22/07/2019 16:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - “Nếu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chính là tác giả của việc phong danh hiệu “Nữ hoàng” và một số bằng khen khác cho cá nhân, tổ chức như dư luận báo chí phản ánh một cách dày đặc trong thời gian qua thì Hội này cần nghiêm túc xem xét những cuộc thi và việc tổ chức trao các danh hiệu đó đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật chưa. Đồng thời phải có câu trả lời chính thức cho công luận…”.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Văn Hóa vào cuối tuần qua xung quanh việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã nhiều lần tổ chức trao tặng danh hiệu, bằng khen… cho tổ chức, cá nhân theo kiểu “thích gì được nấy”.
Theo ông Thắng, “những cuộc thi với các danh hiệu như từ trên trời rơi xuống này là phản cảm, tạo ra những giá trị ảo trong đời sống xã hội khiến dư luận rất bức xúc. Vì vậy, cơ quan Bộ, ngành liên quan, nhất là những Bộ chủ quản hội nghề nghiệp cần có biện pháp để khắc phục”.
* Ở góc độ của mình ông quan tâm như thế nào về loạn danh hiệu “Nữ hoàng” trong thời gian qua?
- Thực ra đây không phải là hiện tượng mới xuất hiện gần đây mà trước đó dư luận xã hội và báo chí cũng đã đề cập nhiều với hàng loạt danh hiệu khác nhau, mà danh hiệu nào mới nghe qua cũng rất “kêu”. Tuy nhiên vừa qua, vấn đề này lại trở nên “nóng” hơn khi các loại danh hiệu “Nữ hoàng” trong đó có “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” lại “bung” ra với cấp độ lớn hơn, gây phản ứng và bức xúc. Trước tình trạng này, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời xử lý thì sẽ có một cuộc thi tương tự cũng đã diễn ra rồi và khi ấy lại sẽ có hàng loạt danh hiệu “Nữ hoàng” khác được trao.
* Ông có bình luận gì về các loại danh hiệu, nhất là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”?
- Nhìn chung, những danh hiệu được tôn vinh trong các cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định sẽ rất có giá trị và đó là sự tôn vinh mà xã hội dành cho các cá nhân hay tổ chức tiêu biểu, có nhiều đóng góp và được công nhận trên các lĩnh vực. Nhưng mà các danh hiệu “Nữ hoàng” được trao một cách dễ dãi, với các danh hiệu như từ “trên trời rơi xuống” như kiểu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” thì đúng là hết sức tuỳ tiện và phản cảm. Đến cả một lĩnh vực thuộc về tín ngưỡng, tâm linh cần có sự tôn trọng, nghiêm túc như thế mà cũng phong nhau thành “Nữ hoàng”, “bà chúa” thì không thể hiểu được cái tiêu chí của ban tổ chức là gì.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân loạn danh hiệu “Nữ hoàng” này? Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam là tác giả, vậy Hội này có trách nhiệm gì?
- Thực ra các danh hiệu kiểu này chủ yếu xuất phát từ các cuộc thi do những Hội tổ chức, chứ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các đơn vị đã có uy tín trong lĩnh vực này sẽ không tổ chức những cuộc thi với các danh hiệu mang tính tự phong tuỳ tiện như thế. Nguyên nhân của việc loạn danh hiệu này cũng có thể xuất phát từ bệnh háo danh trong xã hội và nhà tổ chức đã lợi dụng điều đó để trao các danh hiệu này. Mặt khác, các cuộc thi không được tổ chức đúng quy định như thế cũng sẽ gây nên hiệu ứng ngược trong xã hội, dẫn đến tôn sùng, chạy theo những giá trị ảo vì có thể nhà tổ chức vì một động cơ nào đó đã không có một quy trình thẩm định đúng giá trị của cá nhân hay tổ chức được tôn vinh.
Chẳng hạn tôi thấy có thông tin cho rằng, có một số doanh nghiệp được tôn vinh nhưng sự thực là họ đã bị nhà tổ chức bằng cách này hay cách khác yêu cầu để họ phải đóng kinh phí cho việc tôn vinh chính mình. Trong khi, lẽ ra việc thẩm định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp hay sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân cho xã hội, phải do các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, đánh giá. Theo tôi, nếu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chính là tác giả của việc loạn danh hiệu “Nữ hoàng” thì Hội này cần nghiêm túc xem xét các cuộc thi, việc trao danh hiệu do mình tổ chức đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật chưa. Đồng thời phải có câu trả lời chính thức trước công luận.
Tổ chức và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là một nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức với các nội hàm cũng như quy trình, danh hiệu trao tặng trong các cuộc thi đều phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, của cơ quan quản lý, tránh để xảy ra các trường hợp tuỳ tiện, thậm chí sai sót, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
* Với tư cách là đại biểu, theo ông Bộ Công Thương là Bộ quản lý nhà nước về Hội này phải có biện pháp gì để ngăn chặn các vụ việc tương tự?
- Theo tôi không chỉ Bộ Công thương mà với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cùng các tổ chức cần phải rà soát lại tổ chức hoạt động của các hội đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, quy định chặt chẽ, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có), không để tiếp tục xảy ra những vụ việc, danh xưng tự phong tùy tiện như thế này. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần xem xét xem có dấu hiệu tiêu cực, mua – bán danh hiệu ở các cuộc thi này như dư luận thắc mắc hay không. Nếu có sai phạm thì phải tiến hành xử lý theo các quy định của pháp luật. Nếu không thì cũng cần có kết luận, thông báo rõ để dư luận có cái nhìn đúng về sự việc.
Dưới góc độ văn hóa, tôi mong rằng các cuộc thi, việc trao danh hiệu tùy tiện như thế này cần phải được chấn chỉnh kịp thời để tránh những lệch lạc, phản văn hóa và gây ra sự bức xúc trong dư luận.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất