắn bó lâu dài và vươn tới thành công phải có một điểm tựa vững chắc phía sau. Đó có thể là không chỉ là  một người phụ nữ mà lại là... một người đàn ông, hay sự hội tụ đỉnh cao của sự phân thân vừa là “tiền tuyến” vừa là “hậu phương” - một nét đẹp riêng của  Thể thao Việt.

Vừa là “tiền tuyến” vừa là “hậu phương”

Chưa có một thống kê cụ thể song chắc chắn thể thao là lĩnh vực có tỷ lệ người cùng nghề nên duyên vợ chồng thuộc diện cao nhất. Ngoài xuất phát điểm từ môi trường mang tính đặc thù, còn có sự phù hợp về nhiều mặt, nhất là sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Chỉ cấp độ ĐTQG, qua các thế hệ đều xuất hiện những “cặp đôi hoàn hảo” mà sự nghiệp và cuộc sống song hành.

Có thể cùng hay khác môn, và môn nào cũng có nhưng tập trung nhiều nhất ở bắn súng, điền kinh, wushu, xe đạp, thể dục dụng cụ. Trong đó, bắn súng được coi như một “vườn ươm tình duyên”, mà chỉ số cặp đồng đội - vợ chồng của riêng môn này vượt qua con số 20. Hay một trường hợp khác cũng rất phổ biến là trai tài bóng đá sánh bước cùng gái đảm các môn khác...


Ngọc Hoa (phải) nên duyên vợ chồng nhờ bóng chuyền

Điểm chung thú vị của các cặp đôi này là vừa làm “tiến tuyến” vừa làm “hậu phương” mà không có bất cứ phân biệt hay lấn cấn gì.  Họ hỗ trợ nhau tối đa phát triển nghiệp đấu, và chia sẻ hết sức với việc nhà.

Đơn cử với trường hợp của cố Trưởng đoàn ĐTVN Tô Hiền và cựu HLV trưởng ĐTQG điền kinh Hoàng An; cố Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm CLB bắn súng Hà Nội Nguyễn Thị Duyên, hay Trưởng bộ môn bắn súng quân đội Lê Tuấn Đồng và HLV  Nguyễn Thị Đông. Hai vị Thượng tá quân đội Lê Tuấn Đồng và Nguyễn Thị Đông từng có 20 năm liên tục  cùng nhau làm nghĩa vụ quốc gia tại Trung tâm Nhổn.

Trong quãng thời gian đằng đẵng ấy, họ đã phải thu xếp, cân đối từng ngày  để kết thúc mỗi buổi tập lân nhau về nhà. Đến ngày của mình, anh Đồng phải đi chợ, nấu cơm, đưa đón, tắm rửa, dạy học cho con. Còn nếu vào “lịch” của mình, lỡ có xảy ra vấn đề về điện, nước, nhà cửa, chị Đông cũng phải ráng mà giải quyết. Giờ đã nghỉ hưu trong viên mãn, anh Đồng vẫn tự hào vì cùng một điều kiện mà  vợ còn đạt thành tích “siêu hơn mình nhiều”, còn chị Đông thường xuyên nắc nỏm “anh ấy nấu ăn và chăm con còn giỏi hơn tôi”.

Truyền thống vừa làm “tiền tuyến” vừa làm “hậu phương” đặc sắc này liên tục được phát huy, tiếp nối, điển hình như vợ chồng xạ thủ Phạm Cao Sơn - Nguyễn Thị Hằng, hay Trương Việt Hoàng - Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng). Thậm chí, vợ chồng Sơn Hằng còn quyết định đưa con lên Nhổn ở cùng trong mấy năm trời để Hằng không phải giải nghệ sớm, lại tiện chăm sóc con.  Gần đây trong làng cờ Vua Việt Nam còn

Làm “nội tướng” cho vợ xông pha

Hồ Thị Từ Tâm là HLV nữ xuất sắc nhất của điền kinh Việt Nam, gắn với hàng loạt  chiến tích “khủng” cả trên tầm châu lục và khu vực. Người thầy của những Văn Dương, Đình Cương, Thanh Hằng khẳng định mình có được ngày hôm nay, chỉ có một chút ít của ý chí, khả năng, nỗ lực của bản thân, còn thì... công của ông chồng cả. 


Cựu võ sỹ Thúy Hiền dạy wushu cho hai con gái

Cả hai đều gốc VĐV rồi làm HLV, song anh đã sẵn sàng lùi lại, phần nào đó có thể coi như một sự hy sinh, để nhường cơ hội phát triển cho vợ. Trong suốt 30 năm, mọi công to việc nhỏ của gia đình đều do anh đảm trách. Ngay cả hai đứa con cũng do anh chăm lo từ khi hãy còn ẵm ngửa cho đến thành sinh viên.

Có một thời kỳ, cũng vì chị mà gia đình đã chấp nhận cảnh chia đôi, chị ra Đà Nẵng huấn luyện còn anh ở lại Bình Định nuôi 2 con. Nguồn thu nhập nuôi sống cả nhà có được nhờ cả vào đàn heo anh nuôi. Có những cao điểm như vừa rồi, trung bình mỗi năm HLV Từ Tâm vắng nhà triền miên từ 10-11 tháng theo các học trò.

Đội trưởng ĐTQG bóng chuyền nữ Ngọc Hoa đang rực sáng trên đất Thái.  Đáng nói hơn chơi ngày càng hay, và trải khắp từ ĐTQG, CLB Long An đến đội bóng Thái với một năng lượng dồi dào. Dường như phụ công hay nhất ĐNÁ đang có một động lực và sự vững tâm tuyệt đối từ người chồng ở nhà. 

Cũng là một cầu thủ trụ cột của đội nam Long An, song ngay từ khi chưa cưới, anh Nam đã xin nghỉ sớm, để bắt tay vào các kế hoạch xây dựng “tổ ấm” của cả  hai người. Từ chuyện nhà cửa, kinh tế, cho đến “đầu ra” cho tương lai. Anh vẫn đang động viên Hoa cứ yên tâm “cày” thêm thời gian nữa, rồi tranh thủ nghỉ sinh con... anh bế cho.

Thực tế, mội người đồng đội của Hoa - cựu chủ công ĐTQG Đinh Thị Diệu Châu vẫn đang có thể tung hoành trên sàn đấu, khi mà mọi việc ở nhà, nhất là chăm hai đứa con song sinh được ông xã lo lắng chu tất. Anh Định, chồng Châu cũng là một cầu thủ của Long An giải nghệ sớm để ưu tiên cho vợ.

Có thể  điểm ra cả trăm trường hợp nữ VĐV Việt Nam đã và đang  vươn tới đỉnh cao quốc tế, chinh chiến cho nghiệp thể thao  đến ngoài 30, thậm chí 40 tuổi chính là nhờ có... những ông chồng ở nhà. Từ Vũ Bích Hường (điền kinh), Trần Hiếu Ngân (taekwondo), đến Nguyễn Thị Như Ý (judo), Lê Bích Phương (nhảy sào).

Không phải ngẫu nhiên Thể thao Việt Nam xác lập chiến lược “lấy nữ làm chủ công”. Thực tế, nó đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả với tư cách một lợi thế riêng.

Tường Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm