Trước thềm Cánh diều 2013: Phim 'Việt kiều' và phim 'Việt Nam'

13/03/2014 10:31 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Trong khi ở góc độ quản lý nhà nước và trong nội tình của giới làm phim, sự phân hóa giữa phim “Việt kiều” và phim “Việt Nam” (tạm gọi như thế) đã gần như không còn nữa. Các hãng phim, các nhà làm phim ngày càng bình đẳng với nhau trong sản xuất, tiếp thị, cạnh tranh... thì ở góc độ người xem, nếu nhìn vào danh sách phim tư nhân chiếu rạp trong một vài năm trở lại đây, sự phân hóa (vốn không cần có) giữa phim Việt kiều và phim Việt Nam vẫn khá rõ ràng.

Sự phân hóa này, ác thay, lại phản ánh cung cách làm việc và thái độ cầu thị trong sản xuất: Nếu như phim của các đạo diễn Việt kiều thiên về bài bản, cẩn thận, thì phim của nhiều nhà tư nhân Việt Nam lại khá nhảm nhí, cẩu thả.

Phim nhảm gây khó dễ cho các LHP

Doanh thu bán vé điện ảnh năm 2012 tại Việt Nam là 43 triệu USD, theo dự đoán năm 2013 còn cao hơn nhiều, dù con số chính thức chưa được công bố. Đây là con số đầy hấp lực, nên ngày càng có nhiều hãng và nhà làm phim tư nhân muốn nhảy vào cuộc để chia “miếng bánh” này. Cầu tăng nhanh, cung bị quá tải, phim dở, phim nhảm xuất hiện cũng là dễ hiểu.

Trong 22 phim được trình duyệt trong năm 2013, có 20 phim do tư nhân sản xuất, mà trong số này, các nhà làm phim Việt kiều đều đầu tư bài bản, phim ra phim, dù “gu” hay thể loại thế nào lại là chuyện khác.

Ngay tại Cánh diều 2013 sắp diễn ra lại càng rõ. Trừ phim chiến tranh Những người viết huyền thoại do Nhà nước đầu tư, đi theo hướng khác, còn lại là những phim giải trí. Mà dù là giải trí, hài nhảm thì Âm mưu giày gót nhọn, Tiền chùa, Tèo Em, Cô dâu đại chiến 2... của các đạo diễn Việt kiều cũng ra chất phim hơn những Tía ơi, Hiệp sĩ guốc vông, Và anh sẽ trở lại, Săn đàn ông, Sau ánh hào quang, Gác kiếm... Trong khi đó, Thần tượng, Đường đua... được xem là sạch sẽ, có nghề.

Ông bà ta thường nói “có bột mới gột nên hồ”, mà trong tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”, khó chia theo hạng mục, khó tuân theo tiêu chí, chấm giải kiểu gì cũng khó. Khó hơn nữa là khi phim ngoại nhập ồ ạt (gấp 7 lần phim nội), phim trên mạng thì cập nhật cấp thời, nên điện ảnh Việt bị đem ra so sánh cực kỳ khập khiễng.

Rất khó tìm đối sách hữu hiệu

Cuối năm 2013, Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để chấn hưng nền điện ảnh nội địa, đây là một nỗ lực rất đáng khích lệ. Đầu tiên Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị “Phổ biến văn bản quy phạm kỹ thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh” tại TP.HCM, mà mục đích then chốt là cập nhật và hiện đại công nghệ làm phim.

Giải thưởng Cánh diều 2013 sẽ có sự tham gia của hơn 160 phim các loại. 13 phim điện ảnh tranh giải gồm: Những người viết huyền thoại, Thần tượng, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Gác kiếm, Cô dâu đại chiến 2, Đường đua, Tiền chùa, Tía ơi. Lễ trao giải Cánh diều diễn ra tại Hà Nội tối 15/3.
Trước đó, từ năm 2009, Cục Điện ảnh đã lập 7 dự án xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và các quy chuẩn kỹ thuật về điện ảnh. Ngày 24/9/2013, Bộ KH&CN đã ra quyết định số 2939/ QĐ-BKHCN công bố 6 tiêu chuẩn quốc gia về điện ảnh. Nỗ lực là vậy, nhưng áp dụng thì còn nhiều khoảng cách, bởi những người viết các đồ án này chưa cập nhật được các xu hướng chuyển đổi công nghệ làm và chiếu phim. Hơn nữa, các nước phát triển thường giữ bí mật công nghệ, mà mục đích của họ là khi bán đủ lượng công nghệ cũ thì mới tung công nghệ mới. Ví dụ: nhiều công nghệ chiếu phim mà CGV Cinemas đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay là khá mới, các đối thủ cạnh tranh khác theo chưa kịp. Nó càng mới hơn nếu so với cả 6 tiêu chuẩn quốc gia về điện ảnh của Việt Nam.

Các ê-kíp làm phim Việt kiều không chỉ thuận lợi hơn các ê-kíp nội địa về ngoại ngữ, mà còn có lợi thế về các mối quan hệ quốc tế, nên họ có nhiều cơ hội hơn trong việc áp dụng các công nghệ mới cho điện ảnh. Hơn nữa, thái độ làm phim của họ cũng bài bản hơn, nên khoảng cách giữa phim “Việt kiều” và phim “Việt Nam” ngày càng rộng ra. Đây vừa là thách thức cho các nhà làm phim nội địa, nhưng cũng là cơ hội cho người xem có thêm sự chọn lựa, nên Tèo Em, Quả tim máu... có làm mưa làm gió ngoài rạp cũng là điều dễ hiểu.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm