27/08/2021 05:09 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Vượt trên nghịch cảnh của số phận, vượt trên khó khăn vì Covid-19 và vượt trên cả chấn thương vai kéo dài, đô cử Lê Văn Công đã mang về tấm HCB quý như vàng cho Thể thao Việt Nam.
1. Với đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam cũng như cá nhân Lê Văn Công, thành tích này có đôi phần tiếc nuối. Lý do: cùng đạt thành tích 173kg như Omar Qarada, nhưng đô cử người Việt Nam chỉ về nhì bởi trọng lượng cơ thể của anh nặng hơn đối thủ đúng… 100 gram (47,31 kg so với 47,21kg). Khoảng cách giữa vinh quang và tiếc nuối trong thể thao, đôi khi, thật là mỏng manh.
Đúng là Văn Công đã không thể bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung 49kg mà anh đã chiến thắng và lập kỷ lục Paralympic tại Rio 2016. Thành tích 173kg kém khá xa kỷ lục thế giới mà anh từng đạt được ở Mexico năm 2017 (183,5kg). Nhưng thành tích ấy cũng thực sự tuyệt vời, nếu biết rằng Văn Công vốn bị dính chấn thương khớp vai khá nặng, và chưa hồi phục hoàn toàn. Thậm chí anh đã phải xịt thuốc giảm đau vài tiếng trước khi thi đấu.
Văn Công cũng không có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ Paralympic này. Trong gần hai năm qua, vì nhiều lý do khác nhau - trong đó có những khó khăn vì đại dịch Covid-19 - mà Văn Công không thể tập luyện thường xuyên cũng như thi đấu cọ xát. Trước khi lên đường sang Tokyo, đô cử 37 tuổi này chỉ được tập luyện khoảng 4 tuần. Trong bối cảnh ấy, việc duy trì phong độ như bình thường đã khó, chứ đừng nói đến giành huy chương ở cấp độ thế giới.
Văn Công là VĐV duy nhất của Việt Nam đang giữ kỷ lục thế giới. Và trong lịch sử thể thao nước nhà tham dự Olympic/Paralympic, anh cũng chính là VĐV đầu tiên giành huy chương liên tiếp ở hai kỳ Thế vận hội liên tiếp. Đó cũng là một kỳ tích đáng nể!
2. Ba tuần trước, đoàn thể thao Việt Nam đã rời Olympic Tokyo 2020 mà không giành được huy chương nào. Tất nhiên, việc so sánh giữa Olympic và Paralympic, giữa thể thao đỉnh cao và thể thao người khuyết tật là hơi khập khiễng, song sõ ràng tấm HCB của Văn Công vẫn có rất nhiều ý nghĩa với thể thao Việt Nam.
Phần thi của Lê Văn Công
Đó là tấm huy chương quốc tế lớn nhất trong hai năm qua của thể thao nước nhà, trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch. Nó cũng có ý nghĩa tinh thần với các VĐV thể thao khác, trước những cuộc đấu lớn. Đội tuyển Việt Nam trước thềm vòng loại thứ 3 World Cup 2022 chẳng hạn.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người hâm mộ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Văn Công, rằng anh xứng đáng là một tượng đài của nền thể thao nước nhà. Thực tế, nếu tiếp tục duy trì phong độ như thế này, Văn Công hoàn toàn có thể tiếp tục giành huy chương ở Paralympic Paris 2024, dù khi đó anh sẽ 40 tuổi.
Nhưng chắc chắn, điều đó cũng khiến những người làm thể thao đỉnh cao nước nhà phải suy nghĩ. Tương lai của thể thao Việt Nam cần phải được gửi gắm vào những VĐV trẻ trung, chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản thực sự, chứ không thể dựa vào một VĐV khuyết tật, đã có tuổi và vẫn phải mưu sinh bằng những công việc ngoài thể thao như Văn Công (hiện anh vẫn đang sửa chữa và bán đồ điện tử).
Văn Công là một tấm gương về chiến thắng nghịch cảnh. Và thể thao Việt Nam, dù là thể thao đỉnh cao hay thể thao người khuyết tật, cũng đều sẽ phải nhìn vào anh, để xác lập hướng đi đúng đắn cho tương lai.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất