LHP Cannes lần thứ 67 vào hội: Ngã tư của điện ảnh thế giới

15/05/2014 07:51 GMT+7 | Phim


(giaidauscholar.com) - Thành phố biển nhỏ bé miền Nam nước Pháp có một đặc sản thưởng thức mãi không nhàm: liên hoan phim lớn nhất thế giới. Không giống Oscar, Cannes được coi là ngã tư của điện ảnh, là điểm gặp nhau của rất nhiều nền điện ảnh.

Tại Cannes có sự kết hợp đặc biệt giữa các nhà làm phim lần đầu xuất hiện và những ngôi sao quốc tế thượng thặng. Sự đan xen đó tạo ra một bầu không khí độc nhất vô nhị.

Bỏ tính chính trị, hướng đến con người và vũ trụ

Mỗi năm, vào 12 ngày của tháng 5, Cannes mở cửa đón các nhân vật liên quan đến phim ảnh (diễn viên, đạo diễn…) và những ai đến để đưa tin về họ (báo chí, giới PR…). Nếu không thuộc một trong 2 nhóm này, cơ hội để vào được liên hoan phim và xem phim gần như là zê rô.

Tại ngã tư đó, người ta gặp các nhân vật nổi tiếng dập dìu bước lên bước xuống thảm đỏ, trong các buổi chiếu chính, giới truyền thông chụp ảnh từ mọi góc độ và các nhân viên an ninh làm việc không nghỉ.

Cannes là nơi gặp gỡ của nghệ thuật, danh tiếng và tài chính. Từ những bộ phim đầu tay kinh phí thấp đi tìm thị trường cho đến các bản hợp đồng nhiều triệu USD được ký kết, hàng chục nghìn đại diện điện ảnh đến từ khắp nơi và con số khách du lịch không thể ước tính. Mùa Xuân hoàn hảo ở Cannes chắc chắn có thể giữ chân họ.

Tinh thần quốc tế của Cannes, cách LHP tập trung vào việc xóa nhòa ranh giới các quốc gia nhân danh nghệ thuật điện ảnh, để lý giải được điều này ta cần lật lại lịch sử của Cannes, không tách rời hoàn cảnh chính trị những năm 1930.

Thời đó, các chính thể phân biệt chủng tộc ở châu Âu đang gia tăng ảnh hưởng và tầm ảnh hưởng này thể hiện trong nghệ thuật. LHP lớn nhất thời đó (cũng là lâu đời nhất) là LHP Venice, Italy. Vào năm 1939, một phim Pháp được dự báo là sẽ giành được giải cao nhất. Nhưng cuối cùng, 2 phim của Đức và Italy, đều có nội dung chính trị, đã giành giải. Để phản đối chuyện này, 3 giám khảo người Pháp, Anh và Mỹ đã xin rút khỏi ban giám khảo.

Nhằm đáp trả sự thiên vị chính trị của LHP Venice, Pháp đã lập ra LHP của riêng mình mang tên LHP Quốc tế. Nhưng LHP này bị hủy chỉ sau buổi chiếu đầu tiên vào năm 1939 vì Đức xâm lược Phần Lan và Pháp tham gia Thế chiến II.

LHP trở lại một lần nữa vào năm 1946 và gây tiếng vang. Nhưng cuối thập niên 1940, vì thiếu tiền nên nó bị ngưng một vài năm. Sau đó, sang đầu thập niên 1950, Cannes mới thực sự bước vào thời hoàng kim như những ngôi sao rực rỡ nhất đã góp mặt với nó: Kirk Douglas, Sophia Loren, Grace Kelly, Brigitte Bardot…

Từ đây LHP được biết đến với tên gọi Cannes. Sự kiện điện ảnh này đã bền bỉ cổ vũ những bộ phim có tinh thần nhân văn, nhân loại và vũ trụ, không gây chia rẽ về lợi ích của các quốc gia riêng lẻ.

Níu kéo những hào quang cũ

Năm nay, với sự xuất hiện của huyền thoại thế kỷ 20 Sophie Loren và cả Grace Kelly - gián tiếp qua bộ phim Grace Of Monaco với diễn xuất của Nicole Kidman - Cannes dường như muốn đưa những hào quang đã qua trở về hiện tại.

Monaco ở ngay gần nước Pháp, nhưng Cannes cũng chẳng ngại ngần gì mà chiếu Grace Of Monaco (bị hoàng gia Monaco phản đối) ngay đêm mở màn. Với phim này, đạo diễn Olivier Dahan và nhà sản xuất Harvey Weinstein bất hòa trong suốt năm qua, vì mỗi người muốn phát hành một bản dựng khác nhau.

Ở Cannes, người ta sẽ chiếu bản của Dahan, còn ở Mỹ, Weinstein đang nổi điên đòi hủy phát hành. Nhà sản xuất quyền lực này còn không đến Cannes để tránh xích mích với đạo diễn.

Với Cannes, một scandal thế này chỉ như một làn nước hoa phảng phất trong không khí. Scandal nghĩa là thêm sự chú ý, nhiều bàn tán, đồn đoán, kiểu gì cũng không thể phá hoại LHP mà chỉ làm sự kiện nóng hơn. Vẫn là như thế trước và sau khi Kidman đặt bàn chân ngọc ngà lên thảm đỏ, các giám khảo vào chỗ của mình. Cannes lại khai hội.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm