Chen lấn trong đêm Giao thừa: Thiếu quảng trường hay kém ý thức nơi công cộng?

02/01/2016 15:36 GMT+7

(giaidauscholar.com) - "Chúng ta cần xem xét lại cách tổ chức khai thác các quảng trường để hiệu quả hơn, không nhất thiết phải xây dựng thêm. Và mỗi dịp lễ hội, các nhà quản lý, nhà tổ chức sự kiện cần phân bố đều hoạt động tại các không gian lớn ở mỗi khu vực, quận huyện của thành phố, hạn chế phần nào sức hút của khu vực Hồ Gươm và trung tâm Hà Nội".

 Đó là suy nghĩ của KTS Lê Việt Hà trước cảnh chen lấn, xô đẩy trong các lễ hội đón năm mới tại Hà Nội vừa qua.

Tối ngày 31-12, chào đón năm mới, hàng chục ngàn người đã tập trung tại khu vực quanh hồ Gươm (Hà Nội). Trong đó, đông đảo nhất là tại 3 điểm có sân khấu ca nhạc ngoài trời là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lý Thái Tổ và Nhà hát Lớn.

Thông tin từ các báo cho thấy, gần trăm nghìn người đổ về quanh hồ Gươm đón năm mới 2016 khiến cho khu vực này hỗn loạn. Nhiều phụ nữ đã ngất xỉu do không chịu nổi cảnh chen lấn xô đẩy.

Chưa hết, một tai nạn xảy ra tại Quảng trưởng Cách mạng tháng 8, đứng cạnh sân khấu trong đêm nhạc hội đón giao thừa trước Nhà hát Lớn (Hà Nội), 2 cô gái bị tia lửa pháo bông rơi trúng tay và bị thương. Trước đó, một số tờ báo điện tử đã đưa tin, khi vừa bước sang giây phút đầu tiên của năm 2016, hệ thống pháo hoa của sân khấu vừa nổ thì cũng là lúc một tiếng nổ lớn từ phía những quả bóng bay kèm theo những ngọn lửa lớn. Một số tình nguyện viên đứng gần đó bị bỏng đã được đưa về Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm rõ nguyên nhân và sơ cứu tại chỗ.

Đó là những tin không mấy vui vẻ trong ngày đầu năm mới. Người ta có thể cho đó là những rủi ro, bất khả kháng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhiều người lại e ngại rằng, với sự thiếu thốn không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay, nhất là không gian quảng trường đủ lớn để tập trung đông người trong các lễ hội lớn, thì tai họa dường như là điều khó tránh khỏi, nhất là khi không ít người có thói quen chen lấn, xô đẩy.

Thể thao &Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với KTS trẻ Lê Việt Hà, người tổ chức và thực hiện hàng loạt các dự án, chương trình vì không gian công cộng của Hà Nội:

* Sẽ là "phỉ thui" cái mồm ai đó khi lo xa đến một thảm họa dẫm đạp như đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Còn anh, với tư cách là một kiến trúc sư,  anh nghĩ gì về "sức chứa" của các không gian công cộng ở Hà Nội, mà điển hình là các quảng trường?

-  Thật không thể tin nổi khi nhìn lại những hình ảnh báo chí đăng tải về cảnh tượng chen lấn xô đẩy quanh thời khắc giao thừa ở khu vực Hồ Gươm. Vấn đề cần lưu ý đầu tiên trong chuyện này là ý thức nơi công cộng của người dân mình còn rất hạn chế; sau đó mới là vấn đề nhức nhối trong việc tạo lập không gian đô thị, không gian công cộng, quảng trường của Hà Nội - vấn đề mà giới kiến trúc sư chúng tôi thực sự rất quan tâm, lên tiếng với các nhà quản lý không ít lần.

* Ở Hà  Nội, mọi người có tâm lý đổ về Hồ Gươm vào các dịp lễ hội. Anh đánh giá như thế nào về sức chứa của không gian Hồ Gươm? Nó có thực sự phù hợp với không gian lễ hội đông người? Để thực hiện chức năng đó, có cần cải tạo mở rộng như từng có một cuộc thi quốc tế thiết kế quy hoạch khu vực này?

- Đúng vậy, ở Hà Nội cứ mỗi dịp lễ người dân lại “cố gắng” có mặt ở Bờ Hồ như một thói quen được mặc định. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận trước đây được người Pháp quy hoạch rất khoa học, tuy nhiên với tốc độ phát triển đô thị và gia tăng dân số của Hà Nội hiện tại thì khu vực này từ lâu đã quá tải, đặc biệt với những sự kiện lớn. Năm 2008 Thành phố đã có một cuộc thi ý tưởng quy hoạch lại khu vực này nhưng từ đó đến nay không có ai đả động thực hiện tiếp.

* Anh có nghĩ rằng, Hà Nội cần một quảng trường lớn như... Quảng trường Thời đại của Mỹ? Nếu cần thì nó nên nằm ở đâu, bởi chúng ta biết rằng chúng ta đã có Quảng trường SVĐ Mỹ Đình ở phía Tây thành phố...

-    Nếu có một cái như Quảng trường Thời đại ở NewYork thì tôi cũng không dám chắc là không xảy ra hỗn loạn nếu ý thức của người dân vẫn như vậy.

Hà Nội thiếu quảng trường, và những quảng trường đang có thì khai thác sử dụng không hiệu quả. Nhiều quảng trường lại là những đảo giao thông tập trung mật độ xe cộ qua lại nhiều như Quảng trường Cách mạng tháng Tám (trước Nhà hát Lớn), Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (trước tòa nhà “Hàm Cá mập”),… trong khi hầu hết các quảng trường theo đúng nghĩa là nơi tĩnh, là không gian công cộng để người dân có thể ngồi, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa đường phố…

Chúng ta cần xem xét lại cách tổ chức khai thác các quảng trường để hiệu quả hơn, không nhất thiết phải xây dựng thêm. Và mỗi dịp lễ hội, các nhà quản lý, nhà tổ chức sự kiện cần phân bố đều hoạt động tại các không gian lớn ở mỗi khu vực, quận huyện của thành phố, hạn chế phần nào sức hút của khu vực Hồ Gươm và trung tâm Hà Nội.

Trong điều kiện quảng trường Hà Nội như hiện nay, theo anh nên khai thác tổ chức lễ hội ở đó như thế nào để đảm bảo không quá tải? Có nên tổ chức những lễ hội đếm ngược (countdown) như vừa qua?

-    Mọi lễ hội hấp dẫn và người dân quan tâm đều nên được tổ chức, nhưng phải thật chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn.

* Nói thật, giao thừa 2016 vừa qua, anh và gia đình có... đổ ra đường và đến các quảng trường? (Nhiều người chọn ở nhà khi ngay từ chiều các con đường Hà Nội đã kẹt cứng)

-    Gia đình mình lần này cũng đã chọn ở nhà, theo dõi sự kiện chào đón năm mới trên thế giới qua truyền hình và internet.

* Xin cảm ơn anh. Hy vọng năm sau chúng ta có thể yên tâm đón năm mới ở quảng trường.

Đông Kinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm