22/10/2020 07:50 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Mùa lũ đang hoành hành các tỉnh miền Trung với sức tàn khốc chưa từng thấy. Nhìn qua màn hình nhỏ, thấy có hình hồ Kẻ Gỗ đang chìm trong mưa lũ, bỗng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý vừa quá cố cuối năm ngoái, nhớ đến giai điệu Người đi xây hồ Kẻ Gỗ mà ông viết từ năm 1976.
1. Thời chiến tranh, có lẽ do thực tế chiến đấu sinh động quá, các nhạc sĩ Việt Nam đã lẳng lặng làm một công việc trong sáng tác là nới rộng cấu trúc ca khúc để mong chứa được nhiều cái thực tế sinh động kia đưa vào nhạc phẩm của mình. Một trong những nhạc sĩ thực hiện công việc này một cách hiệu quả chính là Nguyễn Văn Tý. Khi Bài ca năm tấn của ông phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, biết bao người mến mộ âm nhạc sửng sốt vì chỉ trong một ca khúc, bao nhiêu vất vả rất cụ thể của người nông dân đã được đưa vào giai điệu nhiều đến thế, mà yêu thương đến thế.
Vẫn cái đà đó, ngay sau ngày thống nhất, Nguyễn Văn Tý lại làm cho người mến mộ âm nhạc thêm một lần sửng sốt nữa khi ông đưa ra Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.
Hồ Kẻ Gỗ là một công trình thủy lợi lớn ở đồng bằng Nghệ Tĩnh. Nó giúp cho sự điều tiết nước ở các cánh đồng luôn luôn hài hòa, giúp cho mùa màng ngày càng tăng sản lượng thu hoạch. Nhưng để tạo ra nó, một đại công trường đã cuốn hút bao trai tráng, nữ hùng của Nghệ Tĩnh vừa buông tay súng, đã cầm cuốc xẻng lao vào trận chiến đấu mới chống giặc đói nghèo, lạc hậu để xây dựng quê hương "ví giặm" ngày càng giàu đẹp. Nguồn động viên cho những người đang xả thân vì nghĩa lớn rất nhiều, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là giai điệu đi vào lòng người của Nguyễn Văn Tý trong nhạc phẩm Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Nó sẽ bất tử cùng công trình này.
2. Có thể ngày kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Tý đã từng lăn lộn ở xứ Nghệ nên đã “Nghệ hóa” mình từ lúc nào không hay. Chả thế mà khi ông “ra đòn” Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, vẻ đẹp của nhạc phẩm đã làm bao người choáng váng. Có lẽ cũng bởi vậy mà Nguyễn Văn Tý lại được tín nhiệm đến với công trình xây hồ Kẻ Gỗ để lại một nhạc phẩm để đời.
Tôi cứ thấy thú vị vì không hiểu sao giữa một công trình đầy tiếng động, đầy nhịp điệu như hồ Kẻ Gỗ, Nguyễn Văn Tý lại chọn nhịp điệu 3/4 êm đềm vốn là nhịp múa của cung đình phương Tây xa xỉ và lả lướt. Có thể ông đã chọn được cái sự tĩnh, sự yên trong lòng người dấn thân cho công trình giữa cái động của công trình. Sự tĩnh ấy bắt nguồn từ niềm tin không phai mờ, niềm tin xứ Nghệ sẽ thay đổi đã là nguồn năng lượng lớn cho người dấn thân. Sự tĩnh ấy khiến cho nhạc phẩm sống lâu hơn tất cả nghệ thuật cổ động chỉ sống được trong hữu hạn.
Đã là nhịp 3/4 mà lại được hai giọng ca vàng là Thu Hiền và Kiều Hưng nhấn nhá, thì người nghe không say như say giai điệu ví dặm thì chớ kể. Nhịp 3/4 phương Tây mà “kết đôi” với giai điệu ví dặm thì ông Tây ấy đã bị “Việt hóa” đến tận cùng, đã coi món “nhút” là đặc sản của mình rồi. Chả ai thấy “Tây” gì cả khi Kiều Hưng cất giọng: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn / Mà đời không ngại đào mấy con kênh / Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt / Để đàn mương nhỏ tắm mát quanh năm / Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm…”.
Giai điệu thì đã “rất Nghệ” rồi, nhưng cái tài của người nhạc sĩ lớn là lời ca ông viết ra được khơi chảy từ nguồn sữa ca dao ngọt ngào đến vậy, thân thương đến vậy và dân dã đến vậy: “Ơ tay anh phá đá tay em đào sỏi/ Ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè/ Chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá/ Ta nghe trong đó bao nhiêu chuyện lạ/ Ngày ta đi học em nói thích nghề gì?”. Nhưng không chỉ dân dã không, chất siêu thực cũng hiện ra rất tự nhiên: “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ/ Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi/ Cùng ngày phượng nở hai đứa mình ra đi…”.
Trong một chương trình Giai điệu tự hào, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ được chính Kiều Hưng tham gia đã mang lại nhiều ấn tượng. Một cán bộ của Hồ Kẻ Gỗ cũng xuất hiện nói về cuộc “chuyển núi dời non” lịch sử này với giọng chân thành của nước mắt. Nước mắt ấy, hiện nay đang thúc giục bao nhiêu lực lượng chiến sĩ xông pha trong mưa lũ để cứu dân, cứu công trình, cứu miền Trung thoát khỏi trận thủy tặc lịch sử này. Trận chiến vẫn diễn ra cam go và ác liệt. Chỉ muốn trong lòng người dấn thân hôm nay luôn ngân vang giai điệu bất tử của Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Dùng nó làm sức mạnh vượt qua mọi thử thách.
Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất