Lỗi không phải tại Tết!

17/01/2017 07:07 GMT+7

(giaidauscholar.com) - "Ghép" Tết Dương lịch và Tết Âm lịch đang trở thành tâm điểm tranh cãi. Quan điểm ủng hộ cho rằng, nhập hai kỳ nghỉ Tết (cụ thể kỳ nghỉ Tết Âm lịch thường niên sẽ được bố trí để "ghép" vào dịp đầu năm theo lịch dương) là lợi đôi đường.

Thứ nhất, nhập hai ngày Tết đồng nghĩa sẽ giảm "cong vênh giao dịch" với thế giới. Bởi, hiện nay, khi các nước nghỉ kỳ nghỉ Tết Dương thì chúng ta vẫn làm việc. Với kỳ nghỉ Tết Âm thì ngược lại.

Thứ hai, thực tế, khoảng thời gian giữa Tết Dương và Tết Âm là khoảng thời gian lao động tương đối bê trễ, với tâm lý uể oải "chờ nghỉ". Điều này gây tiêu cực lớn tới công việc chung.

Còn, những người phản đối có lý do đơn giản: Tết Âm là văn hóa truyền thống, là bản sắc hàng trăm năm qua của người Việt.

***

Cá nhân tôi, nếu lựa chọn, sẽ không đồng ý với việc bỏ Tết Âm.

Việc "lệch Tết" chắc chắn có ảnh hưởng phần nào tới giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia giao dịch liên tục với nước ngoài tính trên tổng số dân là không nhiều. Các đơn vị phải giao dịch thường xuyên với đối tác cũng không cao tới độ cả xã hội đang chịu sức ép lớn bởi hai kỳ nghỉ lệch nhau.


Nghỉ tết Âm lịch từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu

Thực tế, nhiều đơn vị đã coi một tuần nghỉ Tết Dương của đối tác là khoảng "giờ vàng" để tiến hành các hoạt động nội bộ cũng như sản xuất tích lũy. Hơn nữa, nghỉ Tết không phải là kỳ nghỉ đột ngột mà luôn định kỳ mỗi năm một lần. Nếu chủ động các hoạt động giao dịch từ trước, kỳ nghỉ không ảnh hưởng quá lớn tới chuyện giao dịch.

***

Ngược lại, việc nhiều người lao động bắt đầu liên miên các hoạt động Tất niên Dương, Tân niên Dương, Tất niên Âm, Tân niên Âm kéo dài từ trước Tết Dương tới sau Tết Âm là thực trạng có thật. Đặc biệt ở thành thị, trong những ngày này, công sở đôi khi lưa thưa nhưng các quán nhậu thường cháy bàn.

Những cuộc hẹn tiến hành liên miên và đích đến thường là chén rượu. Những cuộc vui này không chỉ ảnh hưởng tới thời gian làm việc của người lao động. Nhậu liên miên kéo theo vô vàn hệ lụy: sự bê trễ trong sản xuất, tai nạn giao thông...

Chưa hết, nhiều người trong chúng ta còn giữ tư tưởng "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Tức là, ra Tết, những cuộc chơi bời, nhậu nhẹt tiếp tục kéo dài. Câu ca này gắn với truyền thống sản xuất nông nghiệp của những năm trước bỗng trở thành "lá chắn" cho những tư duy biếng lười, chậm trễ.

Vậy, việc nhiều người bê tha từ Tết Dương sang Tết Âm có phải lỗi của những ngày Tết không?

Câu trả lời là không. Đó là do thái độ ứng xử của con người với ngày Tết. Và, nếu vẫn giữ thái độ "chén rượu là đầu câu chuyện", thì việc nhập hai ngày Tết cũng không giải quyết được căn cơ của vấn đề.

Chúng ta đừng đổ những thói hư tật xấu của mình cho ngày Tết, thay vì tìm ra những lý lẽ thuyết phục.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm