04/06/2015 20:35 GMT+7 | Champions League
(giaidauscholar.com) - Bóng đá Italy chưa bao giờ mang yếu tố trình diễn và sự hoa mỹ. Nhưng bóng đá Italy luôn có thừa cảm xúc, và chinh phục vinh quang bằng một tính cách rất riêng, bao gồm cả sự ranh ma.
1. Bạn có biết bình luận viên bóng đá nước nào mang đến cảm xúc nhất cho người xem? Xin thưa, những BLV Italy. Đối với họ, bình luận bóng đá không đơn thuần chỉ là “đọc” theo những diễn biến của 90 phút trên sân, hay lồng thêm vào một vài câu chuyện xung quanh.
Paul Gascoigne - huyền thoại bóng đá Anh và có thời gian chơi bóng ở Serie A - từng tâm sự rằng ông hoàn toàn bối rối và chẳng biết làm gì nếu phải bình luận cùng một người Italy.
Theo cách giải thích của Gascoigne - còn được biết đến với tên thân mật Gazza - bất kỳ BLV người Italy nào cũng mang cảm xúc của mình lên truyền hình. Những cung bậc cảm xúc được thể hiện rất khác nhau theo từng nhịp đập của trái bóng.
Có thể ở một nơi nào đó, sẽ có những người không thích kiểu BLV đưa cảm xúc của mình vào cách bình luận. Nhưng ở Italy, nếu không thể mang cảm xúc của mình đến với khán giả truyền hình - cũng như cả trên khán đài SVĐ - tốt nhất không nên làm BLV.
Một thực tế, chính các BLV ở châu Âu đang học hỏi điều này từ những người Italy. Bình luận truyền hình hay viết một bài báo, cảm xúc là thứ rất được đón nhận. Ngay cả khi bình luận về đối thủ, họ vẫn mang đến những cảm xúc kỳ diệu nhất.
2. Cảm xúc không tự nhiên mà đến, và càng không thể giả tạo. Cảm xúc giả tạo sẽ gây hình ảnh gượng ép và rất lố bịch.
Gabriel Batistuta từng mang đến cảm xúc tuyệt vời trong biết bao năm cho các BLV Italy, cũng như tifosi trên khắp thế giới. Ngược lại, anh cũng cảm nhận được điều đặc biệt về tâm hồn từ những BLV Italy.
“Họ đặt trái tim mình vào trận đấu”, Batistuta giải thích. Anh từng xem lại các tình huống liên quan đến mình, và cảm nhận được những cảm xúc tuyệt vời khác từ BLV, mà đôi khi trên sân cỏ rất khó tìm thấy. “Không phải BLV nào cũng làm được như những người Italy”.
Batistuta nói đúng, và nghề BLV phản ánh chính xác nhất cho nền bóng đá Italy. Ở đó, mọi thứ xuất phát từ trái tim và rất chân thành. Bóng đá với người Italy là nghệ thuật, của những cảm xúc từ sâu thẳm trái tim.
Thể hiện những cảm xúc, nhưng vẫn biết kiểm soát lý trí. Người Italy là vậy, đến mức họ vẫn luôn bị xem là những kẻ ranh ma. Một trong những pha bóng ranh ma đậm chất Italy thường được nhắc đến là cú ngã của Fabio Grosso, giúp Italy vượt qua Australia trên hành trình chinh phục World Cup 2006.
Grosso đã chủ động ngã khi hậu vệ Australia xoạc bóng. Nhưng có cầu thủ chuyên nghiệp nào đủ dũng cảm vỗ ngực bảo họ sẽ không ngã trong những tình huống như vậy - vốn mang ý nghĩa quyết định đến kết quả? Có lẽ là không.
3. Cú nhoài người ôm bóng của Chiellini, biến anh trở thành cầu thủ nhận thẻ vàng nhanh nhất lịch sử Champions League, ở trận lượt về vòng Tứ kết với Monaco cũng là một pha đầy ranh ma. Không thể phủ nhận Juventus đã vào Chung kết với công không nhỏ từ pha bóng ấy.
Ranh ma là một phần trong cách sống và thi đấu của người Italy, nhưng không bao giờ họ tìm cách phủ nhận điều đó - như nhiều cầu thủ của các nước khác. Trong một cuộc chơi, họ làm mọi thứ có thể để chiến thắng, kể cả phạm luật. Phạm luật làm sao để vừa đủ tránh hậu quả xấu cũng là một thứ phải học hỏi nhiều.
Tất cả những khía cạnh trên thể hiện phần nào tính cách của người Italy. Một tính cách rất đặc biệt, để tạo ra những điều khác biệt và vĩ đại.
Barca được mệnh danh Dream Team của Johan Cruyff từng thua tan nát 0-4 trong trận Chung kết Champions League 1994 với Milan, dù được đánh giá cao hơn. Đơn giản là Fabio Capello đã giúp Milan thể hiện tính cách Italy rất đúng lúc. Đấy có thể xem là một bài học cho Barca của Luis Enrique.
Ngọc Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất