Champions League: Châu Âu đối đầu Barcelona

25/12/2010 19:05 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Cuối tuần) - Barca đang cực kỳ khó đánh bại. Lẽ dĩ nhiên đấy là nhận định chung của giới chuyên môn. Niềm tin này có thể sứt mẻ đôi chút ở giải quốc nội La Liga với cuộc chiến trường kỳ không thiếu những bất ngờ, rủi ro. Nhưng với đấu trường chặt chẽ và tạo cơ hội nhiều hơn cho các đội mạnh bắt đầu từ vòng knock-out của giải đấu Champions League, nó được củng cố hơn bao giờ hết. Ở một góc nhìn khác, với tỷ lệ đặt 1 ăn 3,1, cơ hội nâng cao chiếc cúp Champions League danh giá của đội bóng xứ Catalunya là khá “khiêm tốn”, chỉ cao hơn đội xếp thứ hai, cũng là đối thủ truyền kiếp Real Madrid có… gần hai lần và bỏ khá xa 14 đội còn lại.

Khá may mắn khi chỉ phải “cọ xát” với những đội bóng tí hon đúng nghĩa là Panathinaikos, Rubin Kazan và Copenhagen ở vòng bảng, nhưng không thể phủ nhận là Barca đã và đang có một năm đáng kinh ngạc, không chỉ ở chuỗi phong độ thăng tiến mạnh mẽ, mà còn ở cách thắng qua từng trận đấu. Tính riêng ở La Liga, trong năm 2010 vẫn chưa kết thúc, họ đã kiếm được 103 điểm, với 113 bàn thắng nã vào lưới đối phương qua 39 trận đấu. Gần đây nhất, họ biến trận cầu siêu kinh điển của bóng đá thế giới thành sân khấu độc diễn của riêng mình với năm bàn không gỡ vào lưới Real Madrid.

Barca đang khiến cả châu Âu phải nể phục - Ảnh Getty

Nói chiến quả của Barcelona đến từ lối đá đẹp cũng không có gì sai, nhưng thực tế điều đó chỉ phản ảnh được một phần rất nhỏ những gì họ đã tạo dựng và thành công tại thời điểm này. Cái đẹp vốn mong manh, cái đẹp trong bóng đá hiện đại lại càng mong manh, khi chủ nghĩa thực dụng đang tràn lan khắp châu Âu nói riêng, thế giới nói chung, khi thứ bóng đá xấu xí, và cả những huấn luyện viên xấu xí đang là tiêu biểu cho bộ mặt của môn thể thao vua, thì thứ bóng đá mà Barca đang theo đuổi đúng là con đường độc đạo. “Hãy đi theo con đường hẹp, ấy là con đường dẫn tới thiên đàng”, kinh Cựu ước từng nói. Khó khăn, trắc trở và cả những thất bại phải chấp nhận hiển nhiên là điều không thể phủ nhận, nhưng giờ đây đã trở nên quá nhỏ bé với thứ mà họ đang sở hữu, một thứ bóng đá đẹp, nhưng lại cực kỳ khó đánh bại.

Trên toàn cõi châu Âu, giờ đây chỉ có mỗi Barca là đủ tự tin để có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến” khi phải đối mặt với bất cứ đối thủ nào. Lối đá tiqui-taqua hẳn nhiên là một tuyệt chiêu lợi hại, nhưng để luyện thành thục và đưa nó lên mức thượng thừa, cả thế giới hiện nay trừ Barca và đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha ra, hẳn không Barcaai đủ tự tin để có thể áp dụng triệt để. Ngoài việc vận dụng và tuân thủ chiến thuật, yếu tố con người và sự kết hợp giữa những hạt nhân tạo nên lối chơi là điều sống còn. Về mặt chuyên môn, không khó để lý giải cho con số bàn thắng đáng tự hào của đội bóng chủ sân Nou Camp. Về mặt nguyên tắc, tiqui-taqua (chuyền và chạy) ngoài việc cực kỳ hiệu quả trong tấn công, hẳn nhiên còn tại nên một lợi thế nhất định trong việc phòng ngự. Đơn giản mà nói, khi bóng nằm trong tầm kiểm soát nhiều, thông qua việc chuyền và đập nhỏ, thì định mức thời gian cầm bóng của đối phương cũng tương ứng theo thế mà giảm đi, mà ít cầm được bóng, thì cơ hội phát động tấn công sẽ giảm đi theo tỷ lệ tương ứng.

Quay lại với thực tế, khi 15 đội bóng còn lại ít nhiều đều đã, đang và sẽ đau đầu nghĩ ra giải pháp khả thi cho bài toán Barca. Với cả châu Âu lúc này, gã khổng lồ xứ Catalan là một bài toán “sao”, bài toán không nhất thiết phải giải nếu chỉ làm theo yêu cầu của bài tập về nhà, thua Barca lúc này cũng không có nghĩa đã đến ngày tận thế, nhưng phải vượt qua được họ, phải thắng, ít nhất là trong một trận đấu thì mới mơ đến việc trở thành học sinh xuất sắc, mới mơ đến danh giá của bóng đá đỉnh cao.

Với Arsenal, đối thủ gần nhất sẽ phải giải bài toán khó này, tỷ lệ dành cho họ với việc vượt qua thử thách này là 1 ăn 3,75 (theo các nhà cái châu Âu), trong khi đó con số tương ứng cho điều ngược lại là 1,22. Quá khó cho một đội bóng có lối chơi tương đồng, nhưng đẳng cấp lại dị biệt. Yếu tố con người chưa cho phép huấn luyện viên lão luyện Arsene Wenger áp đặt cách giải của mình cho bài toán Barca. Hai đội bóng Anh còn lại, có lẽ chỉ nên tính Manchester United và Chelsea, lại đang phải chờ những yếu tố gia tăng trước khi nghĩ đến câu trả lời. Với M.U, đó là lực lượng và phong độ của các cầu thủ trụ cột hòng vận dụng tốt hơn hiện tại những tính toán chiến thuật của huấn luyện viên cáo già Alex Ferguson. Trong khi đó, Chelsea thấp thỏm trông chờ vào sự ổn định trên băng ghế chỉ đạo trước khi nghĩ đến sự quật khởi của binh đoàn xanh.

Ở một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn, may mắn cho châu Âu nói chung khi vòng đấu tiếp theo của Champions League chỉ có thể bắt đầu trở lại trong gần hai tháng nữa, khi mà các huấn luyện viên lão luyện của những đội bóng hàng đầu châu Âu có thể tương đối thảnh thơi để nghĩ đến các giải pháp khắc chế, hòng chặn đứng Barca, tìm đường sống cho mình, và từng đấy thời gian cũng là sự may mắn nói riêng cho huấn luyện viên Mourinho cùng các học trò tại Real Madrid, nếu nó đủ để quên đi nỗi ám ảnh đang theo họ từng ngày, nỗi ám ảnh mang tên Barcelona.

Ngô Trà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm