Tác giả 'The Hunger Games': Viết về chiến tranh không để hù dọa trẻ con

19/12/2013 14:20 GMT+7 | Đọc - Xem


(giaidauscholar.com) - Với cơn sốt do phim Catching Fire (phần 2 - The Hunger Games, tựa Việt: Đấu trường sinh tử) tạo ra, bộ sách gốc của nhà văn Suzanne Collins đã trở thành chủ đề thảo luận hấp dẫn thời gian gần đây. Một trong những khía cạnh được nhiều người quan tâm là liệu tính bạo lực và ám ảnh của chiến tranh trong sách có phù hợp với độc giả nhỏ tuổi không?

Có một thực tế, The Hunger Games dù được xác định là dành cho giới trẻ đã trưởng thành nhưng ngày càng được độc giả tuổi teen và thiếu nhi tìm đọc. Mới đây, một độc giả nêu ý kiến trên mạng: "Tôi sẽ không để con gái đang học lớp 3 đọc The Hunger Games vì bộ sách quá tăm tối so với tâm lý lứa tuổi con tôi".


Về chủ đề này, nhà văn Suzanne Collins trả lời tạp chí Time trong một cuộc phỏng vấn chung với đạo diễn Francis Lawrence của Catching Fire. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:

* Các cảnh chiến đấu trong đấu trường rất sống động. Bà xác định mình có thể đi xa đến đâu trong việc mô tả cảnh bạo lực cho một lứa độc giả trẻ như vậy?

- Tôi nghĩ về trải nghiệm của chính mình khi còn nhỏ. Tôi quen với những thứ này từ rất sớm qua lịch sử và cha tôi. Cha tôi biết mức độ có thể chấp nhận được khi nói về chiến tranh với các lứa tuổi khác nhau. Tôi học tập ông và lấy đó làm nguyên tắc khi viết các cuốn sách của mình.


Tôi nghĩ mọi người thường rất không thoải mái khi nói với trẻ con về chiến tranh, do đó họ chọn cách không nói, vốn dễ dàng hơn nhiều. Nhưng chính việc đó đã tạo ra những chàng trai cô gái trẻ trung, bước vào quân đội mà không thực sự hiểu về chiến tranh. Tôi cho rằng chúng ta đang làm hại trẻ con khi không giáo dục chúng về chiến tranh, không để chúng hiểu về chiến tranh từ khi còn nhỏ.


Đó không phải là hù dọa trẻ con. Khi tôi còn nhỏ, các câu chuyện của bố không dọa tôi. Các câu chuyện của tôi ngày nay lại không phải chiến tranh thật, mà là tưởng tượng. The Hunger Games viết về thời tương lai xa xôi. Tôi không hiểu sao độc giả trẻ tuổi lại sợ câu chuyện này. Tôi nghĩ họ sẽ bị câu chuyện hấp dẫn và muốn thảo luận về nó.


* Tại sao bà lại viết theo thể loại khoa học viễn tưởng? Sao không viết như một tiểu thuyết hiện thực, về một cuộc chiến thật?


- Tôi nghĩ vì có nhiều yếu tố ẩn dụ trong đó. Đấu trường là một biểu tượng, nó luôn biến đổi. Có điểm tựa lịch sử cho cuộc chiến trong sách, đó là chiến tranh nô lệ lần thứ 3 thời Spartacus, khi một võ sĩ giác đấu nổi dậy và lãnh đạo cuộc cách mạng. Nhưng tôi cũng rất tự do trong sáng tạo, tôi không quá phụ thuộc vào lịch sử.

* Vậy Katniss đến từ đâu?

- Nguồn gốc của Katniss được lập sẵn. Cô là một cung thủ, là trụ cột của gia đình, là một nhân vật rất được ngưỡng mộ nhưng đầy tì vết. Cô là một trong những đứa trẻ phải gánh trách nhiệm quá lớn ở độ tuổi còn quá trẻ. Điều đó đã hình thành tính cách của cô. Ở một vài khía cạnh, Katniss quá trưởng thành so với tuổi, nhưng ở một vài khía cạnh khác, cô lại rất non nớt.


Điều buồn cười là khi bắt tay vào viết cuốn sách, tôi dự định sẽ kể chuyện từ ngôi thứ ba. Nhưng khi tôi bắt đầu, chuyện lại tuôn ra từ ngôi thứ nhất. Cứ như thể Katniss đã nằng nặc đòi được kể chuyện và tôi phải làm theo cô ấy. Cô ấy hoàn toàn chiếm lĩnh tâm trí tôi.


* Bà có ngạc nhiên vì bộ sách đã thu hút được lượng công chúng trưởng thành đông đảo đến thế không?


- Ồ có chứ. Tôi không đoán trước được điều đó. Tôi cứ tưởng các độc giả đã đọc sách thiếu nhi của tôi sẽ trưởng thành và đọc tiếp sách dành cho người lớn của tôi. Nhưng khi biết có những người sẵn sàng đọc bất cứ tác phẩm nào về sự áp bức và nổi dậy, tôi thấy rất ngạc nhiên và thú vị.


Trải nghiệm của Katniss khác với độc giả, nhưng họ thích một nhân vật không tì vết. Katniss không hoàn hảo, nhưng ngay sau vài chương đầu, cô đã tạo được dấu ấn: tình nguyện thế chỗ em gái tham gia Đấu trường Sinh tử. Từ sâu thẳm trong tim, Katniss là người tốt, đồng thời có thể làm những điều không phải ai cũng dám làm.


Hạ Huyền (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm