18/08/2016 17:00 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Khoảng cách 3 điểm so với đội bám đuổi so với SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh chưa đủ để đảm bảo cho Hải Phòng lên ngôi, khi mùa giải vẫn còn đến 5 lượt trận. Nhưng đó là lợi dẫn hiện hữu. Theo tính toán của HLV Trương Việt Hoàng, đội bóng đất Cảng cần ít nhất 8 – 10 điểm nữa để đăng quang lần đầu.
Vô chiêu thắng hữu chiêu
Hải Phòng đã vừa trải qua 2 trận đấu rất hay, một trước đội ĐKVĐ B.Bình Dương (thắng 3 – 1 ngay tại Thủ Dầu Một) và mới nhất là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ở Lạch Tray, trước đương kim á quân đồng thời là một trong những ứng viên nặng ký cho chức vô địch, Hà Nội T&T. Điều đáng nói, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đã giành trọn 6 điểm ngay thời điểm họ không có sự phục vụ của bộ đôi tiền đạo hay nhất giai đoạn 1: Stevens – Fagan.
“Vắng đồng loạt cả Stevens và Fagan, đương nhiên là rất thiệt thòi cho chúng tôi, song có cảm giác như điều đó mang lại luồng sinh khí mới cho đội bóng. Các cầu thủ đã nỗ lực gấp đôi, để khoả lấp những khoảng trống mà cầu thủ ngoại để lại và để chứng tỏ năng lực chơi bóng của mình. Chúng tôi đã nắm chặt tay nhau vượt khó và chiến thắng”, vị tướng trẻ Trương Việt Hoàng chia sẻ. Phải chăng công phu của Hải Phòng đã đạt đến cảnh giới, thượng thừa?!
Hải Phòng (áo đỏ) vẫn đang nắm giữ lợi thế trong cuộc đua vô địch.Ảnh: V.S.I
Ngoài các bàn thắng, những đóng góp vào lối chơi phòng ngự phản công kinh điển kiểu Hải Phòng của cặp tiền đạo ngoại là cực lớn. Stevens và Fagan, người đá cắm, kẻ dạt biên, với tốc độ, sự lì lợm, thực sự là nỗi ám ảnh của mọi hàng phòng ngự. Nhưng, những người làm chuyên môn, các đồng nghiệp của HLV Trương Việt Hoàng, thực sự đánh giá cao hệ thống phòng ngự dưới sự chỉ huy của trung vệ đội trưởng Lê Văn Phú (cầu thủ được việt hoá từ cái tên Issifu).
Và ngoài ra, đôi cánh với Anh Hùng – Xuân Hùng (hành lang trái), Văn Nhiên – Xuân Thắng (phải) mới giúp Hải Phòng bay cao. Khi Việt Phong và Đình Bảo xuất trận, cầu thủ tấn công đa năng Lê Văn Thắng được kéo vào trong như một nhà tổ chức, với khả năng điều phối và kỹ năng hãm thành, ra chân tuyệt vời. “Vua phá lưới nội” này đã có 8 bàn thắng, cùng trên dưới 10 đường chuyền thành bàn, tiếp tục chứng minh là một trong những cầu thủ hay nhất V-League.
Tài năng của Văn Thắng được khá nhiều HLV thừa nhận, trong đó có HLV Phan Thanh Hùng, người đã từng huấn luyện Thắng khi cầu thủ này lên các đội tuyển trẻ: “Tôi nghĩ Văn Thắng là một cầu thủ đặc biệt.
Thể lực, tinh thần trách nhiệm, nhãn quan chiến thuật của Thắng là rất ưu việt. Từng làm việc với cậu ấy từ các ĐT trẻ QG trước đây, một kỹ năng mà Thắng đã kiện toàn khác là khả năng dứt điểm cầu môn: Không còn nhắm mắt sút bừa, để rồi đậm tay thình thịch xuống đất tiếc nuối, mà Thắng đã biết căn chỉnh, biết đưa bóng vào chỗ nào để buộc thủ môn đối phương vào lưới nhặt bóng”,
Dĩ nhiên là cả HLV Trương Việt Hoàng, người đã rất mong muốn có được Văn Thắng khi xem cầu thủ người Thanh Hóa này khoác áo Cần Thơ. Việt Hoàng đã nỗ lực để Hải Phòng lấy cầu thủ này về dù cho FLC Thanh Hóa cũng rất muốn có dù kể cả khi phải chi rất nhiều tiền.
Thời thế tạo anh hùng
Cách đây hơn nửa thập niên, khi Hải Phòng lần đầu tiên trở lại V-League 2008 sau nhiều năm, đất cảng bắt đầu được nhớ đến như kinh đô của bóng đá Việt Nam, từ chất lượng đội hình, đến không khí cổ động. Ngôi sao World Cup Denilson, “King” Leandro, Ngọc Thanh, Minh Đức, Minh Châu, Bật Hiếu…, đều tề tựu về đây, dưới thời HLV Vương Tiến Dũng, để làm nên một Hải Phòng rực lửa. Chỉ thiếu thiên thời, nên Hải Phòng mới không vô địch.
Giai đoạn 2008 – 2010, Hà Nội T&T và V.Ninh Bình chỉ mang danh những anh nhà giàu mới nổi, cũng chân ướt chân ráo lên chuyên, nhưng SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, SLNA và HAGL, ĐTLA…, Hải Phòng đã là những thế lực thực sự ở V-League.
Nhưng thế lực ấy không có ngai vàng để tôn vinh vì Hải Phòng chưa từng vô địch V-League. Bất chấp những đầu tư lớn, được dẫn dắt bởi ông Dũng hay ông Hải “lơ” thì Hải Phòng vẫn thất bại. Năm 2011, khi phần lớn các ngôi sao đều rời bỏ Lạch Tray mà đi lúc họ được giá, đội bóng bắt đầu chu kỳ đi xuống có hệ thống.
Sự vươn lên của đầu mùa trước và mùa này là bất ngờ. Xem Hải Phòng thi đấu từ 2 mùa giải qua, rất khó để tìm lại sự thăng hoa, với những chiến thắng tưng bừng như giai đoạn 2008 – 2010, dưới vương triều Vương Tiến Dũng.
Hải Phòng của hậu bối Trương Việt Hoàng lì lợm, không quá khó đoán, nhưng lại cực kỳ khó “bắt”. Sự suy yếu của hàng loạt các đối thủ cạnh tranh như B.Bình Dương, HAGL, SLNA và các đội bóng của bầu Hiện, là một điều kiện tuyệt vời khác, làm bước đệm cho Hải Phòng lên ngôi.
Hải Phòng là một đội bóng đặc biệt. Ở đó, các bộ phận gần như không có sự liên hệ hữu cơ nào, từ các Hội nhóm CĐV hoạt động không chính thức, đến sân Lạch Tray, BHL và các cầu thủ Hải Phòng. Hải Phòng không thừa nhận Hội CĐV như một phần của CLB vì lo sợ những liên đới liên quan đến các án phạt, phần khác CĐV cũng… chẳng cần sự thừa nhận nào cả. Hải Phòng là không lòng vòng và điều quan trọng nhất, họ chỉ có một màu áo để chiến đấu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đang đứng chính danh chủ tịch CLB, nhưng việc đi tìm một ông chủ đích thực, kiểu bầu Hiển hay bầu Đức, ở Hải Phòng là điều không đơn giản. Và điều đó có khi lại hay, khi đội bóng thuộc về cộng đồng, về tất cả. Ngay cả Hải Phòng không lên ngôi ở mùa giải năm nay, vì nhiều lý do, họ đã là nhà vô địch của người dân, của khán giả và của CĐV đất Cảng rồi. Đấy mới là điều tối quan trọng nuôi sống bóng đá, giữa cảnh chợ chiều.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất