22/09/2012 16:17 GMT+7
Đế chế không có hai mặt trời
Khi lịch thi đấu Premier League mùa này được công bố hồi tháng Bảy, có một trận cầu được cả thế giới túc cầu chờ đón. Ở đó, hai vương triều quyền lực nhất trong lịch sử bóng đá Anh sẽ lại đối mặt với nhau, một lần nữa.
M.U, với 19 danh hiệu vô địch, là đội bóng thành công nhất trong lịch sử nước Anh. Và Liverpool là CLB duy nhất cần được nhắc nhở về sự thật đó. Nhưng “The Kop” cũng có niềm tự hào của riêng mình. Với 5 chức vô địch châu Âu, Liverpool chính là đội bóng Anh thành công tại lục địa.
Tổng cộng 37 danh hiệu vô địch Anh, họ là hai đội bóng thành công nhất lịch sử - Ảnh: Getty
Sự thù địch giữa họ là điều vô cùng dễ hiểu. Người hâm mộ Liverpool có lý do tự nhiên để ghét United. Với United, điều đó cũng tương tự. Đỉnh cao không có chỗ cho hai người.
Cả hai đội bóng đã truyền cho người hâm mộ khát khao được chứng kiến CLB của mình đánh bại kình địch cả trên sân nhà lẫn sân khách qua từng mùa giải. Khoảng cách giữa họ chỉ là 30 dặm. Nhưng đó là khoảng cách phân định rõ ràng hai thế lực vĩ đại nhất lịch sử Anh quốc nói riêng và lịch sử bóng đá châu Âu nói chung. Khi họ gặp nhau, cảm xúc, sự đam mê, nỗi thất vọng và thật nhiều hương vị tuyệt vời vẫn được chờ đợi. Trước khi họ gặp nhau, chính quyền thường phải cấm người hâm mộ sử dụng đồ uống có cồn trước trận đấu. Họ lo sợ những thảm họa bạo động sẽ diễn ra. Vậy, sự kình địch ấy là gì? Nó đã bắt đầu như thế nào? Tại sao người ta phải sợ hãi nó tới như vậy?
Để hiểu được điều này, chúng ta phải lần lại quá khứ, lật lại cuốn biên niên sử huyền thoại của bóng đá Anh.
Đó là hai CLB đã giành tổng cộng 119 danh hiệu: 60 cho United và 59 cho Liverpool. M.U thành công trong thập niên 50 và 60 của thế kỉ trước dưới triều đại của Sir Alexander Matthew "Matt" Busby, thường được biết tới với cái tên “Những đứa trẻ của Busby”. Thế hệ vĩ đại ấy bị gián đoạn một thời gian sau thảm họa máy bay Munich 1958 đã giết chết phần lớn các thành viên. Sau đó vài năm, họ trở lại mạnh mẽ và bước lên đỉnh cao châu Âu lần đầu tiên trong mùa giải 1967/1968. Sự suy yếu của United sau đó được Liverpool tận dụng triệt để. Thập kỉ 70 và 80 thuộc về “The Kop” với 4 chức vô địch châu Âu và rất nhiều danh hiệu quốc nội. Nhưng một lần nữa, M.U trở lại đỉnh cao quyền lực của bóng đá Anh dưới triều đại Ferguson. Họ thống trị hoàn toàn xứ sương mù dưới kỉ nguyên Premier League kể từ đầu thập niên 90 tới nay.
Liverpool thống trị ở các thập niên 70 và 80 - Ảnh: Getty
Mối quan hệ giữa M.U và Liverpool là mối quan hệ của hai thế lực vĩ đại. Họ thay nhau làm chủ thời đại, chờ đợi sự sụp đổ của đối thủ và xây dựng đế chế mới cho mình. Họ đố kị và ghen ghét với sự phát triển của kẻ thù. Họ truyền suy nghĩ đó vào trái tim từng người hâm mộ, những kẻ sống cách nhau chỉ 30 dặm. Kẻ này giận dữ khi chứng kiến kẻ kia giành mọi vinh quang và quyết tâm lật đổ đối thủ. Cứ thế, họ liên tục viết nên thiên sử thi về 2 đội bóng vĩ đại nhất lịch sử Anh quốc.
Đương nhiên, sự thù địch giữa họ không đơn thuần chỉ liên quan tới bóng đá. Năm 2008, Liverpool được vinh danh là “Thủ đô văn hóa châu Âu”, điều đó làm người hâm mộ United phát điên. Họ trả lời sự kiện trên bằng tấm băng rôn trên khán đài Stretford End ở Old Traffod với nội dung “Thủ đô danh hiệu châu Âu”. Đấy cũng là mùa giải M.U giành cú ăn ba vĩ đại: Premier League, Champions League và Cúp thế giới các CLB
Cách mạng công nghiệp
Nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả. Có những nguyên nhân sâu xa hơn nữa dẫn tới sự kình địch giữa Manchester và Liverpool. Mọi thứ xuất phát từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu thế kỉ XIX. Khi đó, Liverpool và Manchester là 2 người khổng lồ của công nghiệp Anh quốc nói riêng và công nghiệp thế giới nói chung. Nhưng Liverpool nằm ven biển, có vị trí giao thông thuận lợi hơn hẳn cho hoạt động kinh tế và phát triển mạnh mẽ hơn. Trước tình hình đó, thành phố Manchester đã xây dựng hệ thống kênh đào của mình. Bạn có thể thấy biểu tượng con thuyền trên huy hiệu của Manchester United. Đó là dấu ấn không thể phai mờ của một lịch sử vĩ đại, nguyên nhân của hơn một thế kỉ xung đột và kình địch, của những mâu thuẫn không thể giải quyết về quyền lợi kinh tế và niềm tự hào địa phương.
Sự xuất hiện của hệ thống trên giúp Manchester tạo đường đi vòng qua cảng Liverpool và nối liền họ với biển Ailen, đồng thời tạo ra những cơ hội lớn hơn cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng khiến vị thế của hải cảng Liverpool bị suy yếu. Liverpool nổi giận vì điều đó. Di sản của cách mạng công nghiệp, cùng với bóng đá đã liên tục được bổ sung sau hàng thập kỉ mâu thuẫn giữa các cầu thủ, HLV, CĐV và đôi khi, cả các giám đốc điều hành.
Minh Chiến (theo sportskeeda.com)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất