Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 14-2021: Nhạc sĩ Hồng Đăng được tôn vinh Giải thưởng Lớn

28/10/2021 14:43 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

(giaidauscholar.com) - Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 14 năm 2021 và phát động cuộc thi ảnh, video clip Hà Nội mát xanh (28/10/2021 - 15/7/2022).

Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021: Chờ đợi Giải thưởng Lớn

Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021: Chờ đợi Giải thưởng Lớn

14h chiều nay, 28/10, Lễ trao giải và Triển lãm Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 năm 2021 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội. Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, KTS Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp; nhưng giải thưởng năm nay tiếp tục có một vụ mùa bội thu. Từ 35 “ứng viên” ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng năm nay vào ngày 5/10/2021, gồm 11 đề cử, trong đó đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) phát động cuộc thi ảnh, video clip "Hà Nội mát xanh" và khai mạc Lễ trao giải và Triển lãm Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14-2021. Ảnh: Hòa Nguyễn

1. Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn

Theo quy chế của giải: “Mỗi năm, chỉ có duy nhất 1 đề cử Giải thưởng Lớn được công bố để trao giải”. Đây là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, được trao hàng năm cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”. Trải qua 13 mùa giải đã có những tên tuổi sau được nhận Giải thưởng Lớn: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), và gần đây nhất, năm 2020 là nhạc sĩ Phú Quang. Rất nhiều những cái tên trong danh sách Giải thưởng Lớn đã hoặc hy vọng tới đây sẽ trở thành Công dân Thủ đô Ưu tú.

Bởi ý nghĩa trọng đại đó, mà Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được xem xét, cân nhắc từ một danh sách gồm 12 tên tuổi lớn (danh sách này còn tiếp tục dài ra).

Kết quả, Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 được trao cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Quê gốc Yên Thành, Nghệ An, "ông đồ xứ Nghệ" Hồng Đăng ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.

Cũng là sông Hồng, bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, lại là một ca khúc mảnh mai xinh xắn Người sông Hồng: "Tôi yêu con sông, yêu từ thưở nhỏ, sông dài uốn mình, vắt ngang thành phố, những chiều tháng năm, con sông nắng chói... Người của sông Hồng dù đi đến đâu vẫn nhớ nhịp cầu Thăng Long yêu dấu...".

Ông đã ý nhị giải thích cho quá trình Hà Nội hóa của người bốn phương bằng ca khúc Duyên Hà Nội: "Dù từ xa về, hay ở quanh đây, một sớm một chiều, em đã thành người Hà Nội. Những bước đầu tiên, ngập ngừng bối rối".

Ông đã sống gắn bó cùng thành phố cả những năm tháng Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ca khúc Tiếng hát trên pháo đài thành phố được viết ra từ những tháng ngày khói lửa ấy: "Những bước đường hôm nay dù còn bao nhiêu gian khó/ Những khúc tình ca như vẫn còn ngân trên mỗi góc phố/ Hoa phượng vẫn nở đỏ trên những con đường quen/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào ấm áp mỗi đêm đêm…”.

Có lẽ Hoa sữa là ca khúc tình yêu đã được gạn chắt từ những giai điệu trên. Ca khúc này được ông viết trong nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau Tháng Chạp “Điện Biên Phủ trên không".

Chú thích ảnh
Do tuổi cao, sức yếu, nhạc sĩ Hồng Đăng không thể tới dự lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14-2021. Bà Anh Thúy - vợ nhạc sĩ - cùng các con thay ông tới nhận giải. Trong ảnh: Ông Lê Hồng Sơn (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng lớn cho bà Anh Thúy và con gái. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhưng như nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới vốn là ca khúc trong phim, Hoa sữa đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ.

Hoa sữa là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường ra mặt trận biên giới. Giai điệu của Hồng Đăng đã làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi: “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên". Đây là tiếng ve của tuổi thơ thành phố, tuổi thơ Hà Nội.

Dâng hiến của Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Hình như số phận đã rất gắn bó ông với sông Hồng từ thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm nên bây giờ tư gia của ông ở gần kề ngay bên bờ hữu ngạn sông Hồng, tựa lưng vào con đê gần cửa Hàm Tử. Đã qua tuổi bát thập gần tới “cửu tuần”, ông tuy đã yếu dần theo quy luật nhưng vẫn ung dung tự tại như ngày nào viết Hành khúc bình minh dành cho buổi phát thanh nhạc thể dục của Đài Tiếng nói Việt Nam mỗi sớm của một thời xa lắc. Tâm hồn ông vẫn trẻ trung như Hà Nội ngàn năm.

Chú thích ảnh
Bà Anh Thúy (vợ nhạc sĩ Hồng Đăng) xúc động phát biểu tại lễ trao giải. Bà nói: "Tôi rất xúc động khi những cống hiến của ông được ghi nhận ở tuổi già. Đây sẽ là món quà tinh thần quý giá dành cho ông". Ảnh: Hòa Nguyễn

2. Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho Triển lãm ảnh và cuốn sách Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Được tổ chức vào tháng 10/2020, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 do Viện Goethe Việt Nam, Camera Work, Manzi Art Space tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Cùng với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.

Từ năm 1967 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Hà Nội 1967 - 1975” (NXB Thế giới, Nhã Nam) của Thomas Billhardt

130 bức ảnh màu và đen trắng đã được tuyển chọn và in sách với tiêu chí chỉ tập trung vào đời sống chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài, cụ thể là 3 serie: Hà Nội đời thường, Trẻ em thời chiến và Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.

Từ Đức, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ: “Thật không may, tôi đã không thể đến tham dự triển lãm vì đại dịch Covid-19. Cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 này đã được xuất bản để đồng hành với cuộc triển lãm. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất trong sự nghiệp của tôi về mặt thiết kế và chất lượng. Tôi cũng rất hài lòng với lời tựa tuyệt vời của nhà thơ Đỗ Phấn, người đã biến những bức ảnh của tôi thành lời rất đẹp. Giải thưởng tuyệt vời này không chỉ là một sự tôn vinh cho tôi, cho nhiếp ảnh của tôi mà còn cho các nhà thiết kế cuốn sách, nhà xuất bản, phòng trưng bày Berlin, Camera Work của tôi, Viện Goethe tại Việt Nam, tất cả những người có liên quan và đã thực hiện dự án này”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây Thomas Billhardt nhớ lại: “Việt Nam đã cuốn hút tôi ngay từ đầu. Sự dịu dàng của con người, âm nhạc nhẹ nhàng và tất cả những điều đáng yêu đó tương phản với ý chí mạnh mẽ và sự khô cứng của con người trong thời chiến. Văn hóa, tình yêu thơ ca và ẩm thực tuyệt vời đã nhanh chóng khiến tôi trở thành một người bạn và một người ngưỡng mộ Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên này được thể hiện lặp đi lặp lại trong tất cả các chuyến đi của tôi”.

Chú thích ảnh
Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam (giữa) thay mặt nhà nhiếp ảnh Đức Thomas Billhardt nhận giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Hòa Nguyễn

3. Trao 2 giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội cho 2 đề cử bằng phiếu

Có tới 4 đề cử ở hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội và điều đó đã phản ánh đúng một năm sôi động của những dự án, đồ án, những đề xuất, những khát vọng… để Hà Nội ngày càng đẹp hơn. Cũng bởi thế mà Hội đồng giám khảo, sau các cuộc bình chọn căng thẳng đã trao 2 giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội cho 2 đề cử bằng phiếu nhau. Cụ thể:

- Giải “Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” thứ nhất được trao cho Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của TP Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan.

Trong suốt năm 2021, những thông tin về bản đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng luôn nhận về sự quan tâm của hàng triệu người dân Thủ đô - khi nó gắn với câu chuyện đã được bàn tới trong hàng chục năm qua: Đưa Hà Nội thoát cảnh “ngoảnh mặt” với sông Hồng.

