14/10/2017 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Thời điểm này 1 năm trước, Bob Dylan vinh dự được nhận giải Nobel Văn học. Và người hâm mộ của ông hẳn không thể quên được năm 1965, trong Liên hoan nhạc folk ở Newport khi mà lần đầu tiên Bob Dylan đứng trước một đám đông la ó, hò hét trong phẫn nộ. Và đó cũng lần đầu tiên, người hâm mộ Bob Dylan chứng kiến sự quay lưng của thần tượng với những giá trị mà họ đã cùng nhau chia sẻ trong nhiều năm trời. Một trong số những bài hát mà Bob Dylan đưa lên sân khấu ở Newport hôm ấy, chính là Like A Rolling Stone.
Like A Rolling Stone và album Bringing It All Back Home đánh dấu bước chuyển hướng mạnh mẽ của Bob Dylan từ folk sang phong cách chủ đạo rock’n’roll. Dù cho trước đó ông cũng đã “manh nha” cho thấy dấu hiệu của rock’n’roll qua các sáng tác Black Crow BluesvàI Don't Believe You (She Acts Like We Never Have Met).
Sự hận thù của cô gái mới lớn
Sáng tác vào mùa Xuân năm 1965, Like A Rolling Stonemô tả tâm trạng hận thù của một cô gái mới lớn,đã từng có được những điều kiện tốt nhất, nhưng rồi tất cả đều tan biến như bong bóng xà phòng, để lại trong cô gái trẻ một tâm thế chông chênh, hoang mang và bất lực. Cuối cùng, tác giả không quên gửi gắm một “lời khuyên” với cô gái về mặt tích cực của việc mất tất cả, đó là sự tự do và giải thoát khi “không còn gì để mất”.
Lời bài hát chỉ là một phần trong bài thơ dài 10 trang giấy mà Bob Dylan viết sau khi trở về từ chuyến lưu diễn không mấy thành công tại Anh. Thậm chí ông đã từng có ý nghĩ nghiêm túc về việc giải nghệ:“Tôi đã kiệt sức, và cái cách mà mọi thứ đang ra đi, thật sự là một hoàn cảnh chán ngắt...” (trích trong bài phỏng vấn của Bob Dylan với tạp chí Playboy vào năm 1966).
Nhưng có vẻ tâm trạng chán nản và bất ổn của Bob Dylan không đủ làm thỏa mãn công chúng tò mò. Đã có rất nhiều luồng thông tin không chính thức xung quanh sự hận thù và nhân vật “Miss Lonely”mà Bob Dylan gửi gắm trong Like A Rolling Stone, bởi chính tác giả cũng không đưa ra thông tin gì thật sự cụ thể.
Và lời đồn đại phổ biến nhất có liên quan đến một nữ diễn viên - người mẫu tóc vàng Edie Sedgwick, người sau này bị cho là đã có mối quan hệ ngắn ngủi không rõ ràng với Bob Dylan khoảng cuối năm 1965 - đầu năm 1966, ngay trong lúc Dylan bí mật kết hôn với Sara Lownds vào tháng 11/1965.
Theo như quan điểm của một số người liên quan, dưới vai trò khách quan, Bob Dylan đã chứng kiến câu chuyện giữa Edie Sedgwick và Andy Warhol. Sau khi bỏ nhà đến New York, Edie Sedgwick bị Andy Warhol sử dụng như một “ngôi sao nhỏ”, và bỏ rơi cô khi cô “hết thời”. Chính Andy Warhol cũng đề cập đến việc này trong cuốn sách của chính mình POPism: The Warhol '60s, rằng một số người thân cận đã cho ông biết về thái độ thù địch của Bob Dylan dành cho mình. Theo đó, Bob Dylan sáng tác bài hát này như một lời “cảnh báo” đối với Edie Sedgwick.
Dù không có thông tin chính thức xác nhận quan điểm trên, nhưng ngược lại cũng không có ý kiến phản bác từ chính tác giả, và câu chuyện này vẫn tiếp tục sống trong những lời đồn đại của công chúng.
Người viết tiểu sử cho Bob Dylan - Howard Sounes - cũng đã lên tiếng “bênh vực” Dylan rằng với sự vĩ đại của ca khúc này thì hợp lý nhất vẫn là hiểu nó theo cái gọi là “cảm hứng thời đại” mà Bob Dylan nhận thấy. Bob Dylan đã trải qua rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống lúc bấy giờ. Ông cũng chia sẻ sau tai nạn ô tô vào năm 1966: “Khi tôi sử dụng những từ thuộc ngôi thứ 3 và nói về người khác, thật ra tôi chỉ đang nói về chính mình”.
Siêu phẩm suýt bị bỏ xó
Hãng thu âm chủ quản Columbia Records (CRS) là những người đầu tiên phản đối sự chuyển hướng phong cách của Bob Dylan, với hàng loạt động thái phản đối, thậm chí xếp xó bản thu Like A Rolling Stone.
Thế nhưng họ không biết rằng Bob Dylan không hề chủ đích sử dụng nhạc cụ điện tử, mà gần như đó là điều tất yếu.
Trong ngày thu âm đầu tiên 15/6/1965 tại phòng thu Studio A trong trụ sở của Columbia Records, New York (phòng thu khiêm tốn từng được Frank Sinatra, Tony Bennett và Barbra Streisand sử dụng), Bob Dylan và các nhạc công đã phải rất vất vả để tạo ra được phiên bản Like A Rolling Stone phong cách valse với nhịp 3/4 không mấy ưng ý.
Sang đến ngày hôm sau, khi mọi thứ đang khá bế tắc, Bob Dylan mời thêm Al Kooper ở vị trí organ và đưa ra ý tưởng dùng nhạc cụ điện để “đổi gió”. Sau 15 lần làm đi làm lại, cuối cùng bản thu cuối cùng của Like A Rolling Stone với nhịp 4/4 cũng được phát hành với tiếng guitar điện thực hiện bởi chính Bob Dylan.
Bản thu này khi trình lên hãng thu âm đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của bộ phận phát hành bởi 2 lý do chính: rock’n’roll sẽ không thể tạo hit (cùng lý do họ từ chối Elvis Presley và The Beatles trước đó) và bản thu quá dài, tận 6 phút. Cùng với việc Columbia Records chuyển trụ sở về đại lộ Sixth Avenue, thì Like A Rolling Stone cũng “vô tình” bị bỏ quên.
Sau đó, với nỗ lực của Bob Dylan và sự trợ giúp của điều phối viên của CRSShaun Considin, Like A Rolling Stone được biểu diễn giấu tên tại một vài hộp đêm ở Manhattan. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của bài hát, đài phát thanh WABC đã liên hệ với Columbia Records yêu cầu đưa ra bản thu chính thức.
Một cuộc họp được triệu tập tại Columbia Records, và cuối cùng bộ phận phát hành cũng phải nhượng bộ, nhưng bài hát vẫn bị cắt thành 2 phần với lý do về độ dài. Bất chấp điều đó, phiên bản đầy đủ đã được Bob Dylan cùng một vài DJ làm lại, ngay lập tức càn quét BXH Billboard với vị trí thứ 2 trong nhiều tuần.
Cuộc cách mạng folk-rock lan nhanh sau đó, và Bob Dylan cũng bắt đầu thay đổi cách ăn mặc.“Hoàng tử”nhạc folk trước kia tuềnh toàng, giản dị được thay bằng ngôi sao rock ‘n’ roll thời trang và cực kỳ lịch sự.
Columbia Records cũng có một sự “thay áo”, khi vị trí Phó Chủ tịch phụ trách phát hành được chuyển cho người khác, và một hợp đồng mới với Bob Dylan được ký kết với hàng loạt yêu cầu của nhạc sĩ được đáp ứng.
Ca khúc đánh dấu cột mốc mới của rock‘n’roll Bruce Springsteen, trong lời đề cử Bob Dylan tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, nói rằng đĩa đơn Like A Rolling Stone ẩn chứa “sự cám dỗ như thể ai đó đang đạp tung cánh cửa trước mặt mình”. Thật vậy, với đĩa đơn này, Bob Dylan đã chạm đến một bước nhảy vọt về phong cách, đánh dấu lần đầu ông sử dụng nhạc cụ điện tử trong thu âm. Và cũng đánh dấu một chương mới của rock ‘n’roll. |
Bản nháp “Like A Rolling Stone”có giá 2 triệu USD Năm 2014, bản thảo viết tay lời thơ của bài hát Like A Rolling Stone của Bob Dylan đã được đem ra bán đấu giá. Và người sở hữu bản thảo này với số tiền 2 triệu USD được ban tổ chức tiết lộ là “người hâm mộ lâu năm đến từ California”. Được viết bằng bút chì trên 4 tờ giấy trắng của khách sạn Roger Smith tại Washington D.C, đây là “bản nháp được biết đến duy nhất của lời ca cho một tượng đài làm thay đổi nhạc rock”. Trên bản nháp được bán có một số lời ca đã được chỉnh sửa khi đưa vào bài hát chính thức, và một số hình vẽ thể hiện suy nghĩ của Bob Dylan. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất