15/07/2021 19:42 GMT+7 | Giao lưu Việt - Đức
(giaidauscholar.com) - Đang ở tận Ghana (Châu Phi), nhưng Lương Huệ Trinh vẫn là “chủ trò” của “bữa tiệc” âm thanh: hòa nhạc Những khoảng trôi sẽ diễn ra trực tuyến giữa các đầu cầu: Việt Nam, Pháp, Đức và châu Phi vào 19h ngày 17/7.
Đây là chương trình tiếp nối mạch tư duy của nữ nghệ sĩ kể từ buổi hòa nhạc Vệt diễn ra từ 2018 ở Đức và 2019 ở Việt Nam của cô. Theo đó, sự quan sát về những người phụ nữ một lần nữa được mở rộng biên độ góc nhìn tới các nữ nghệ sĩ quốc tế.
Trong giới nghệ sĩ thể nghiệm, Lương Huệ Trinh đã và đang có những thành công nhất định. Từ học bổng toàn phần của chính phủ Đức cho chương trình nghiên cứu chuyên sâu và sáng tác đa phương tiện năm 2015, cô đã giành được tấm bằng xuất sắc chương trình thạc sỹ tại Hochschule für Musik und Theatre Hamburg. Album đầu tay Illusions của Trinh nằm trong Những album hay nhất 2016, do tạp chí âm nhạc uy tín Avant Music News -Mỹ bình chọn.
Tuy nhiên, ít ai biết, trước đó, có lẽ việc vượt qua những thử thách từ gia đình và chính người thầy của mình mới là “điểm chốt” giúp cô tự tin bước trên con đường này đến ngày hôm nay.
Âm nhạc thể nghiệm về… phụ nữ
* Từ đâu, chị có ý tưởng với chương trình này?
- Những khoảng trôi là mạch tiếp nối của tôi kể từ buổi hoàn nhạc đa phương tiện Vệt mà tôi đã công diễn tại Hamburg, Đức(2018) và Hà nội (2019).
Ở Vệt, tôi đã thể hiện những suy nghĩ và quan sát của mình về vị trí người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội. Với Những khoảng trôi, tôi tiếp tục nhìn xa hơn về vấn đề này, trong mối liên hệ với những người phụ nữ ở các nước phương Tây. Tôi nhận thấy, dù ở đâu thì vẫn luôn có những người phụ nữ vượt qua các giới hạn để tự do thể hiện bản thân và sự sáng tạo của họ.
* Đấy cũng là lý do cho một buổi hòa nhạc toàn là nữ và là đại diện của nhiều quốc gia?
- Tôi thực sự rất vui vì đã mời được bốn nghệ sỹ tài năng cho chương trình. Họ là những nghệ sỹ cực kỳ năng động, cởi mở và có rất nhiều kinh nghiệm trong âm nhạc thể nghiệm. Đặc biệt, họ cũng rất quan tâm tới văn hóa và con người Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, hình thức biểu diễn trực tuyến là một giải pháp cho chúng tôi khi muốn cộng tác xuyên biên giới. Nhưng đồng thời, đó cũng là một thách thức bởi các yêu cầu về kỹ thuật và đường truyền internet thì luôn không ổn định. May thay, rốt cuộc, chúng tôi cũng tìm ra giải pháp để chuẩn bị tốt cho chương trình và hứa hẹn mang đến một buổi hòa nhạc thú vị cho khán giả.
* Với đề tài này, chị thấy những người phụ nữ ở các châu lục khác nhau có điểm chung gì? Và khi thể hiện bằng âm nhạc, những chất liệu nào là phù hợp? Liệu có phải là những vật dụng như nồi niêu, xoong chảo không?
- Có nhiều điểm khác biệt và cũng có những điểm chung giữa những người phụ nữ ở Việt Nam và ở phương Tây. Một ví dụ rất dễ thấy, cũng đã và đang là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm, đó là bình đẳng giới. Sự phân biệt đối xử giới trong quan hệ xã hội, trong gia đình, trong cơ hội việc làm và cả vấn đề lạm dụng tình dục vv…, những điều này xảy ra ở khắp mọi nơi.
Đối với nghệ sỹ chúng tôi thì chất liệu nào cũng có thể phù hợp hoặc không phù hợp. Quan trọng là ý tưởng. Khi có ý tưởng rõ ràng và tốt thì với bất cứ chất liệu âm thanh nào chúng tôi cũng có thể dùng làm phương tiện thể hiện chứ không nhất thiết phải bê nồi niêu xoong chảo vào để thể hiện nữ quyền (cười).
*Nghe như có vẻ chị đang tham gia đấu tranh cho bình đẳng giới bằng âm nhạc?
- (Cười) Tôi chỉ dùng âm nhạc, phương tiện mà tôi thấy tự tin và thoải mái nhất để thể hiện những quan sát và suy nghĩ của mình thôi.
*Sau 11 năm theo đuổi con đường này, tôi biết chị rất hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Nhưng chị có phải trả giá hay đánh đổi vì điều đó không?
- Chắc chắn là để đạt được điều gì đó thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống thì không hề dễ dàng. Tôi cho đó là sự nỗ lực. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để có được ngày hôm nay với những thành công nho nhỏ.
Đơn cử như ngay từ khi theo đuổi con đường này, tôi đã phải vượt qua hai thử thách lớn: thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia đến 2 lần để bố mẹ không còn lý do từ chối cho tôi học nhạc, và khoảng thời gian bị người thầy (nhạc sĩ SơnX) “bỏ bê” mình cả năm trời chỉ để thử thách lòng nhẫn nại của tôi đến đâu.
Tôi vẫn lang thang
*Còn đến giờ thì việc đi đến một nơi xa xôi như châu Phi để sống cũng là một cách để tiếp tục cho những nỗ lực ấy?
- Khi tôi đi, việc trải nghiệm không chỉ làm giàu thêm chất liệu cho công việc mà còn giúp tôi có cái nhìn khách quan hơn về Việt Nam. Những yếu tố đặc trưng về văn hóa, đời sống, xã hội thì chẳng có nơi nào giống thế được và phần nào đó, đây cũng là yếu tố mang lại màu sắc riêng cho các tác phẩm nghệ thuật. Những điều này, bản thân tôi đã và đang được trải nghiệm trực tiếp.
Mặt khác, nghệ sỹ luôn cần có sự sáng tạo chứ không thể cứ lặp đi lặp lại mãi. Bởi thế, nếu tôi không di chuyển mà chỉ ở nguyên một chỗ thì chắc chắn sớm muộn, tôi cũng sẽ lặp lại chính bản thân mình. Mặc nhiên, điều này sẽ khiến cho các tác phẩm của tôi trở nên nhàm chán.
*Nhưng tại sao lại là châu Phi? Đất nước Ghana có điều gì hấp dẫn chị vậy?
- Tôi nghĩ Ghana hay châu Phi nói chung là mảnh đất vô cùng hấp dẫn với nhiều người, không cứ là tôi. Nhờ các dự án âm nhạc, tôi được mời đi đến nhiều quốc gia, nhưng chưa từng có cơ hội đi Châu Phi nên tôi tò mò và thấy thích thú lắm.
Châu Phi có nhiều điều bí ẩn, đặc biệt trong các lễ hội truyền thống của các tộc người khác nhau. Đời sống văn hóa của họ mạnh mẽ và phong phú, đặc biệt là âm nhạc và nhảy múa. Họ nhảy múa, chơi nhạc và hát một cách tự nhiên, rất bản năng.
Không những thế, thiên nhiên hoang dã cũng là một yếu tố hấp dẫn tôi mạnh mẽ. Con người cũng yêu đời và quý người hơn, bớt toan tính và bon chen hơn. Nói chung, tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản khi ở đây.
* Tôi thấy nhiều người theo đuổi sự nghiệp nên sẵn sàng hoặc chấp nhận đánh đổi cuộc sống riêng tư. Với cuộc sống hiện tại, chị là ở vế nào?
- Tôi ở vế giữa! (cười). Đùa chút thôi, thực ra, tôi nể trọng những nghệ sỹ sẵn sàng chấp nhận đánh đổi cuộc sống riêng tư để theo đuổi sự nghiệp. Tôi thì vẫn lang thang hết đi chỗ nọ lại đi chỗ kia và tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Còn thực ra, dù yêu công việc, nhưng tôi vẫn muốn cân bằng cuộc sống riêng tư và sự nghiệp ở mức có thể. Tất nhiên, điều này không hề dễ dàng để thực hiện, nhưng khi người ta thực sự muốn thì họ sẽ tìm được cách phù hợp.
* Dự định trong tương lai gần của chị?
- Thật khó để lên kế hoạch khi mà chúng ta vẫn chưa biết dịch Covid-19 khi nào sẽ ổn định. Tuy nhiên, mong rằng năm sau tôi có thể về Việt Nam để thăm nhà và thực hiện một vài chương trình.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
“Loại nhạc tôi làm được gọi là Electroacoustic music: nghệ sỹ sử dụng công nghệ để điều chỉnh âm sắc của các âm thanh mộc, đôi khi bằng cách xử lý các tín hiệu âm thanh để tạo nên một màu sắc mới cho những âm thanh đã quen tai hoặc các âm thanh từ nhạc cụ. Nó khác với Electronic music và cũng khác với World music" – Lương Huệ Trinh. |
Những khoảng trôi gồm 5 tác phẩm và được sắp xếp theo trình tự trình diễn: 1. "Ohn warum" - Ngũ tấu của Lương Huệ Trinh/ 2. "An Choi" - Tam tấu của Eva Zöllner/ 3. Song tấu của Séverine Ballon/ 4. Tứ tấu của Ute Wassermann/ 5. "Chạm/ Touch" - Tam tấu của Ngô Trà My và phần chơi ứng tác của các nghệ sĩ. Những khoảng trôi sẽ đem đến không gian giao thoa giữa các nền văn hóa bằng âm nhạc với phương tiện biểu diễn là đàn cello, đàn bầu, accordion, thể nghiệm giọng nói và nhạc điện tử. Trong khi đó, chất liệu trong mỗi sáng tác sẽ chính là góc nhìn cá nhân của một nhà soạn nhạc về sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đức. |
Lam Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất