Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Kiên trì mục tiêu giảm tải

09/02/2013 07:35 GMT+7 | Y tế

Năm 2012 đã qua đi, ngành Y tế được ghi nhận có nhiều thành tích đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt là Đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ và bước đầu thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành cho số Xuân Quý Tỵ của Báo Gia đình& Xã hội cuộc trao đổi về những mục tiêu của ngành trong năm 2013.

Thưa Bộ trưởng, năm 2012 ngành Y tế được ghi nhận có nhiều thành tích đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chúng ta đã thành công ở những lĩnh vực nào?

- Bộ Y tế vừa công bố 10 thành tựu tiêu biểu năm 2012. Đó là, ngành Y tế đã tiến hành kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng hơn 4 lần so với năm 2011; Đặc biệt đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong y học tại Việt Nam như: Ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền v.v... đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Lần đầu tiên sau 18 năm, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập; liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04 điều chỉnh 470/3.000 giá dịch vụ y tế. Nghị định tạo một nền tảng để cải tiến, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, từng bước chuyển dần đầu tư ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cho người được hưởng thụ dịch vụ.

Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng mang tính ưu việt và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta; Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Nghị định ra đời cơ bản đã giải quyết được những vấn đề chồng chéo nhiệm vụ trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ ưu tiên của ngành Y tế, đặc biệt là đã thể hiện việc thực hiện triệt để chủ trương của Đảng về tăng cường y học cổ truyền và đào tạo nhân lực thông qua việc nâng cấp Vụ Y Dược cổ truyền thành Cục Quản lý Y Dược cổ truyền và Vụ Khoa học và Đào tạo thành Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, nhằm huy động toàn xã hội tham gia giải quyết những vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh yêu nước từ 2/7/1958.

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam, được Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là Hội nghị thành công và ấn tượng nhất. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 35/37 quốc gia thành viên, trong đó có 22 Bộ trưởng. Hội nghị đã thông qua được 09 Nghị quyết về các vấn đề y tế trọng tâm của Khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bộ đang triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc hiệu quả, giảm chi phí trong khám chữa bệnh, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.
Điều quan  trọng khác là Bộ Y tế đã hoàn thành việc xây dựng Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020 trình Chính phủ và ngày 09 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, với rất nhiều giải pháp nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và giảm tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay.

Như Bộ trưởng nói, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện. Vậy trước mắt, chúng ta sẽ tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa và bệnh viện nào, thưa Bộ trưởng?

- Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 nhằm mục tiêu giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết quá tải ở các chuyên khoa như ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của hai thành phố là Hà Nội và TPHCM, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh việc “Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi, Đề án cũng bao gồm các nội dung quan trọng khác như “Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh”, “Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình”, ”Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã”, “Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng”, “Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện”, “Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách”, “Thông tin, truyền thông”. Các chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh quá cao và 5 chuyên khoa kể trên sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Đề án. Giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TPHCM; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án từ Trung ương đến địa phương.

Trong năm 2012, công tác giảm quá tải bệnh viện đã được đặc biệt chú trọng và đã đạt được một số kết quả bước đầu; hơn 1.050 giường bệnh mới đã được đưa vào sử dụng, trong đó BVĐK Trung ương Quảng Nam (500 giường), cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K (300 giường), cơ sở Tam Hiệp của BV Nội tiết Trung ương (200 giường), khu khám BV Tim Mạch (BV Bạch Mai), mở rộng Trung tâm Y học hạt nhân BV Bạch Mai,... Ngày 16 tháng 12 năm 2012, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng Trung tâm ung bướu BV Chợ Rẫy có quy mô 250 giường và sắp tới đây sẽ khởi công xây dựng mới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương với quy mô 500 giường. Bộ Y tế cũng đang xem xét để phê duyệt Đề án xây dựng mạng lưới BV vệ tinh và Đề án xây dựng mạng lưới Bác sỹ gia đình trong Quý I năm 2013.

Đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, việc giảm quá tải bệnh viện cũng được quy định chi tiết. Tại Hà Nội, đầu tư, xây dựng phát triển mô hình các tổ hợp công trình y tế đa chức năng (nghiên cứu, đào tạo, khám chữa bệnh, sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế...) có tầm cỡ quốc tế tại thành phố Hà Nội tại cụm đô thị Gia Lâm – Long Biên; Hòa Lạc; Sóc Sơn; Phú Xuyên; Sơn Tây; Đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng mới một số BV của Hà Nội bao gồm: Nhi TƯ; Xanh Pôn cơ sở II; Tim Hà Nội; Phụ sản cơ sở II; BVĐK Gia Lâm và một số bệnh viện khác theo Đề án giảm quá tải bệnh viện của TPHà Nội.

Tại TPHCM, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh theo các cụm y tế tại 4 cửa ngõ của thành phố. Đến năm 2015 sẽ tăng được 150.000m2 mặt sàn sử dụng cho khu vực trung tâm và tăng 4.300 giường bệnh cho các khu vực cửa ngõ thành phố. Hoàn thành đầu tư đối với các dự án xây dựng mới hoặc xây dựng cơ sở 2 cho các bệnh viện: Nhi đồng; Chấn thương Chỉnh hình, Ung bướu và một số bệnh viện khác.

 Thưa Bộ trưởng, nối tiếp những thành công của công tác Y tế năm 2012, năm 2013 ngành Y tế sẽ phải tập trung vào những trọng điểm nào để có thể đáp ứng mục tiêu giảm tải?

- Để đạt được những chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao năm 2013, ngành Y tế sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân từ cấp xã đến cấp Trung ương; giảm tình trạng quá tải bệnh viện; tạo chuyển biến trong việc nâng cao y đức trong ngành Y tế; giảm tỷ lệ tai biến trong điều trị, nhất là tai biến sản khoa và tỷ lệ chết trẻ sơ sinh. Khắc phục những tồn tại yếu kém trong quản lý khám chữa bệnh, nhất là dịch vụ y tế tư nhân. Tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, viện phí để bảo đảm chi phí hợp lý, có lộ trình phù hợp với điều kiện và thu nhập của người dân. Chỉ đạo các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của viên chức y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường mạng lưới y tế cơ sở.

Bảo đảm quản lý tốt an toàn thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, không rõ ràng, đảm bảo vệ sinh để nâng cao chất lượng thực phẩm tiêu dùng đảm bảo bữa ăn an toàn của người dân. Khống chế có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường công tác bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân để tạo nguồn tài chính vững bền cho y tế và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung dự án Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế để cuối năm 2013 trình Quốc hội.


 Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối lo ngại chung cho toàn xã hội. Vấn đề này cũng rất đáng lưu tâm tập trung giải quyết trong năm 2013, thưa Bộ trưởng?

- Theo dự báo, Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong vòng 10-15 năm nữa. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, Tổng cục DS-KHHGĐ đang từng bước nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Kể từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của nước ta luôn ở mức trên 110 và thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội. Trong thời gian qua, ngành Dân số đã cố gắng khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS và bước đầu đã có kết quả: Giai đoạn 2006 - 2008, TSGTKS tăng 1,15 điểm phần trăm/năm; Giai đoạn 2009 đến nay, TSGTKS tăng 0,6 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên với mức tăng đó vẫn còn là quá cao và cần phải giảm mạnh hơn nữa.

Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS để đến năm 2015, tỉ số này ở dưới mức 113. Đây là việc rất khó khăn và khó khả thi bởi sự vào cuộc chưa kiên quyết của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, chưa có được sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Do vậy, chúng ta chưa thể hạ TSGTKS xuống ngay được mà chỉ khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS hàng năm (dưới 0,4-0,5 điểm phần trăm/năm).

Những giải pháp thực hiện khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS như: Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi; Thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ; Tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Tăng cường cam kết chính trị, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Vân Khánh

Gia đình và Xã hội

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm