01/04/2021 15:52 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 sắp kết thúc. Có những thành viên Chính phủ tiếp tục tái cử, có người chuyển sang vị trí khác và cũng có những người rời chính trường, về nghỉ chế độ. Một nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã tổ chức 8 kỳ chất vấn trực tiếp đối với 25/26 thành viên Chính phủ.
Trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 được coi như cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Nội dung chất vấn rộng, với 135 đại biểu đặt câu hỏi, 82 lượt đại biểu tranh luận và 22/26 thành viên Chính phủ tham gia trả lời.
Trong 8 kỳ chất vấn, 19 bộ trưởng, trưởng ngành đã đăng đàn, chỉ riêng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong suốt cả nhiệm kỳ chưa trực tiếp trả lời chất vấn. Một số bộ trưởng đã trả lời nhiều lần như Bộ trưởng: Công Thương, Công an, Nội vụ, Tài chính… Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng cũng nhiều lần trả lời chất vấn trực tiếp và giải trình thêm các ý kiến đại biểu quan tâm. Nhiều lời hứa nghị trường, nhiều hành động đã được thực hiện, nhưng mong muốn của cử tri vẫn còn nhiều hơn thế, vẫn còn đó những trăn trở, những “món nợ” gửi đến nhiệm kỳ sau.
Phản ánh một phần nỗ lực thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài “Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ”.
Năm 2016 trở về trước, hễ nhắc đến vấn đề bộ máy và biên chế, tư duy của nhiều người còn in đậm câu chuyện bộ máy cồng kềnh, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, biên chế là gánh nặng đè lên ngân sách nhà nước vốn đã oằn mình gồng gánh những khoản bội chi, nợ công lên đến sát trần. Đây là “mối nợ” trải qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp, từ nhiệm kỳ Chính phủ 2007 - 2011, 2011 - 2016 và cho đến giữa nhiệm kỳ 2016 - 2021 chúng ta mới thực hiện được.
Bộ máy, biên chế và nợ công
Còn nhớ ở thời điểm năm 2017, khi tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế yếu kém như tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân (198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ) dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung. Càng tinh gọn, bộ máy càng "phình" to.
Trong 5 năm (2011-2016), tăng 28 đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trung bình mỗi cơ quan tăng thêm 1,1 đơn vị. Số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có đến 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các vụ, cục, phòng tăng từ 4,7% đến 13,6% so với năm 2011.
Tính đến thời điểm cuối năm 2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 510; số vụ, cục, chi cục thuộc tổng cục là 3.867. Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ, có 29 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế đều tăng 3 cục... Số cục trong bộ tăng dẫn đến tổ chức thêm nhiều đơn vị cấp phòng trong cục (trong 5 năm tăng 180 đơn vị, tháng 12/2016 có 958 phòng thuộc cục), tăng biên chế, chi phí hành chính, trong khi chức năng, nhiệm vụ không thay đổi.
Bên cạnh đó, vẫn còn tới 945 phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc “cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan Trung ương. Từ năm 2011 đến năm 2016, tăng 34 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 85 phòng và tương đương, 16 chi cục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc…
Chất vấn ở nghị trường khi đó nóng bỏng vấn đề nợ công bởi dư nợ đã sát ngưỡng 65% GDP, nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép. Trong khi sức ép nợ công đang ngày càng lớn, chi tiêu nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn. Ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo chi thường xuyên tới 77,64% đơn vị sự nghiệp công lập và đây cũng chỉ là một phần của gánh nặng chi thường xuyên cho bộ máy.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang thông tin con số đáng lo ngại trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 là tỷ lệ chi ngân sách phát triển theo hướng tiêu cực, chi thường xuyên tăng rất nhanh, từ 52% lên 65 - 67%. Nếu đầu nhiệm kỳ, chi thường xuyên là 370.000 tỷ đồng, cuối nhiệm kỳ đã lên đến hơn 800.000 tỷ đồng. Từ khoản chi ngân sách đó, an ninh về tài chính không đảm bảo, không đủ tiền để trả nợ khi đến hạn, phải đảo nợ, bán dần tài sản nhà nước, thu thêm cổ tức của doanh nghiệp để bù vào các khoản chi.
Tại kỳ họp thứ 2, nêu con số báo cáo của Bộ Tài chính là chi thường xuyên chiếm đến 64% tổng chi ngân sách, bộ máy rất cồng kềnh, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về trách nhiệm trong việc đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ trong lúc đang thực hiện đề án tinh giản biên chế.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đột phá của Chính phủ để tinh gọn bộ máy, giảm bớt chi tiêu công thông qua việc xã hội hóa và tăng tự chủ, giảm bao cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập, bởi vấn đề này được thực hiện đã nhiều năm nhưng kết quả rất hạn chế, còn nhiều vướng mắc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, số người hưởng lương và mang tính chất lương lên tới 11 triệu người, không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Cần có một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước.
Khi đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu trên nghị trường Quốc hội rằng “dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả sẽ có lỗi với dân”.
Đã có những lời đề nghị được đại biểu Quốc hội đưa ra, trong đó có việc chi tiêu triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên, thu hẹp khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, không để khoảng cách này ngày càng nới rộng.
Lời hứa xã hội hóa mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập sau khi có đề án được Ban Chấp hành Trung ương thông qua và sẽ báo cáo với Quốc hội đã được Người đứng đầu Chính phủ đưa ra.
Quyết liệt trong cải cách
Thế nhưng, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 vào năm 2015 và chỉ sau hơn 3 năm chính thức bắt tay vào công cuộc cải cách bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cơ cấu tổ chức của bộ có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức); 126 cục (tăng 7 tổ chức); 31 tổng cục và tương đương (giảm 4 tổng cục, không tính giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an); có 100 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10 tổ chức).
Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ có 52 ban và tương đương (giảm 1 tổ chức), 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức). Cấp tỉnh: giảm 5 cơ quan chuyên môn, 973 tổ chức cấp phòng; giảm 127 tổ chức cấp chi cục, 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Cấp huyện giảm 294 tổ chức.
Đến năm 2020, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 23.896 người, tương ứng giảm 8,7% so với năm 2015; bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Chỉ tính riêng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dự kiến giảm chi ngân sách giai đoạn 2020 - 2024 khoảng 1.431 tỷ đồng.
Trong đợt sắp xếp này, Chính phủ không đơn thương độc mã, mà có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, tạo khung pháp lý cho việc sắp xếp, với hàng loạt đạo luật đã được Quốc hội thông qua như qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức..., Chính phủ đã khẩn trương ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với các giải pháp cụ thể, đồng bộ để kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm tinh gọn, ổn định và gắn kết chặt chẽ với thực hiện tinh giản biên chế. Chính phủ ban hành 13 nghị định và 5 nghị quyết về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức. Hiện đang tiếp tục xem xét, ban hành để ban hành 4 nghị định liên quan trong lĩnh vực này.
Sự quyết liệt trong cải cách bộ máy của người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Công an, sự nỗ lực sắp xếp đơn vị hành chính của Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, hay đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập ở Yên Bái đã đưa lời hứa của Chính phủ thành hiện thực. Và điều đặc biệt, giờ đây, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ đã vắng những tiếng kêu về bội chi, về nợ công, nợ Chính phủ, hay gánh nặng chi thường xuyên.
Mới đây, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Carolyn Turk đã đưa ra đánh giá rằng, Chính phủ Việt Nam thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm mạnh tỷ lệ nợ công từ 63,7% năm 2016 xuống 55,3% năm 2020, giảm hơn 8 điểm phần trăm trong vòng bốn năm. Đây là thành tích “chưa từng có tiền lệ” trên thế giới và Chính phủ Việt Nam xứng đáng được khen ngợi về thành quả này.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất