(giaidauscholar.com) -
Ngày 27/7, một trận đụng độ giữa quân đội Ukraine và lực lượng ủng hộ liên bang hóa nổ ra tại khu vực hiện trường tìm kiếm máy bay MH17 làm ít nhất 13 người thiệt mạng. Cuộc chiến dữ dội này đã làm tạm ngưng tiến trình điều tra quốc tế vụ tai nạn MH17 vốn đã rất chậm chạp.
Đội điều tra quốc tế cho biết, kế hoạch đến hiện trường vụ tai nạn MH17 vào ngày 27/7 đã bị hủy bỏ vì lí do an toàn, mặc dù trước đó, Malaysia đã tuyên bố, phía lực lượng ủng hộ liên bang hóa đã chấp thuận cung cấp những bằng chứng và tạo điều kiện để các nhân viên điều tra làm việc.
Những diễn biến xoay quanh cuộc xung đột, Nga đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Mỹ rằng họ định bàn giao thêm tên lửa cho lực lượng ủng hộ liên bang hóa. Lực lượng ủng hộ liên bang hóa cũng liên tục phủ nhận bất kỳ lời buộc tội nào từ Mỹ, đồng thời đổ tội cho quân đội Ukraine. Lãnh đạo lực lượng ủng hộ liên bang hóa Aleksander Borodai khẳng định: “Kiev đang cố gắng tiêu hủy các bằng chứng phạm tội của quân đội của mình".
Những báo cáo từ Washington nghi ngờ Nga có thể sắp chuyển hệ thống tên lửa hạng nặng cho lực lượng ủng hộ Liên bang hóa ở Ukraine, đồng thời Nga cũng đang tăng cường lực lượng dọc theo biên giới Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng vũ khí hạng nặng của Nga là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc xung đột trở nên căng thẳng hơn. Đồng thời, ông Kerry cũng kêu gọi Nga "dừng ngay việc cung cấp các vũ khí hạng nặng, tên lửa và hỏa lực pháo binh từ Nga vào Ukraine".
Về phía Ukraine, Chính phủ nước này cho biết lực lượng của họ đang tiến về phía hiện trường vụ tai nạn. Ông Andriy Lysenko, phát ngôn viên của Ủy ban An ninh Ukraine khẳng định: "Tất cả quân đội của chúng tôi đang hướng đến đó và ngăn sự tác động từ quân ly khai đến vùng lãnh thổ này để có thể đảm bảo cho các chuyên gia quốc tế có thể thực hiện một cuộc điều tra tuyệt đối tự do, độc lập và tìm ra tất cả bằng chứng cần thiết để xác định được lý do thực sự gây nên thảm kịch này".
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev, ông Lysenko cũng cho hay: "Cuộc chiến vẫn diễn ra mỗi ngày, thậm chí là mỗi đêm, nhưng quân đội của chúng tôi đang chiếm ưu thế và đã giải phóng được hai phần ba lãnh thổ".
Tuy vậy, chỉ một số rất ít chuyên viên điều tra quốc tế được tiếp cận với hiện trường và thương lượng được với lực lượng ủng hộ liên bang hóa. Tại Donetsk, Alexander Hug, Phó trưởng ban giám sát OSCE ở Ukraine cho biết, các nhân viên điều tra đã không đến hiện trường vào ngày Chủ nhật vừa rồi: “Chiến tranh ở khu vực này hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến hiện trường. Mọi công việc ở đó cần phải được triền khai ngay. Nhưng tình hình ở đó rất không an toàn, vì vậy, chúng tôi quyết định chuyển mọi việc sang buổi sáng ngày 28/7 để đảm bảo an toàn cho các điều tra viên”.
3 quốc gia Malaysia, Australia và Hà Lan đã tiến hành thành lập một nhóm cảnh sát để đảm bảo giữ nguyên hiện trường. Trong đó, ít nhất 30 điều tra viên và một chuyên gia ngành hàng không dân dụng của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ bao quát toàn bộ khu vực chiến sự. Tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Australia Tony Abbott, cho biết một đội cảnh sát không vũ trang với 49 thành viên do Hà Lan lãnh đạo sẽ tới hiện trường. Tổng cộng 170 cảnh sát Australia đã được triển khai ở Ukraine.
Trong diễn biến khác, Mỹ và các nước châu Âu đang chuẩn bị kế hoạch trừng phạt nền kinh tế Nga. Các thành viên của Liên minh châu Âu đang thực hiện các bước để đạt được thỏa thuận cuối cùng vào thứ ba, ngày 29/8 về các biện pháp trừng phạt Nga, như đóng cửa thị trường vốn của khối ngân hàng nhà nước Nga, hay ban lệnh cấm vận về việc bán vũ khí sử dụng năng lượng và công nghệ của Nga.... Ngoài ra, EU cũng lập ra danh sách các cá nhân và công ty phải đối mặt với lệnh cấm lưu hành và đóng băng tài sản dựa trên những cáo buộc về sự tham gia của họ ở Ukraine.
Duy Quỳnh
Theo Yahoo News