Chú thích ảnh
Khu vực ven sông Hồng sẽ trở thành đô thị hiện đại và giàu bản sắc theo tinh thần của bản quy hoạch mới

Cụ thể, vào tháng 3, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án có tỷ lệ 1/5.000 này. Và theo tiến độ, đồ án sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Gắn với đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người. Tinh thần của bản quy hoạch gắn với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị 2 bên sông Hồng.

Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng - điều rất khác so với những ý tưởng từng được nhắc tới trước đây.

Với người Hà Nội, bản quy hoạch ấy không chỉ đáp ứng được giấc mơ về một đô thị hiện đại và giàu bản sắc bên sông Hồng. Xa hơn, nó còn là nguyện vọng đã được nhen lên quá lâu, từ những người dân vẫn hàng ngày chứng kiến những gì đang bị bỏ phí bên con sông lớn nhất trong thành phố. Dù từ quy hoạch đến thực tiễn còn là một chặng đường dài, nhưng chúng ta đã có thể yên tâm hơn về một Hà Nội lấy sông Hồng làm trung tâm, với các yếu tố xanh, sạch, đẹp và dành cho tất cả mọi người.

Chú thích ảnh
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội do nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo trao. Ảnh: Hòa Nguyễn

- Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội thứ hai được trao cho đề xuất Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.

Giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, xây dựng một hệ thống hạ tầng chống ngập khổng lồ gắn với đường cao tốc ngầm, biến toàn bộ không gian kéo dài 15km của sông thành một công viên văn hóa đặc biệt để phục vụ cộng đồng, đó là giấc mơ lớn cho cả Hà Nội thay vì riêng con sông Tô Lịch.

Thực tế, những ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch đã được nhắc tới khá nhiều trong vài năm gần đây, khi con sông gắn liền với lịch sử hình thành Hà Nội hơn 10 thế kỷ luôn ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm sẽ được tích hợp dọc sông

Tuy nhiên, so với những ý tưởng trước, điểm nhấn quan trọng trong đề xuất của JVE là việc xây dựng một hệ thống hầm ngầm chống ngập khổng lồ ở khu vực cạnh sông Tô Lịch, bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước, bể điều áp khổng lồ. Theo đó,

vào mùa mưa, hệ thống này có vai trò tiêu thoát, tích trữ nước, đồng thời bơm xả nước ra sông Nhuệ khi mưa bão qua đi (mực nước sông Nhuệ xuống thấp).

Ở phía trên hệ thống hầm chống ngập này, một hệ thống cao tốc ngầm 2 tầng (dành cho 2 chiều riêng biệt) cũng sẽ được xây dựng và có kết nối với các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô.

Theo kế hoạch, các hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ đường kính gần 17 mét, chạy dài khoảng 12 km dọc sông Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Đặc biệt, để không ảnh hưởng tới dòng chảy hiện có, cũng như không phạm vào khu vực lòng sông, hệ thống đường ngầm đặc biệt này sẽ được đặt ngầm ở phía dưới các trục đường nhựa hiện có bên cạnh sông Tô Lịch.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bằng Việt trao “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. Ảnh: Hòa Nguyễn

Và, khi giải quyết được các vấn đề về úng ngập, ách tắc giao thông, trục sông Tô Lịch sẽ được cải tạo để trở thành một không gian văn hóa - du lịch đặc thù, giống như con sông Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nhưng lại mang đậm bản sắc văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Không ảnh hưởng tới quỹ đất 2 bên sông, không gian này được khai thác dựa trên việc kè thẳng đứng sông Tô Lịch và làm đường dạo bên dưới. Theo đó, lòng sông để tự nhiên và áp dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc mùi hôi, cũng như phân hủy tầng bùn đáy. Dọc theo làn nước đã được xử lý của sông là hàng cây, vỉa hè đi bộ, thảm thực vật... tạo thành không gian công cộng phục vụ người dân Thủ đô.

Mặc dù đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện chi tiết về từng hạng mục công trình cũng như cần làm rõ hơn về tính khả thi, và mặc dù giấc mơ ấy có thể chưa thành hiện thực trong một sớm một chiều, nhưng rõ ràng nó đã khiến chúng ta tự tin, hào hứng và vững tâm hơn rất nhiều so với cảnh bị “bỏ quên” của sông Tô trong hàng chục năm qua.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu. Ảnh: Hòa Nguyễn

4. Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho “Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch”.

Chiến dịch "thần tốc" tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng đã về đích đúng tiến độ, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, từng bước nới lỏng giãn cách, dần đưa Hà Nội về trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, chiều ngày 8/9/2021, Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố đã được ban hành. Mục đích của kế hoạch nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội. Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 15/9.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, các thành viên Hội đồng giám khảo giải thưởng cùng các tác giả đoạt giải. Ảnh: Hòa Nguyễn

Trong tuần "thần tốc" tiêm chủng từ 8 đến 15/9/2021, Hà Nội đã huy động 1.600 dây chuyền tiêm trên địa bàn thành phố hoạt động liên tục, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất, cao nhất ngày 12/9 tiêm 573.000 mũi. Chỉ 1 tuần, ngành y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine Covid-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại. 100% người dân đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

"Trao đổi về kết quả chiến dịch tiêm chủng thần tốc những ngày qua tại Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, đây là thành quả nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương; là biểu hiện của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm của TP HàNội cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố... Gần 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên đã được 12 địa phương, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng cử tới hỗ trợ Thủ đô" (Báo điện tử Quân đội nhân dân, 14/9/2021).

Chiến dịch “thần tốc” tiêm vaccine đã thành công tốt đẹp. Ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách và giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế; chuẩn bị phương án hoàn tất tiêm phủ vaccine mũi 2 cho 100% người dân vào nửa đầu tháng 11/2021; trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Chú thích ảnh

Phát động cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh”

Khép lại mùa giải lần 14 - 2021, được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp xanh mát, thanh bình, thuần khiết của phố phường Hà Nội trong những ngày qua; kỳ vọng và 2 ý tưởng đoạt giải năm nay là Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh sẽ sớm trở thành hiện thực, để nhân lên “màu xanh Hà Nội”, Báo Thể thao và Văn hóa phát động Cuộc thi ảnh, video clip Hà Nội mát xanh.

Cuộc thi nhằm phản ánh một vẻ đẹp vừa mang tính chất truyền thống của một "Thành phố sông hồ", vừa mang tính đương đại của Thủ đô xanh.

Chú thích ảnh
Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hoá Lê Xuân Thành tặng hoa cho đại diện nhà tài trợ HABECO và Ban giám khảo. Ảnh: Hòa Nguyễn

Các tác phẩm được chọn tham gia vòng chấm giải sẽ được công bố chính thức trên website cuộc thi: https://thethaovanhoa.vn/buixuanphai. Giải Đặc biệt dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trị giá tối thiểu là 30 triệu đồng, ngoài ra là các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích.

Các tác phẩm vào vòng chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm và trao giải trong khuôn khổ Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15-2022 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội vào dịp 10/10/2022.

Chú thích ảnh

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), đơn vị đồng hành cùng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay, sẽ tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi Hà Nội mát xanh hướng tới mùa giải năm tới.

DANH SÁCH CHỨNG NHẬN ĐỀ CỬ VÀ ĐOẠT GIẢI - GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 14 - 2021

I. GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI được trao cho:

Nhạc sĩ Hồng Đăng

II. GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI được trao cho:

Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt

Hai tác phẩm được Bằng Chứng nhận Đề cử là: Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín; Cuốn sách Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm

III. GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI được trao cho:

1. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

2. Ý tưởng xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh

Hai ý tưởng được Bằng Chứng nhận Đề cử là Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo của SEN Heritage; Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội của Mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống"

IV. GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI được trao cho:

Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch

Hai việc làm được Bằng Chứng nhận Đề cử là: Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với một số đơn vị tổ chức; Cuộc thi vẽ Hà Nội là... và chuỗi hoạt động của dự án Hà Nội Rethink do UNESCO, và UN-Habitat tổ chức với sự đồng hành của nhóm Vietnam LocalArtist Group (VLAG).

BAN TỔ CHỨC – HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm