22/10/2011 10:25 GMT+7 | Âm nhạc
Để hiểu hơn về Chế Linh, TT&VH xin giới thiệu bài viết của một người đồng hương với anh, nhà thơ Inrasara.
Trước 1975, Chế Linh và Từ Công Phụng được coi là khuôn mặt văn nghệ sáng giá nhất của người Chăm. Sáng giá giữa cộng đồng Chăm và nhất là - thế giới ngoài Chăm. Đó là điều hiếm. Khi đồng bào Chăm còn sống khép mình sau hàng rào xương rồng làng palei đầy vẻ tách biệt với xã hội Việt Nam và khi đại đa số trí thức Chăm vẫn còn bám quê nhà, hai nghệ sĩ này đã tự tin nhập cuộc. Và chỉ trong thời gian ngắn, họ đã chinh phục giới thưởng ngoạn nghệ thuật, tạo danh tiếng không những cho riêng họ, mà cho cả cộng đồng Chăm. Đồng tộc, đồng hương nhưng hai nghệ sĩ khác nhau cả vực thẳm về tính cách con người lẫn phong cách nghệ thuật. Nếu Chế Linh bình dân thì Từ Công Phụng xu hướng trí thức; Chế Linh: đậm Chăm, anh Phụng: rặt “Tây”; nhạc Chế Linh phổ biến rộng rãi trong quần chúng, ngược lại các ca khúc của Từ Công Phụng được biết nhiều tại các phòng trà.
Tôi và Chế Linh thân thiện, yêu quý nhau nữa, có thể nói thế. Nhưng chúng tôi ít gặp nhau. Thuở tiểu học, anh ghé Caklaing quê tôi, mọi người túa đi xem, tôi không đi nên không biết mặt. Trước đó lứa chúng tôi chỉ thưởng ngoạn anh qua ảnh bìa nhạc cánh bướm đủ dạng phổ biến tràn lan. Lần đầu gặp mặt anh khi anh cùng Hùng Cường ghé Trường Trung học Pô-Klong nơi tôi đang theo học, biểu diễn. Rồi lần nữa, mùa Hè năm 1970, anh hát ở Trung tâm Văn hóa Chàm, thị xã Phan Rang. Đám đông kéo đến đạp nát cả rào dây thép gai khu trung tâm. Katê 2008, anh cùng đoàn làm phim tư liệu nước ngoài ghé Nhà trưng bày văn hóa Chăm Inrahani ở Caklaing (làng Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận - TT&VH), mời tôi tham gia trả lời phỏng vấn. - Rất đặc biệt và đầy hứng thú. Bà con không ngờ Chế Linh hát tiếng Chăm chuẩn và hay như thế, sau bao nhiêu năm xa quê hương. Đây đích thực là “đứa con của Đất”! Sau khi định cư tại Canada, đây là lần thứ ba anh về Việt Nam.
Không phải giải quyết “nỗi nhớ thương vô bờ bến với quê Chàm”, mà là “làm việc” - anh nói. Live show đầu tiên diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Hà Nội vào ngày 21/10, sau đó là Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, Nha Trang,... Người hâm mộ đang mong “tiếng hát Chế Linh trở lại”. Anh sẽ đắt sô, chắc chắn thế. Thời mở cửa, tiếng hát Chế Linh được phát tràn lan khắp nẻo quê đường phố. Tiếng hát Chế Linh theo tiếng loa xe đạp anh bán kẹo kéo, chất giọng mượt mà ru hồn kia được bắt chước để rỉ rả ở bờ môi cô gái trên đồng ruộng miền Tây, cả lối rung có một không hai đó vẫn được không ít người thuộc tầng lớp trung lưu Hà Nội bắt chước.
16 tuổi, túi không, tay không rời làng Chăm Hamu Tanran - Ninh Thuận vào Sài Gòn, làm đủ nghề để sống và hát. Từng đoạt giải Kim Khánh - Huy chương vàng Đệ nhất hạng nam ca do một nhật báo ở Sài Gòn tổ chức; từng thu âm rất nhiều đĩa nhạc rồi từng bị cấm hát, từng... nhưng Chế Linh đã vượt qua, tiếng hát Chế Linh vẫn cứ tồn tại. Có yếu tố may mắn ở đó, thế nhưng tất cả vẫn do tài năng thiên bẩm cùng công phu luyện tập và nhất là sự “hết mình” rất Chăm của anh.Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất