Giáo hoàng Benedict XVI: Tôi thoái vị là vì lợi ích của Giáo hội!

28/02/2013 07:31 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Ngày 27/2, Giáo hoàng Benedict đã có buổi thuyết giảng cuối cùng tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, trước khi chính thức thoái vị. Sự kiện đã thu hút sự theo dõi của dư luận thế giới, không chỉ bởi có tới 1,2 tỷ người theo Công giáo, mà còn bởi những thay đổi lớn được dự báo sẽ tới, sau sự ra đi gây sốc của Giáo hoàng.

Trong lần phát biểu cuối cùng tại Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Benedict XVI đã nói trước một đám đông các giáo dân rằng ông thoái vị không phải bởi lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của Giáo hội.

Sẽ đồng hành cùng Giáo hội

Benedict đã cám ơn các Hồng y, các cộng sự và giáo dân vì sự ủng hộ và tôn trọng quyết định của ông trong việc trở thành Giáo hoàng đầu tiên từ chức trong 600 năm qua. Ông nói rằng "yêu quý Công giáo cũng có nghĩa phải dũng cảm đưa ra các quyết định khó khăn, đau đớn, luôn luôn nhớ tới lợi ích của nhà thờ trong tâm trí và không phải vì lợi ích bản thân".

Ông cho biết quyết định thoái vị là "trái ngọt hình thành từ sự tin tưởng vào ý chí của Chúa và tình yêu sâu sắc với nhà thờ của Chúa". "Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội bằng những lời cầu nguyện. Tôi kêu gọi các bạn hãy cầu nguyện cho tôi và cho Giáo hoàng mới" - ông nói.

Ông cho biết thời gian giữ chức Giáo hoàng của mình đã có những niềm vui lẫn những khoảnh khắc khó khăn. Tuy nhiên ông cho biết Chúa sẽ không bao giờ để Giáo hội bị "đắm tàu".

Ông còn nói rằng bản thân "hiểu rõ trọng lượng và sự lạ thường" trong quyết định của mình. Nhưng ông đã ra quyết định "trong điều kiện tinh thần hết sức thanh thản".

Hàng ngàn con chiên, tay vẫy cờ đủ mọi quốc tịch ở quảng trường khi Giáo hoàng đi qua họ trên chiếc Popemobile, một chiếc xe jeep màu trắng không cửa. Vatican cho biết có khoảng 50.000 người đã có vé tới dự sự kiện, nhưng nhiều người khác có thể cũng sẽ kéo tới và chính quyền thành phố đã chuẩn bị chỗ để đón tới 200.000 người.

Nhiều băn khoăn để lại

Kế hoạch ra đi của Giáo hoàng hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Các nhà quan sát nói rằng có nhiều lý do để các Giáo hoàng không từ chức trong các thập kỷ qua do liên quan tới khả năng chia rẽ trong Giáo hội và thậm chí là cả sự ly giáo nếu có 2 Giáo hoàng tồn tại cùng một lúc.

Nhưng Vatican đã nói rằng trong khi sự thoái vị của Benedict rất đặc biệt, sẽ không có xung đột lớn nào xảy ra. "Sau khi đã hiểu rõ Benedict XVI, xung đột sẽ chẳng là vấn đề gì" - Giovanni Maria Vian, Tổng biên tập tờ L'Osservatore Romano của Vatican nói - "Theo sự tiến hóa của các học thuyết nhà thờ, sẽ chỉ có 1 Giáo hoàng duy nhất. Rõ ràng đây là một tình huống mới, nhưng tôi không nghĩ sẽ có vấn đề xảy ra".

Các nhà phê bình không chắc chắn như vậy. Một số Hồng y ở Vatican đã lo lắng về quyết định của Benedict, nói rằng Giáo hoàng mới sẽ gặp khó khăn trong điều hành công việc khi bên cạnh đó vẫn còn Giáo hoàng đã thoái vị là Benedict.

Nhà thần học Thụy Sĩ Hans Kueng, người từng là cộng sự của Benedict đánh giá: "sẽ còn tồn tại nguy cơ 1 Giáo hoàng đã thoái vị nhưng vẫn gián tiếp gây ảnh hưởng" - ông nói với tờ Der Spiegel của Đức.

Một quan ngại nữa là thư ký riêng của Benedict, Đức ông Georg Gaenswein, sẽ phục vụ cả 2 vị Giáo hoàng. Ông sẽ sống cùng Benedict tại một tu viện dành riêng cho Giáo hoàng bên trong Vatican, trong khi vẫn tiếp tục duy trì công việc với tư cách Chủ tịch Phủ Giáo hoàng.

Cá nhân Benedict đã tuyên bố rõ rằng ông sẽ nghỉ hưu để có thể cầu nguyện và suy ngẫm tại một nơi "lánh xa thế giới". Tuy nhiên rõ ràng là sự hiện diện của ông sẽ vẫn rất rõ ràng tại Vatican, nơi "nhà mới" của ông nằm ngay đài phát thanh của Vatican và có tầm nhìn đẹp hướng ra mái vòm của Đại giáo đường Thánh Peter.

Kueng nói rằng sẽ là một sai lầm nếu Gaenswein tiếp tục phục vụ cả hai vị và Benedict vẫn ở quá gần trung tâm hoạt động của Vatican. "Sẽ chẳng một linh mục nào thích thú nếu người tiền nhiệm ngồi ngay cạnh nhà mình và quan sát mọi thứ mình làm" - Kueng nói.

Kế hoạch tương lai

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (28/2), Giáo hoàng sẽ gặp gỡ các Hồng y trong buổi sáng và rồi đi trực thăng tới Castel Gandolfo, tư dinh của Giáo hoàng nằm ở phía Nam Rome. Ông sẽ chào mừng các giáo dân từ ban công của cung điện và đây sẽ là hành động cuối cùng của ông trước công chúng với tư cách Giáo hoàng.

Vào 8h tối, thời điểm việc thoái vị của ông chính thức có hiệu lực, các Vệ binh Thụy Sĩ đứng gác ngoài Castel Gandolfo sẽ rời đi bởi nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Giáo hội Công giáo của họ đã kết thúc. Ngay sau đó, công tác đảm bảo an ninh của Benedict sẽ được chuyển giao cho cảnh sát của Vatican.

Từ tuần tới, các Hồng y bắt đầu hàng loạt các cuộc họp để xác định xem những ưu tiên của Giáo hội Công giáo sẽ là gì. Họ sẽ định ngày tổ chức Mật nghị Hồng y và cân nhắc các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Giáo hoàng.

Mật nghị thường được tổ chức từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Nhưng Benedict đã cho phép các Hồng y đẩy nhanh tốc độ bởi sự kiện sẽ diễn ra sau một cuộc từ chức, chứ không phải cái chết.

Benedict và người tiền nhiệm của ông, Giáo hoàng John Paul II, đã chỉ định toàn bộ 117 Hồng y có quyền bỏ phiếu trong Mật nghị Hồng y tới đây. Đa số các Hồng y có quyền bầu tới từ châu Âu (62 người), với 17 người tới từ Bắc Phi. Điều này có nghĩa sẽ khó xuất hiện một Giáo hoàng mới tới từ các nước đang phát triển.


Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm