07/04/2015 19:56 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 7 vòng đấu cuối của Liverpool tại Premier League khởi đầu bằng tuyên ngôn thất bại. Brendan Rodgers đã vẫy cờ trắng về khả năng giành vé dự Champions League.
Hai trận thua dĩ nhiên có ảnh hưởng lớn tới yếu tố tâm lý. Thất bại trước Man United và Arsenal – hai đối thủ trực tiếp – đã triệt tiêu hi vọng của Liverpool. Dường như chuỗi 13 trận bất bại trước đó đã trôi vào quên lãng.
Martin Skrtel và Emre Can – hai cá nhân chơi ổn định nhất kể từ tháng 12/2014 tới nay – sẽ bị treo giò. Thủ lĩnh Steven Gerrard cũng vậy. Daniel Sturridge vẫn chật vật kể từ khi trở lại sau chấn thương. Raheem Sterling bất ổn tâm lý vì hợp đồng và tương lai.
Liệu đâu là lời giải thích phù hợp nhất cho toàn bộ những câu chuyện “lên voi xuống chó” của Liverpool ở mùa giải này?
Góc nhìn tài chính nói lên tất cả
Cộng đồng người hâm mộ Liverpool tại Anh không ai không biết tới Paul Tomkins. Là một ký giả tự do, Tomkins từng thực hiện một công trình nghiên cứu đồ sộ về mối quan hệ giữa tài chính và vinh quang của các CLB Premier League. Công trình này được công bố vào năm 2010, thông qua cuốn sách “Pay As You Play”.
Thông qua hệ thống quy chiếu và thống kê giá trị chuyển nhượng vô cùng chi tiết từ 1992 đến 2010, Tomkins đã chứng minh được những điều sau:
Thứ nhất, một CLB có tổng giá trị chuyển nhượng càng cao thì khả năng thành công càng cao.
Thứ hai, một CLB vung càng nhiều tiền để mua cầu thủ thì khả năng tiến bộ ở mùa giải sau đó càng cao.
Thời điểm Tomkins đưa công bố nghiên cứu này, ông nhận phải nhiều ngờ vực. Nhưng thời gian đã trả lời tất cả. Ngay ở mùa giải hiện tại, Tomkins hoàn toàn có thể tự hào.
Chelsea, đội đang dẫn đầu Premier League với khoảng cách an toàn cũng chính là đội có tổng giá trị chuyển nhượng cao nhất, cách biệt hơn hẳn so với đội đứng sau. Nhóm 3 đội có giá trị tương đối gần nhau xếp ngay sau chính là Man United, Man City và Arsenal. Thứ năm là Liverpool, kế đến là Tottenham Hotspur, Southampton.
BXH chuyên môn đã hoàn toàn trùng hợp với “BXH tiền bạc”. Sức mạnh của đồng tiền một lần nữa được khẳng định.
Đâu là lối thoát cho Liverpool?
Hệ quy chiếu tài chính đã cho thấy rằng bộ mặt thật của Liverpool chỉ là một kẻ nằm ngoài Top 4. Mùa giải trước, họ cũng xếp thứ năm về tổng giá trị chuyển nhượng nhưng đã vượt lên hoàn cảnh và xuất sắc đứng thứ hai. Nhưng những trường hợp như vậy không xuất hiện quá nhiều theo thống kê của Paul Tomkins.
Như Rodgers đã nói, hãy quên mùa giải 2014-15 đi. Cách đơn giản nhất để Liverpool có nhiều cơ hội lọt vào Top 4 mùa sau là vung ra thật nhiều tiền để hi vọng vượt qua ai đó trên BXH tài chính.
Tuy nhiên, Luật Công bằng Tài chính đang là vật cản quá lớn. Liverpool sẽ không thể vung tay quá trán như Chelsea 11 năm trước hay Man City trong 8 năm vừa qua. Doanh thu của họ là không đủ để bù lỗ nếu mua sắm quá nhiều.
Top 4 hiện tại cũng chính là nhóm 4 đội kiếm tiền tốt nhất Premier League. Man City là đội kiếm tiền theo cách “mafia” nhất, khi nguồn tiền tài trợ của họ đến từ một tập đoàn khác cũng do Sheik Mansour làm chủ. Nhưng tóm lại, nguồn thu tốt cũng chính là lý do vì sao Man United, Man City, Arsenal và Chelsea có thể chi tiền đều đặn mỗi mùa, giữ nguyên tổng giá trị chuyển nhượng “khủng”.
Cách làm của các ông chủ Liverpool tại Fenway Sports Group dường như đang sao chép lại con đường Arsenal đi 8 năm qua: đầu tư tiền vào sân vận động mới (nguồn thu chính sau này), mua những tài năng trẻ và chiến đấu cho vị trí ổn định trên BXH mỗi mùa.
Dĩ nhiên, thời Arsenal bắt đầu con đường này, chưa có nhiều sự cạnh tranh cho Top 4 như thời điểm hiện tại mà khái niệm “Tứ đại gia” vẫn rất quen thuộc. Còn giờ, Liverpool sẽ gặp nhiều cạnh tranh hơn hẳn. Nhưng đây vẫn là con đường hợp lý nhất xét trên tầm nhìn dài lâu.
Chỉ có điều, với con đường ngắn hạn trước mặt, Liverpool sẽ còn phải chịu nhiều thất vọng dài dài, hệt như cách Arsenal trải qua 8 năm vừa rồi...
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất