Giải thưởng Cánh diều 2013: Để 'Cánh diều' no gió

10/03/2014 11:47 GMT+7 | Phim


(giaidauscholar.com) - “Cánh diều” là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh các bộ phim đạt nghệ thuật đỉnh cao, nhưng phim nghệ thuật giờ đây hầu như ít nhận được sự quan tâm của khán giả và cả những người sản xuất. Để Giải thưởng này không mất dần “sức hút”, năm nay các nhà tổ chức đang nỗ lực cho mùa giải thành công.

* Khó khăn trước mùa giải

Thiếu những bộ phim chất lượng, sự thờ ơ của các nhà sản xuất cùng với khó khăn về kinh kế đang làm buồn lòng công chúng, gây khó khăn cho các nhà tổ chức sự kiện lớn của làng điện ảnh nước nhà - Giải Cánh diều 2013.

Cảnh trong Và anh sẽ trở lại.

Cảnh trong Và anh sẽ trở lại.

Giải Cánh diều 2013 có sự tham gia của hơn 160 tác phẩm điện ảnh thuộc 7 lĩnh vực: Phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu điện ảnh-truyền hình, phim ngắn, phim khoa học, phim truyện truyền hình, công trình nghiên cứu-lý luận phê bình điện ảnh. Giải thưởng tổ chức tối 15/3 này không chỉ có phim truyện điện ảnh nhưng đây là thể loại luôn nhận được sự quan tâm nhiều nhất, chất lượng nghệ thuật của các phim truyện điện ảnh luôn có tính chất quyết định sự thành bại của Giải Cánh diều.

Năm nay có 13 bộ phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều gồm: Những người viết huyền thoại, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến phần 2, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi. Trong số các phim này có đến 4 bộ phim từng tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vừa diễn ra ở Quảng Ninh tháng 10 năm 2013. Ngoại trừ phim “Những người viết huyền thoại” đã giành Bông sen vàng, những cái tên khác đều không để lại ấn tượng trong lòng khán giả tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

Chín trong số mười ba bộ phim còn lại đều được đánh giá là nặng yếu tố giải trí-thương mại, thiếu tính nghệ thuật dù đạt được mức doanh thu “khủng” tại các phòng vé như Tèo em, Cô dâu đại chiến 2, Thần tượng…

Trong khi đó, những cái tên mới nổi hay được đánh giá cao về tính nghệ thuật thời gian qua như Quả tim máu của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ hay Nước của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh-bộ phim từng gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) không xuất hiện trong danh sách dự giải.

Lý giải điều này, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải Cánh diều 2013 cho hay: Hội Điện ảnh Việt Nam đã gửi thư mời đến tất cả các hãng phim, các nhà sản xuất để họ chủ động tham gia. Nhưng nhiều hãng từ chối với lý do rằng phim họ không phù hợp với tiêu chí nên không dự giải hoặc còn khai thác ở rạp nên “khất” sang giải năm sau.

Không chỉ nhà sản xuất kém mặn mà đến cả Đài Truyền hình Việt Nam cũng không hào hứng với Giải thưởng Cánh diều năm nay. Do vậy, Lễ trao giải Cánh diều 2013 sẽ không được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV trong tối 15/3...

* Để “Cánh diều” no gió


Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, với nguồn kinh phí eo hẹp, có nhiều ý kiến cho rằng năm nay phương án không tổ chức Lễ trao giải Cánh diều đã được tính đến. Tuy nhiên mong muốn ghi nhận những đóng góp, tôn vinh những nỗ lực của các diễn viên, nhà sản xuất trong một năm qua, Lễ trao giải vẫn được tổ chức với tinh thần tự nguyện và xã hội hóa cao.

Ban tổ chức đã huy động được 1,4 tỷ đồng để tổ chức toàn bộ sự kiện ý nghĩa này, trong đó có trên 800 triệu đồng đến từ các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp yêu mến điện ảnh. Đại diện Ban tổ chức cũng khẳng định sự kiện này tuy không được truyền hình trực tiếp nhưng sẽ được ghi hình và phát lại vào ngày hôm sau để phục vụ công chúng quan tâm tới môn nghệ thuật thứ bảy này. Đặc biệt, với số tiền tiền eo hẹp 600 triệu đồng bao gồm cả trang trí sân khấu, dàn dựng, ghi hình…, Tổng đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Thanh Hải cam kết thực hiện đúng tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả nhất có thể trên tinh thần “liệu cơm gắp mắm” kết hợp với việc huy động sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. 50 nghệ sĩ khu vực phía Nam cũng được mời ra Hà Nội dự buổi lễ trên những chuyến bay do một hãng hàng không giá rẻ tài trợ.

Cũng trong cuộc họp báo tổ chức khá gọn nhẹ tại Hà Nội vừa qua, Nhà biên kịch, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Ban tổ chức giải cho biết: để đánh giá đúng chất lượng của các tác phẩm điện ảnh tham dự giải đồng thời mong muốn nâng cao chất lượng của giải năm nay, việc lựa chọn thành viên các ban giám khảo cũng được quan tâm. Ban tổ chức thành lập 7 ban giám khảo là những đạo diễn, nhà lý luận – phê bình, nhà báo… có uy tín trong lĩnh vực điện ảnh. Trong số đó, Ban giám khảo báo chí-phê bình điện ảnh lần đầu tiên được thành lập gồm 18 thành viên, nhà báo Đinh Trọng Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh làm Trưởng ban. Với 15 phim dài tập gồm 429 tập phim, Ban giám khảo phim truyện truyền hình đã làm việc từ rất sớm (ngày 25/1) để đảm bảo việc chấm, chọn chính xác. Đặc biệt, từ ngày 10-14/3, tất cả các phim truyện điện ảnh được trình chiếu miễn phí phục vụ công chúng tại: Rạp Tháng 8, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Rạp Ngọc Khánh và CGV Mipec Tower.

Mỹ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm