19/04/2017 17:56 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Bảng xếp hạng ở lượt đi Toyota V-League 2017 là lăng kính soi chiếu rõ nét nhất cho tầm nhìn, ý tưởng làm bóng đá của các CLB. Nói chung, thành công hay thất bại đều có ý nghĩa nhân-quả.
Thành công không từ trên trời rơi xuống
Trong bức tranh tổng thể của lượt đi V-League, những gam màu xám luôn lấn át. Tuy nhiên, không vì thế mà phủi sạch hết những gì giải đấu đang có. Ở đó, sự hấp dẫn, kịch tính vẫn luôn có chỗ mà điển hình là cuộc đua cho vị trí số 1. FLC Thanh Hóa là đội nắm giữ vị trí đầu bảng nhiều vòng đấu nhất. Song, khi lượt đi kết thúc, họ phải nhường ngôi cho nhà đương kim vô địch Hà Nội. Thế nhưng, từ vị trí thứ nhất đến thứ 7 của Sài Gòn cũng chỉ cách nhau đúng một chiến thắng. Cuộc đua đến ngôi vị số 1 hấp dẫn hơn bao giờ hết và nó có thể hoán đổi vị trí chỉ sau 1 hay 2 vòng đấu.
Mẫu số chung cho đa phần các đội bóng ở nhóm đầu: Họ có tính kế thừa, gối đầu và sự ổn định cao. Hay nói nôm na, họ có một đường hướng chiến lược phát triển rõ ràng, xuyên suốt cả một chặng đường và giờ là lúc gặt “trái ngọt”.
Đội đầu bảng Hà Nội là ví dụ điển hình. CLB này tập hợp nhiều cầu thủ trẻ song trẻ về tuổi đời nhưng lại già dặn ở kinh nghiệm thi đấu. Những cầu thủ như Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh…, đều “hít thở” V-League ít nhất cũng 3 mùa. Họ lại được sự dẫn dắt của những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Thành Lương, Văn Quyết… Họ mang trong mình hình ảnh “tre chưa già thì măng đã mọc”. Hầu hết các cầu thủ hiện tại của đội bóng Thủ đô đều do họ đào tạo và nằm trong chiến lược dài hơi của đội bóng.
S.Khánh Hòa BVN cũng na ná như nhà đương kim vô địch. Không có tiềm lực tài chính mạnh nhưng đội bóng của họ có lực lượng chính là các cầu thủ trẻ xuất thân từ lò đào tạo trẻ của đội bóng. Bên cạnh đó là việc góp nhặt những cầu thủ không quá tên tuổi nhưng phải đảm bảo tính địa phương là con em ở Khánh Hòa hoặc các tỉnh lân cận, đội bóng phố Biển xây dựng cho mình một “ngôi nhà” đúng nghĩa.
FLC Thanh Hóa là đội có sự thay đổi đáng kể khi đưa về các tân binh như Trọng Hoàng, Tiến Thành…, đặc biệt là HLV Petrovic. Tuy nhiên, đội bóng xứ Thanh chỉ bổ khuyết những vị trí mà họ đang thiếu sau những mùa bóng trước đó mua sắm rầm rộ. Ở FLC Thanh Hóa, mấu chốt là họ có được sự gắn kết từ tập thể đã hiểu nhau trong một quãng thời gian nhất định.
Tính ổn định, kế thừa và duy trì trong một thời gian cũng giúp Hải Phòng, Than Quảng Ninh, Quảng Nam hay Sài Gòn có những bước tiến ở lượt đi mùa này.
…Và nỗi buồn của HLV Petrovic trong cuộc đối đầu trực tiếp ở lượt đi liệu có là “điềm lành” cho đội bóng Thủ đô. Ảnh: V.S.I
Những nỗi thất vọng
Một lượt đi đáng buồn cho các đội bóng phía Nam. Ba vị trí cuối cùng đều thuộc về các đội bóng xứ này. Lần lượt B.Bình Dương, XSKT Cần Thơ và Long An chiếm giữ ba vị trí cuối bảng. Trong đó, cái tên B.Bình Dương đem đến nỗi thất vọng song không bất ngờ vì thành tích đó.
Đội bóng giàu thành tích nhất ở kỷ nguyên V-League là B.Bình Dương đã có cuộc cách mạng lớn ở mùa giải này. Thay vì vung tiền “tậu” ngôi sao, rút ruột các trụ cột của đối thủ thì đội bóng đất Thủ đã chuyển hướng. Họ bán đi và sẵn sàng để các ngôi sao tìm bến đỗ mới theo nguyện vọng của họ. Thay vào đó, B.Bình Dương đôn nhiều cầu thủ trẻ do họ tự đào tạo để làm nền móng cho đội bóng.
Sau khi quá no nê với 4 chức vô địch và đặc biệt là những hình ảnh dở khóc dở cười trong hai lần lên ngôi ở mùa giải 2014, 2015 với việc có số lượng không lớn các khán giả đến chia vui vì cho rằng đó là đội bóng “liên hợp quốc” chứ không mang tính địa phương, B.Bình Dương đã có cuộc cách mạng. Dẫu vậy, cuộc cách mạng mang tính nhất thời, thiếu tính định hướng, kế hoạch dài hơi chưa mang lại thành công cho đội bóng đất Thủ.
Trong khi đó, XSKT Cần Thơ và Long An cũng chỉ là những trường hợp mang tính giật gấu vá vai. Họ không xây dựng được nền tảng căn cơ từ chính sách đào tạo của mình khiến bị hụt bước khi xảy ra biến cố. XSKT Cần Thơ không giàu tiềm lực tài chính ngay lập tức hụt hơi vì thiếu lớp kế cận còn Long An bị “điểm mặt” từ mùa giải trước với suất play-off nay còn èo uột hơn với phong độ kém cỏi, đặc biệt là sau sự cố ở sân Thống Nhất tại vòng 6.
Thế mới thấy, bóng đá không phải là hiện tượng nhất thời mà nó là cả quá trình chuẩn bị, xây dựng nền tảng và có kế hoạch, phương hướng rõ ràng.
Cho nên, ngôi vô địch hay vé xuống hạng đã được “quy hoạch” sớm, thậm chí phải nói là quá sớm!
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất