Luật sư trả lời: Quảng cáo sữa sai sự thật, người nổi tiếng bị xử phạt ra sao?

17/04/2025 18:38 GMT+7 | Giải trí

Giữa "ma trận" quảng cáo trên mạng xã hội, câu hỏi về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của những người có sức ảnh hưởng càng được quan tâm. 

Sau khi 573 nhãn hiệu sữa giả bị phanh phui, làn sóng phẫn nộ từ dư luận đã kéo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vào tâm điểm chỉ trích... Với thực tiễn các hoạt động trên mạng xã hội đang phát triển chóng mặt, không ít ca sĩ, diễn viên, những người có tên tuổi tham gia vào hoạt động quảng cáo trên không gian này, nhưng việc họ có thực sự hiểu về nguồn gốc và biết rõ về chất lượng của những mặt hàng họ quảng cáo hay không được đặt dấu hỏi lớn.

Để làm rõ những thông tin liên quan, phóng viên Báo Thể thao & Văn hoá - TTXVN đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Thị Nga - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

 BTV Thu Hà đã từng mua phải sữa giả tại cổng bệnh viện khi chăm chồng ốm. Điều này dấy lên nhiều mối lo ngại cho người tiêu dùng (Ảnh: FBNV)

Quảng cáo sữa sai sự thật, người nổi tiếng bị xử phạt ra sao? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thị Nga - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

* Luật sư có thể cho biết hiện nay chế tài xử lý người nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm giả, kém chất lượng được quy định thế nào? Người nổi tiếng có trách nhiệm pháp lý gì khi nhận lời quảng cáo?

- Pháp luật không có quy định điều chỉnh riêng hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng. Luật quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, xuất xứ... của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người nổi tiếng là người có sự ảnh hưởng nhất định tới công chúng nên hành vi vi phạm của người nổi tiếng sẽ có tính chất, mức độ và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn những cá nhân, tổ chức khác, vì vậy, người nổi tiếng có thể bị xem xét chế tài xử lý nghiêm khắc.

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, cá nhân có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, xuất xứ... của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Việc "vô tình" hay "không biết" sản phẩm là giả có giúp người nổi tiếng được miễn trách nhiệm không?

- Luật quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo. Vì vậy, người nổi tiếng có nghĩa vụ kiểm tra thông tin sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận quảng cáo và chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa mà mình quảng cáo, nên người nổi tiếng vẫn phải chịu trách nhiệm khi vô tình hay không biết sản phẩm, hàng hóa mình quảng cáo là giả.

* Theo luật sư, hiện nay mức phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật đã đủ sức răn đe chưa? Luật Việt Nam có quy định gì về việc doanh nghiệp và người nổi tiếng phải ký kết hợp đồng quảng cáo minh bạch, quy định trách nhiệm cụ thể không?

- Chế tài xử lý hành vi quảng cáo không đúng chất lượng sản phẩm hiện nay chủ yếu áp dụng là hình phạt tiền. Tuy nhiên, thực tế một hợp đồng dịch vụ quảng cáo hiện nay, đặc biệt của người nổi tiếng, có thể có giá trị lớn hơn rất nhiều so với mức tối đa của hình phạt nên có thể chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm. Ngoài ra, phương tiện thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng là một thách thức đối với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Điều 6 Luật quảng cáo năm 2012, việc hợp tác giữa các chủ thể trong hoạt động quảng cáo phải thông qua hợp đồng dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể sẽ tuân theo quy định pháp luật về quảng cáo và các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.

* Nếu một người nổi tiếng nhận quảng cáo qua nền tảng mạng xã hội (TikTok, Facebook...) mà không khai rõ là quảng cáo thì có vi phạm gì không?

- Quy định pháp luật hiện hành về quảng cáo không có quy định rõ ràng về việc nội dung có yếu tố quảng cáo mà không nêu rõ là quảng cáo có phải là sai phạm và bị xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật về quảng cáo hay không. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo 2012 định nghĩa "Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân".

Như vậy, tùy theo tính chất của nội dung đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, nếu có nội dung thể hiện giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ được xem là quảng cáo nên sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo.

Quảng cáo sữa sai sự thật, người nổi tiếng bị xử phạt ra sao? - Ảnh 3.

Diễn viên Doãn Quốc Đam kí hợp đồng quảng cáo cho một hãng sữa cách đây 2 năm và cũng bị réo tên gần đây. Mới đây, nam diễn viên đã nói rõ sự việc trên trang cá nhân. Ảnh: Internet

* Luật sư có lời khuyên nào cho các nghệ sĩ, KOLs khi nhận lời quảng cáo để tránh vi phạm pháp luật và bảo vệ uy tín bản thân?

- Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện quảng cáo bao gồm cả nghệ sỹ, KOLs, KOCs cần phải kiểm tra đầy đủ thông tin, tài liệu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, công dụng... của sản phẩm trước khi nhận quảng cáo để không gây ra ảnh hưởng tới người tiêu dùng, không ảnh hưởng tới uy tín của bản thân, đặc biệt đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo.

Cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ vào cuối năm 2021, trong đó bao gồm các quy tắc đối với nghệ sĩ khi họ hoạt động trên truyền thông và không gian mạng, cụ thể như sau: Trên môi trường báo chí, truyền thông và không gian mạng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nghệ sĩ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm; không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm.

Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm