HĐBA LHQ yêu cầu thực hiện cuộc điều tra quốc tế độc lập vụ rơi máy bay MH17

22/07/2014 09:16 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Với số phiếu thuận 15/15, chiều 21/7 (sáng 22/7 theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã thông qua nghị quyết do Australia soạn thảo và được Việt Nam cùng các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia tại Ukraine hôm 17/7, đồng bảo trợ, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay rơi để phục vụ điều tra.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, nghị quyết của HĐBA lên án vụ tai nạn máy bay Malaysia rơi tại Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập, toàn diện về vụ việc trên, trong đó Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ đóng vai trò chủ chốt. HĐBA cũng hoan nghênh ICAO đã cử một nhóm chuyên gia hợp tác với Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Dân dụng Ukraine để điều tra vụ việc.

HĐBA LHQ cũng yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực máy bay rơi và khu vực xung quanh ngừng ngay lập tức các hoạt động làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra. Ngoài việc hoan nghênh sự hợp tác đầy đủ của LHQ, nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức tại khu vực hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra quốc tế, đề nghị Tổng Thư ký LHQ xác định những lựa chọn hỗ trợ của LHQ đối với cuộc điều tra này, đồng thời thông báo với HĐBA về những tiến triển có liên quan.


Lực lượng cứu hộ Ukraine tìm kiếm thi thể các nạn nhân, tại Grabove, Donetsk ngày 19/7. Ảnh: AFP - TTXVN

So với bản dự thảo được Australia đưa ra trước đó, nghị quyết cuối cùng vừa được thông qua đã có một số điều chỉnh về ngôn từ, theo đó không khẳng định máy bay bị "bắn rơi". Nguồn tin ngoại giao cho biết trong quá trình trao đổi, Nga và Trung Quốc đề xuất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không "tiên đoán" trước về kết quả điều tra. Một số quốc gia thành viên khác cũng nhấn mạnh rằng không nên đưa ra một kết luận nào cho tới khi cuộc điều tra toàn diện kết thúc, cho rằng việc nghị quyết sử dụng từ "bị bắn rơi" là điều không chấp nhận được.

Phiên họp trên của HĐBA LHQ cũng có sự tham dự của Ngoại trưởng Australia, Julia Bishop và Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans, hai nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong vụ rơi máy bay MH17. Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Ngoại trưởng Australia Julia Bishop hoan nghênh bước đi mang tính quyết định này của HĐBA, cho rằng Nga cần sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng chủ trương liên bang hóa ở miền Đông Ukraine nhằm đảm bảo nghị quyết được thực thi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans cho rằng ưu tiên hàng đầu là phải đưa thi thể các nạn nhân trở về với gia đình, khẳng định rằng "Trò chơi chính trị" của các bên, đã và đang làm trì hoãn việc tiếp cận hiện trường, là không thể chấp nhận được.

Phát biểu sau khi biểu quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power tiếp tục lên án mạnh mẽ các hành động của các tay súng tại khu vực miền Đông Ukraine làm xáo trộn hiện trường và đánh cắp đồ đạc của hành khách. Bà Samantha Power cũng chỉ trích Nga, cho rằng Moskva đã cung cấp vũ khí cho các tay súng tại miền Đông Ukraine, đồng thời lưu ý rằng HĐBA lẽ ra không nhất thiết phải thông qua nghị quyết này nếu như Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các phần tử đòi liên bang hóa tại miền Đông Ukraine nhằm cho phép các nhân viên điều tra tiếp cận hiện trường.

Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin nói rõ Washington đã không chú tâm tới những nỗ lực của Nga trong những ngày qua, cho rằng cuộc gặp của HĐBA không phải là nơi tranh cãi. Ông Vitaly Churkin cũng khẳng định quan điểm của Nga là Ukraine không nên dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế về vụ việc máy bay MH17 bị rơi. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi cho rằng ICAO nên đóng vai trò tiên phong trong tiến trình điều tra, và khi cuộc điều tra đang được tiến hành, các bên không nên đưa ra những kết luận võ đoán về nguyên nhân máy bay MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine.

Đại sứ Ukraine tại LHQ, ông Yuriy Sergeye, nhận định vụ việc xảy ra tại Ukraine nên nước này có quyền dẫn đầu tiến trình điều tra theo luật pháp quốc tế. Việc các nhóm vũ trang tại khu vực cản trở sự tiếp cận rõ ràng là nhằm che giấu các bằng chứng. Trong khi đó, Đại sứ Malaysia tại LHQ, ông Datuk Hussein Haniff khẳng định việc các nhà điều tra không thể tiếp cận hiện trường một cách toàn diện là điều không thể chấp nhận được, kêu gọi các bên có liên quan tuân thủ nghị quyết của HĐBA, hợp tác đầy đủ để tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung cũng đã phát biểu tại phiên họp đại diện cho lập trường của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đại sứ Lê Hoài Trung tuyên bố các nước thành viên ASEAN mạnh mẽ lên án hành động gây ra vụ tai nạn máy bay MH17 khi đang bay ở tầm cao an toàn và tại không phận không hạn chế bay theo quy định của ICAO. Theo Đại sứ Lê Hoài Trung, các nước ASEAN kêu gọi khẩn trương tiến hành cuộc điều tra toàn diện, độc lập, minh bạch về vụ việc, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả gia đình và người thân các nạn nhân trong vụ tai nạn vừa qua.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm