Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật: Vinh danh các luận án về chủ quyền biển đảo

30/11/2014 06:43 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - Ba trong tổng số sáu luận án được Giải thưởng Phạm Thận Duật năm nay có liên quan tới quan hệ bang giao Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ và chính sách biển của ông cha ta. Tuy nhiên, Hội đồng xét thưởng khẳng định, giải thưởng khoa học lịch sử này không lựa chọn dựa trên vấn đề thời sự mà đây là những luận văn xuất sắc và xứng đáng nhất.

Lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật diễn ra hôm qua (29/11) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Hơn nửa giải thưởng liên quan tới vấn đề nóng

Giải thưởng năm nay không có giải Nhất, chỉ trao 3 giải Nhì và 3 giải Ba. Đặc biệt, 3 trên tổng số 6 giải trên đều liên quan ít nhiều tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Cụ thể, luận án Quá trình triển khai chính sách về biển của Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2010 của TS Nguyễn Thanh Minh đạt giải Nhì; luận án Quan hệ sách phong, triều cống Minh- Đại Việt (1368- 1644) của TS Nguyễn Thị Kiều Trang đạt giải Ba; luận án Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1225- 1400) của TS Nguyễn Thu Hiền đạt giải Ba.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, TS Nguyễn Thanh Minh (Cán bộ Phòng khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển), tác giả của luận văn được giải Nhì Quá trình triển khai chính sách về biển của Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2010 cho hay: Nghiên cứu về biển đảo là đề tài quan trọng của Việt Nam cũng như quốc tế. Hiện nay nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu mảng đề tài này, nhưng tôi chọn chính sách về biển của Việt Nam để làm sáng tỏ thêm những vấn đề đang còn khoảng trống mà các công trình khác chưa đề cập đến. Đây là đề tài không hoàn toàn xuất phát từ nhiệm vụ của tôi, mà đó là lĩnh vực tôi hứng thú.

Các tân chủ nhân giải thưởng Phạm Thận Duật 2014 chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà sử học hàng đầu

Khoa học cần sự sòng phẳng

Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, quyền Chủ tịch Hội đồng xét thưởng, thì Giải thưởng Phạm Thận Duật xem xét trên cơ sở kết quả của các hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước. Trong năm qua, luận án tiến sĩ lịch sử xuất sắc nhiều, song Hội đồng chỉ xét 12 luận án xuất sắc được gửi đến, qua đó tuyển lựa được 6 luận án đặc sắc để vinh danh.

Trước một vài ý kiến cho rằng, việc giải thưởng khoa học mang quá nhiều yếu tố “thời sự”, PGS.TS Nhật cho hay: “Khoa học cần sự sòng phẳng và công tâm. Mật độ những công trình liên quan tới vấn đề thời sự đột ngột tăng là do mảng đề tài này nhận sự quan tâm của giới học giả. Việc chúng tôi mạnh dạn vinh danh hàng loạt những luận án trong những mảng đề tài gần nhau với chất lượng xuất sắc nhất chỉ thể hiện sự công tâm, không cơ cấu chứ không liên quan gì đến việc “chính trị hóa” khoa học".

Cũng theo ông Nhật, những công trình liên quan tới chủ quyền biển đảo được “điểm cộng” ít ỏi có chăng vì tính thực tiễn của những luận án trên: “Giải thưởng về khoa học lịch sử nên tính ứng dụng, tính thực tiễn cũng luôn được coi trọng”.

Lý giải về lý do chọn đề tài, TS Nguyễn Thu Hiền, Khoa Sử - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Đề tài này tôi theo đuổi từ hồi sinh viên, năm 2005. Điều thôi thúc tôi chọn đề tài này là tâm niệm Việt Nam ở gần nước lớn như Trung Quốc thì cần soi rõ xem tiền nhân đã ứng xử ra sao để ta có thêm những bài học. Đây là hướng đi muôn đời của khoa học lịch sử chứ không liên quan tới vấn đề thời sự chốc lát.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm