26/05/2025 07:15 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 27/5, Malaysia sẽ tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên mang tính bước ngoặt giữa ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Trung Quốc. Sự kiện đánh dấu một động thái quan trọng của ASEAN nhằm tái định hướng chiến lược trong thế giới đa cực.
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nhấn mạnh những nỗ lực của khu vực hướng tới hợp tác kinh tế và ngoại giao cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, thông qua việc thiết lập một lộ trình riêng, xây dựng mô hình hợp tác ASEAN - GCC và Trung Quốc.
GCC được thành lập tại Riyadh, Saudi Arabia năm 1981, là một liên minh chính trị và kinh tế liên chính phủ khu vực bao gồm 6 thành viên: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Đây là khu vực bao gồm nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới. Dự báo, năm 2025, UAE và Saudi Arabia sẽ tăng trưởng kinh tế lần lượt là 5,5% và 4,8%.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Datuk, Giáo sư Awang Azman Awang Pawi, Trường Đại học Malaya, cho rằng thông qua Sáng kiến triệu tập Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC với Trung Quốc, Malaysia đã định vị mình là một cầu nối, tận dụng tính trung lập về địa chính trị, bản sắc Hồi giáo và mối quan hệ lịch sử với cả Trung Đông và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ đóng vai trò là một khuôn khổ ngoại giao thay thế trong bối cảnh các cường quốc ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ với GCC, mang đến cho ASEAN cơ hội quan trọng để định vị là một bên đoàn kết, trung lập trong một thế giới đa cực, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm và sự liên đới của ASEAN trong một trật tự thế giới ngày càng phân cực.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: TTXVN phát
Đồng quan điểm với Giáo sư Awang, Giáo sư Yeah Kim Leng, Trường Đại học Sunway, cho rằng mô hình hợp tác này phù hợp với bối cảnh thực tại, mang lại sự phát triển thịnh vượng chung cho ASEAN và hiệp hội cần đồng tâm hiệp lực để vượt qua những thử thách phía trước, trong đó có chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Với tổng số dân lên đến hơn 2,5 tỷ người, kiểm soát một số tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới như Eo biển Malacca và Eo biển Hormuz, ba bên đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, nền kinh tế số và hệ sinh thái sản xuất toàn cầu.
Quan hệ ASEAN - GCC bắt đầu từ năm 1990, khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các bộ trưởng GCC, bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Từ đó đến nay, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 130,7 tỷ USD năm 2023, GCC trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN. Trong số các nền kinh tế GCC, UAE là nước đóng góp lớn nhất, chiếm 44,9% tổng kim ngạch thương mại của GCC với ASEAN, tiếp theo là Saudi Arabia (30,2%), Qatar (10,9%), Kuwait (8,3%), Oman (4,7%) và Bahrain (1%). Dầu khí đóng góp phần lớn vào tổng quan hệ thương mại của ASEAN-GCC với hơn 63,1%. Mặc dù trị giá thương mại giữa hai bên còn khiêm tốn, nhưng đang phát triển nhanh do có chung lợi ích về an ninh năng lượng, chuỗi cung ứng thực phẩm và tài chính Hồi giáo.
Trên thực tế, GCC phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu thực phẩm từ ASEAN, chủ yếu từ các nước Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Các hiệp định thương mại tăng cường có thể cải thiện khả năng phục hồi nguồn cung cho Vùng Vịnh và năng lực xuất khẩu thực phẩm của ASEAN. Bên cạnh đó, GCC là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 16 của ASEAN vào năm 2023.
Cũng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại ASEAN với Trung Quốc đạt gần 1.000 tỷ USD, Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong khi đó, trao đổi thương mại GCC với Trung Quốc đạt khoảng 298 tỷ USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu khí từ vùng Vịnh và đầu tư ngày càng tăng của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Việc hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN, GCC với Trung Quốc có thể mở đường cho sự ra đời của một khối thương mại gắn kết hơn, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng và kết nối hậu cần tiếp tục được cải thiện theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Nếu ASEAN và GCC có thể thống nhất các tiêu chuẩn thương mại và khuôn khổ pháp lý, và với quy mô kinh tế của Trung Quốc làm nền tảng, sẽ có tiềm năng lớn để tạo ra sự cân bằng với các khối thương mại lấy phương Tây làm trung tâm.
Với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch ASEAN, Malaysia cho rằng, Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC và Trung Quốc sắp tới không đặt mục tiêu thiết lập các thỏa thuận mới về cơ sở hạ tầng hay quan hệ đối tác mà được kỳ vọng sẽ tạo ra một thể chế lâu dài, ổn định và không cường quốc đơn lẻ nào có thể phá vỡ, bao gồm các hội đồng điều phối thương mại thường trực, các phương thức giải quyết tranh chấp ba bên và khuôn khổ giải quyết tình trạng khẩn cấp chung để ứng phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, cách tiếp cận này sẽ chuyển mối quan hệ ASEAN - GCC với Trung Quốc từ mối quan hệ giao dịch sang mối quan hệ mang tính cấu trúc nhằm bảo vệ hoạt động thương mại tránh khỏi cạnh tranh địa chính trị. Đối với ASEAN, đây là thời điểm chứng minh quan điểm trung lập không có nghĩa là thụ động và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể chuyển thành động lực chiến lược, đồng thời góp phần củng cố vai trò trung tâm của 10 quốc gia thành viên. Đối với GCC, đây là cơ hội để mở rộng quan hệ từ dầu mỏ sang nhiều lĩnh vực khác mà ASEAN đang có lợi thế như xuất khẩu nông sản, ngành công nghiệp Halal, điện và điện tử…Với Trung Quốc, hội nghị cấp cao này là cách để chứng minh quan điểm thúc đẩy hội nhập đa phương và ứng phó với các xung đột thương mại từ phương Tây.
Việc mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và Trung Quốc cho thấy Malaysia đang sẵn sàng trở thành quốc gia đi đầu trong việc thiết lập cơ chế mới, không chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia mà còn giúp duy trì sự ổn định của khu vực thông qua gắn kết về lợi ích kinh tế. Do đó, sự thành công của hội nghị sẽ không dựa trên số lượng thỏa thuận được ký kết hay độ dài của Tuyên bố chung mà được đo lường bằng số lượng các kênh hợp tác bền vững được thiết lập, lấy ví dụ như hội đồng thương mại ba bên hay nền tảng để ứng phó với khủng hoảng.
Đối với một khu vực có định hướng thương mại như ASEAN, việc triệu tập Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và Trung Quốc đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường, tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao khả năng phục hồi. Đánh giá tương quan sâu sắc hơn của ba bên cho thấy rõ ràng rằng, ASEAN đang thiết lập một lộ trình riêng, nơi 10 quốc gia thành viên có thể hội nhập sâu rộng hơn, tăng cường liên kết thương mại- đầu tư ở cả trong lẫn ngoài hiệp hội.
Bằng cách liên kết các thị trường trẻ đang phát triển của ASEAN với dòng vốn và công nghệ của Trung Quốc, cũng như năng lượng và sự giàu có của Vùng Vịnh, hội nghị cấp cao ba bên này đại diện cho một trục tăng trưởng mới ở Nam bán cầu. Nước Chủ tịch ASEAN 2025 Malaysia không những đề xuất sáng kiến tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và Trung Quốc lần đầu tiên, mà còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt chiến lược cho một kiến trúc mới về hợp tác xuyên khu vực, một lộ trình riêng của ASEAN.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất