Lợi thế kép các địa phương đất Chín Rồng sau sắp xếp

20/04/2025 10:33 GMT+7 | Tin tức 24h

Tới đây, sau sắp xếp, hợp nhất, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn 6 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang và Cà Mau. 

Các tỉnh, thành phố mới được kỳ vọng sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế đặc biệt của vùng để tăng tốc phát triển.

Phát huy lợi thế kép

Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước, ở khu vực Tây Nam Bộ hình thành 6 tỉnh, thành phố, đó là tỉnh Tây Ninh (hợp nhất Tây Ninh và Long An), tỉnh Đồng Tháp (hợp nhất Đồng Tháp và Tiền Giang), tỉnh Vĩnh Long (hợp nhất Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), tỉnh An Giang (sáp nhập Kiên Giang vào An Giang), tỉnh Cà Mau (sáp nhập Bạc Liêu vào Cà Mau) và thành phố Cần Thơ (sáp nhập Sóc Trăng, Hậu Giang vào Cần Thơ).

Lợi thế kép các địa phương đất Chín Rồng sau sắp xếp - Ảnh 1.

Cầu Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Cả 6 tỉnh, thành mới đều sở hữu tiềm năng, thế mạnh chung là các đồng bằng màu mỡ, rộng lớn, chủ yếu thuộc lưu vực hệ thống sông Cửu Long và một số sông khác như: sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp… Đáng chú ý, hầu hết các địa phương mới đều có biển. Các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ đổ ra Biển Đông. An Giang đổ ra Biển Tây. Riêng tỉnh Cà Mau có cả Biển Đông và Biển Tây. Phần lớn các địa phương giáp biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đều xác định đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế chủ lực; trong đó, Cà Mau và Kiên Giang (sắp tới là tỉnh An Giang mới) đã được quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, phân tích: “Đồng bằng và biển là lợi thế kép mà các địa phương mới ở Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tận dụng và phát huy, khai thác triệt để. Đây là lợi thế đặc biệt, có cả đất nông nghiệp màu mỡ cho nông nghiệp quy mô lớn, quỹ đất để phát triển công nghiệp – xây dựng, lẫn bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển (cảng nước sâu, thủy sản, năng lượng sạch, du lịch…), giúp mở rộng hạ tầng giao thông và logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông; kết nối tốt hơn với các trung tâm vùng như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ”.

Lợi thế kép các địa phương đất Chín Rồng sau sắp xếp - Ảnh 2.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng.

Theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Phượng, Bến Tre như “ốc đảo” giữa sông nước, Vĩnh Long là trung tâm trung chuyển nhưng chưa thực sự phát huy vai trò, Trà Vinh ở thế "cuối sông" gần biển nhưng hạn chế về hạ tầng kết nối. Khi ba tỉnh sáp nhập lại sẽ tạo nên một “cửa ngõ chiến lược” từ đồng bằng ra biển, phá thế chia cắt tự nhiên (sông lớn, cù lao, kênh rạch), mở rộng không gian phát triển công – nông – ngư nghiệp, đô thị – logistics – cảng biển.

Ngay với Long An, dù là địa phương không giáp biển, nhưng cảng biển từ nhiều năm qua được tỉnh này xác định là hướng phát triển chiến lược dựa trên những lợi thế sẵn có, được tận dụng và phát huy hiệu quả, thông qua Cảng quốc tế Long An (trên sông Soài Roài), thuộc hệ thống cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh. Sau sáp nhập Long An với Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh mới với quy mô kinh tế trên 312.000 tỷ đồng, xếp thứ 10 cả nước, sẽ có điều kiện thuận lợi kết hợp phát triển công nghiệp – nông nghiệp - dịch vụ với kinh tế biên mậu, thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa từ các cửa khấu khu vực biên giới Tây Ninh – Campuchia về cảng Long An để xuất khẩu.

Đổi mới tổ chức quản lý cho không gian phát triển mới

Việc sáp nhập hai hay ba địa phương thành một tỉnh, thành mới đòi hỏi cũng phải đổi mới về phương thức quản lý, vận hành bộ máy. Theo các chuyên gia, thể chế quản lý mới cần linh hoạt, chú trọng phát triển hài hoà vùng ven và vùng trung tâm. Quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển theo vùng chức năng, thay vì chia tỉnh, thành theo địa giới cũ, tỉnh mới có thể tổ chức theo “tam giác động lực”.

“Nhìn từ trường hợp tỉnh Vĩnh Long mới, có thể quy hoạch vùng trung tâm là tỉnh Vĩnh Long hiện hữu, với các chức năng hành chính, logistics, trung tâm điều phối; vùng cửa ngõ biển là địa bàn tỉnh Trà Vinh, tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, cảng biển, thủy sản…; vùng nông nghiệp – du lịch sinh thái là “xứ dừa Bến Tre”, nơi tập trung phát triển chuyên canh cây ăn trái, du lịch làng quê, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Phượng chia sẻ thêm.

Bộ máy quản lý phù hợp không gian phát triển mới cũng đòi hỏi tái tạo năng lực mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập và tinh gọn bộ máy. Ông Tống Phước Thiện Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ xây dựng BSS Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập, tinh gọn, giúp bộ máy bớt cồng kềnh sẽ có lợi cho môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Lợi thế kép các địa phương đất Chín Rồng sau sắp xếp - Ảnh 4.

Chợ nổi ngã Năm, huyện Thạnh Trị ( Sóc Trăng ). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

“Điều cần thiết là việc vận hành toàn bộ hệ thống mới phải đi cùng với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền và sự tiếp cận, tham gia của người dân, doanh nghiệp. Một hạn chế của nhiều tỉnh, thành miền Tây đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ trong hoạt động kinh tế mà cả trong các dịch vụ hành chính công”, ông Nhân cho biết.

Hạn chế về nguồn nhân lực cũng được ông Nguyễn Văn Út,  Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhấn mạnh qua đánh giá chung về Long An và Tây Ninh: trong thời gian qua, hai địa phương đã tận dụng những lợi thế để đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Tuy vậy vẫn có tồn tại, hạn chế “điểm nghẽn” chung như: kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông có khả năng kết nối liên tỉnh, liên vùng; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng việc huy động nguồn lực còn khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Việc hợp nhất lợi thế của từng địa phương để tạo nên “lợi thế kép - đồng bằng và biển” cho sáu tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tới đây sẽ tạo nền tảng vững chắc hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng và logistics quy mô lớn.

Cùng với sự kết nối các nguồn lực trong và ngoài vùng, trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng Đất Chín Rồng phát triển nhanh hơn, tiến cùng các vùng kinh tế khác trong cả nước.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm