Từ thất bại của các đội Liga ở bán kết Champions League: Người Đức vẫn còn là “học trò”?

02/05/2013 19:17 GMT+7 | Đức

(giaidauscholar.com) - Cho dù trận chung kết tại Wembley tháng Năm tới có là của người Đức đi chăng nữa, thì con đường khẳng định mình của nền bóng đá này vẫn còn chưa hết chông gai. Và với người Tây Ban Nha, thua một lượt bán kết Champions League, dù thuyết phục đến mấy, cũng chưa phải là dấu chấm hết.

Bóng đá Đức vừa lập chiến công vang dội, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm

Vì khi một đội bóng TBN thất bại, thì không có nghĩa là những gì nó tạo ra cho nền bóng đá TBN nói riêng và thế giới nói chung đã bị hủy diệt. Và khi hai đội bóng Đức có đại thắng, thì cũng chưa phải là thời điểm họ tạo ra được những giá trị mới đủ sức bao phủ bóng đá thế giới. Trận đấu, dù có tỉ số chênh lệch đến đâu, thì nó cũng chỉ gói gọn trong 90 phút, với những diễn biến khó lường và trong điều kiện hết sức cụ thể. Không đủ cho một kết luận vội vã, rằng đế chế nào sắp bị thay thế, và kẻ đi chinh phục liệu đã trở thành một đế chế mới.

Thậm chí, những người chiến thắng trong một trận đấu cụ thể vẫn còn nhiều điều phải học hỏi từ những kẻ bại trận dưới tay họ, dù tất nhiên, những người TBN, cũng vừa nhận được những bài học đích đáng, sẽ phải rút tỉa thật nhiều kinh nghiệm sau thất bại ngày hôm nay.

Bayern & Những gì còn thiếu so với Barca

Cho đến trước trận bán kết lượt đi, các chỉ số về giữ bóng và chuyền bóng của Barca tính trong khuôn khổ 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, tất nhiên, vẫn là số một: Trung bình 69.6% thời lượng cầm bóng mỗi trận, và tỉ lệ chuyền chính xác là 89.7%. Số hai là... Bayern, giữ bóng 63.6% và chuyền chính xác 87.4%. Tức là triết lý cốt lõi của hai đội là như nhau.

Vậy thì chúng ta giải thích thế nào cho việc Bayern chỉ cầm bóng 37% ở trận lượt đi, mà vẫn thắng 4-0? Lý giải: Đội bóng xứ Bavaria đã điều chỉnh lối chơi một cách khôn ngoan, vì các kỹ năng giữ bóng và chuyền bóng vốn là thế mạnh vô địch của Barca. Và với việc cầm bóng ít hơn, trong một lối chơi mạnh mẽ, trực tiếp, giàu thể lực hơn, Bayern cũng đã phát huy tốt tất cả những điểm họ trội hơn Barca, là sức mạnh và không chiến.

Nhưng như đã nói, dù điều chỉnh lối chơi thế nào để phục vụ cho trận đấu vang dội ấy, thì đội bóng xứ Bavaria đang đi theo một triết lý cốt lõi tương tự Barca: Kiểm soát bóng bằng những đường chuyền ít chạm. Chỉ khác là các cầu thủ Bayern vẫn thiếu sự mềm mại và mẫn cảm trong cách vận hành Tiki-taka truyền thống của Barca. Mạnh mẽ và khoa học, Bayern có thể đè bẹp đội bóng xứ Catalunya trong một trận đấu cụ thể, nhưng chơi cầm bóng một cách tự nhiên, ung dung và khoan khoái như Barca ở thời kỳ đỉnh cao của họ có lẽ cũng là điều mà đội bóng siêu việt của nước Đức hướng đến vào thời điểm này (vì thế mà họ mới cần Pep Guardiola?).

Dortmund & Những lo lắng về tương lai

Với Dortmund, mọi chiến thắng bây giờ, dù lớn đến đâu, cũng đều đi kèm với nỗi lo lắng về tương lai. Mario Goetze sẽ rời đội vào mùa Hè. Robert Lewandowski đang bị chèo kéo quyết liệt. Đến cả HLV Juergen Klopp, kiến trúc sư cho thành công của đội bóng này, cũng đang là một mục tiêu gây sốt. Và đội bóng đầy ắp tài năng lẫn nhiệt huyết này sẽ còn trụ được bao lâu trong không khí thực dụng bao trùm châu Âu này?

Ông Klopp bảo rằng “hãy gọi Dortmund là Robin Hood” sau trận thắng vang dội ở lượt đi. Đó là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho chiến thắng của kẻ yếu trước kẻ mạnh, nhưng cũng là hình ảnh cho thấy cái thế thua kém rất xa của kẻ yếu.

Tại Bundesliga, ngay cả khi đã giành 2 Đĩa bạc liên tiếp, thì Dortmund vẫn chưa thể là một đối trọng với Bayern. Vậy thì cũng không thể mong họ trở thành một thế lực bền vững, ngay cả khi đã vượt qua Real Madrid một cách thuyết phục. Một trận thua cũng không làm đội bóng áo trắng mất đi tên tuổi, và nội lực tiềm tàng của họ. Thứ mà Dortmund luôn khao khát, và cần thêm rất nhiều thời gian để vươn tới.

Quá trình học hỏi của người Đức chưa kết thúc

Chắc chắn là người Đức vẫn chưa thỏa mãn sau thắng lợi vang dội này. Bayern vẫn cần phải tạo ra một phong cách có thể định hình lại thế giới bóng đá, như những gì mà Barca thời kỳ đỉnh cao đã làm được. Dortmund vẫn cần một tương lai ít bấp bênh hơn, để cái phôi chiến thắng của ngày hôm nay có thể trở thành một thế lực cứng cáp.

Người TBN thì đã tạo ra được cả hai giá trị ấy, một lối chơi nâng lên thành trường phái được thừa nhận toàn thế giới (tiki-taka), và vị thế hàng đầu của những gã khổng lồ cấp CLB. Nhưng cú vấp ngã mùa này là một lời cảnh tỉnh: Phía sau họ, những tham vọng vẫn đang trỗi dậy, và thế giới biến đổi không ngừng. Đứng lại là “chết”.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm