16/07/2015 05:41 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Câu chuyện về chiếc Cúp vô địch nội dung đôi nam trẻ Wimbledon của Lý Hoàng Nam là giấc mơ thành hiện thực của cậu bé gốc Tây Ninh ngày nào, nhưng đầy chông gai.
Để có được kì tích ấy, đầu tiên phải kể đến những nỗ lực xuất phát từ niềm đam mê của Hoàng Nam, từ cái bắt tay bất ngờ của người đánh cặp Nagal trong những ngày ở London, Nam đã đăng quang trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi không mang trên mình bất cứ sức ép nào, và quan trọng nhất là mối lương duyên của Nam với Công ty chủ quản Becamex Bình Dương.
Kiên trì với định hướng
Có những thời điểm Hoàng Nam mang trên mình áp lực thực sự, sức ép từ dư luận, từ Liên đoàn quần vợt Việt Nam vì việc không thể khoác áo ĐTQG tham dự Davis Cup hay SEA Games. Ngay từ khi kí hợp đồng với B.Bình Dương, Nam đã xác định đi theo lịch trình mà người thầy của Nam lúc đó là HLV Trần Đức Quỳnh đưa ra. Việc liên tục thi đấu ở nước ngoài đã khiến tay vợt của B.Bình Dương phải từ chối khoác áo ĐTQG, rồi nhận án kỉ luật.
Nhưng rất khó để trách được Nam vì quyết định này, bởi kết quả trước mắt thì ai cũng nhìn thấy, và công nhận sự đúng đắn trong định hướng của B.Bình Dương.
Tennis là phải “bay nhiều”…
Trong giới quần vợt, thời gian thi đấu cọ xát được gọi là “giờ bay”, “bay” nhiều thì mới ra được hiệu quả. Nhưng nếu muốn nhiều “giờ bay” thì kinh phí đầu tư là vô cùng lớn. Ông Lê Việt Cường, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Bình Dương đã từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về chuyện đầu tư cho Hoàng Nam.
Tuy ông Cường không nói rõ kinh phí là bao nhiêu, nhưng chỉ cần nhìn lại những ngày thi đấu vừa qua của Nam tại London, chúng ta sẽ hiểu được sự tốn kém của tennis. Mỗi ngày mất vài trăm USD tiền ăn ở, Hoàng Nam đã có 8 tuần ở châu Âu để tham dự trọn vẹn Wimbledon. Bên cạnh HLV Brydniak, đơn vị chủ quản của Nam còn thuê riêng HLV thể lực cho tay vợt này. Đó là chưa kể đến những chuyến tập huấn thường xuyên, nhưng sự tốn kém ấy đã mang lại những kết quả không thể đong đếm bằng tiền.
..nhưng kinh phí là rất lớn!
Chiến thắng của Hoàng Nam mang đến rất nhiều cảm xúc cho người Việt Nam, đặc biệt là những đồng đội của Nam. Trong thành phần ĐTQG tham dự SEA Games 28 vừa qua có Hoàng Thiên (TP.HCM), Minh Tuấn (Đà Nẵng), Linh Giang (Hà Nội) và Anh Khoa (Quân đội).
Trong những cái tên này, chúng ta không thể không nhắc tới Hoàng Thiên. Tay vợt TP.HCM được biết đến như 1 điển hình cho đầu tư chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và được kì vọng từ rất lâu nhưng cũng chưa mang đến hiệu quả thực sự.
Mỗi năm Thiên được TP.HCM đầu tư 25.000 USD để trang trải kinh phí cho các giải đấu quốc tế. Số tiền ấy có thể giúp tay vợt 20 tuổi mỗi năm thi đấu khoảng 10 giải, nếu những giải đấu ấy nằm ở “ vùng sâu vùng xa”, còn nếu ở những thành phố lớn, giải đấu lớn hơn thì chi phí sẽ đắt đỏ hơn. Từ đầu năm đến nay Hoàng Thiên đã tham dự 3 giải Men Futures, và cả 3 lần ấy gia đình Thiên đều bỏ tiền túi, mỗi lần 4.000 USD! Hoàng Thiên đã từng thẳng thắn chia sẻ: “Chưa đánh tôi đã thấy run, vì xót tiền gia đình nên áp lực lớn quá, sợ thua thì phí, và càng sợ, thì càng thua”. Đó là thứ áp lực vô cùng đáng sợ, có thể sẽ đeo đẳng Thiên trong suốt sự nghiệp của mình nếu không thể giải phóng!
Với Linh Giang của Hà Nội, từ đầu năm đến nay Giang mới chỉ tham dự 2 giải ITF ở Thái Lan và chưa có cơ hội để “bay” nhiều như Nam hay Thiên, dù đã vô địch giải đơn nam QG năm 2014, khi mới 17 tuổi. Thời gian gần đây, Giang không thường xuyên được đi đánh giải và thay vào đó là kế hoạch của đơn vị Hà Nội với những chuyến tập huấn tại Valencia (Tây Ban Nha).
Cần nhiều hơn những Mạnh Thường Quân
Để có thể liên tục duy trì cường độ cao và cải thiện lối đánh, sức mạnh, các tay vợt sẽ phải thi đấu tối thiểu khoảng 25-30 giải quốc tế mỗi năm. Nhẩm tính chúng ta cũng có thể đoán ra số tiền là không nhỏ, chừng 50.000 USD (tùy khả năng tiến sâu).
Tennis không nằm trong những mục tiêu được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam bởi thành tích không gây được ấn tượng như các môn thể thao khác như bắn súng, điền kinh hay bơi lội… vốn đã có huy chương không chỉ trong đấu trường khu vực.
Thành công của Lý Hoàng Nam lần này sẽ giúp chúng ta có cơ hội nhìn nhận lại, rằng chúng ta luôn có tiềm năng, nhưng nên đầu tư thế nào cho đúng hướng. Và để làm được điều đó, thì cần sự sẻ chia nhiều hơn nữa từ những đơn vị chủ quản, những nhà đầu tư chuyên nghiệp như B.Bình Dương!
Mạnh Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất