“Đại chiến nhà giàu”, Man. City - Chelsea: Hai phiên bản

04/12/2009 19:16 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH cuối tuần) -  Giữa họ có nhiều điểm chung như các ông chủ đều làm giàu từ dầu mỏ. Nhưng có lẽ, điểm giống nhau lớn nhất là quan niệm dùng tiền bạc tìm kiếm vinh quang nhanh chóng. Có thể coi Man. City hiện nay là một phiên bản học tập theo Chelsea 6 năm trước, khi Roman Abramovich xuất hiện ở sân cỏ xứ sương mù…

Mùa giải đầu tiên sau khi thâu tóm Chelsea, Abramovich đã vung tiền tạo nên một cơn sốt trên thị trường chuyển nhượng với hơn 100 triệu bảng ném vào các hợp đồng mới. Hè năm ngoái, thời điểm bàn giao Man. City cho các ông chủ Arab diễn ra muộn mằn ở cuối kỳ chuyển nhượng nên họ không kịp gây nhiều cú sốc ngoài vụ nẫng Robinho ngay dưới mũi... Chelsea. Nhưng Hè vừa qua, Man. City đã chứng tỏ mình với hơn 80 triệu bảng vung ra. Không ngạc nhiên khi số liệu mới công bố về phí hoa hồng của Premier League giai đoạn từ 1/10 năm ngoái đến 30/9 năm nay ghi nhận Man. City đứng đầu bảng (12.874.283 bảng) còn Chelsea đứng ngay kế sau (9.562.223 bảng).

Man. City và Chelsea, hai gã “nhà giàu” của Premier League

City of Manchester trở nên chật chội với những cái tên đẳng cấp cao như Carlos Tevez, Emmanuel Adebayor…Một sự nhộn nhịp đầy hào hứng cho nửa Xanh thành phố này mà đi kèm là hy vọng “đổi đời”. Sức mạnh tài chính làm hình ảnh của Man. City được nâng cao nhanh chóng. Họ trở thành ứng cử viên sáng giá trong cuộc cách mạng lật đổ trật tự “tứ đại gia”. Và một khởi đầu suôn sẻ với những chiến thắng liên tiếp, trong đó có màn trình diễn ấn tượng 4-2 trước Arsenal, càng củng cố cho giấc mơ đó. Nhưng rồi, căn bệnh hòa với 7 trận liên tiếp vừa qua đang khiến viễn cảnh màu hồng trở nên nhạt nhòa.

Thiên thời, địa lợi, chỉ thiếu… nhân hòa?

Thực ra, đây là một mùa giải mà cơ hội cho những kẻ thách thức như Man. City hay Tottenham, Aston Villa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhóm đại gia không còn hùng mạnh như trước mà điển hình là Liverpool. Arsenal sau một giai đoạn bay cao giờ cũng tà tà... rớt xuống. Không tồn tại những cách biệt mênh mông về điểm số mà bằng chứng cụ thể là kể cả rơi vào chuỗi trận hòa dài dằng dặc, Man. City vẫn đang đứng ở vị trí thứ 7 với 22 điểm, chỉ kém vị trí thứ 4 của Arsenal vẻn vẹn 3 điểm (ngoài ra, cả Man. City lẫn Arsenal đều đá ít hơn các đội nhóm trên 1 trận).

Về lý thuyết, cánh cửa cho Man. City bước lên thiên đường Champions League mùa sau vẫn rất rộng. Sự hậu thuẫn từ các ông chủ Ả-rập chắc chắn sẽ một lần nữa được thể hiện trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông tới. Dù những phát ngôn từ City of Manchester luôn nhuốm màu bền vững như sẽ học tập mô hình Arsenal, chú trọng vào đào tạo trẻ, ai cũng thấy rằng Chelsea mới đích thực là kiểu mẫu mà Man. City hướng tới. Bóng đá hiện đại đã chấp nhận chân lý: Tiền mua được tất cả.

Nhưng còn một chân lý khác quan trọng hơn: “Thành Rome không thể xây trong một ngày”. Ngay cả Chelsea cũng phải chấp nhận mùa giải đầu tiên dưới thời Abramovich không có nổi một danh hiệu nào dù đầu tư mạnh mẽ. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Stamford Bridge có được Jose Mourinho. Dường như, câu chuyện của Man. City cũng cần đi theo hướng đó.

Một tham vọng lớn cần không chỉ một lực lượng lớn mà phải có cả một người dẫn dắt đẳng cấp nữa. Tài năng của Mark Hughes khó mà phủ nhận khi ông được coi là HLV trẻ sáng giá nhất của vương quốc Anh. Nhưng, những gì đã diễn ra và đặc biệt là sau chuỗi 7 trận hòa vừa qua cho thấy Hughes chưa đủ tầm nâng Man. City lên “chiếu trên” ở Premier League. Hughes không làm bùng nổ được những ngôi sao của mình, và sức ép lên ông ngày càng nặng nề. Phải chăng, Man. City cần nhanh chóng tìm một nhà lãnh đạo tương xứng hơn?

Xanh nào đậm hơn?

Sẽ là một đòn đau cho Hughes nếu trong cuộc đụng độ với đội bóng cũ vào thứ Bảy này, ông phải hứng chịu thất bại. Kịch bản như vậy rất có thể sẽ mở đường cho một cựu HLV Chelsea nào đó ngồi vào chiếc ghế nóng ở City of Manchester.

Tuy nhiên, vòng tứ kết Cúp Carling vừa qua đã chứng kiến gió đổi chiều. Đang chìm trong thất vọng, Man. City tìm lại được phần nào tự tin khi hạ Arsenal “B” 3-0. Để mơ đến trận chung kết đầu tiên ở Wembley sau 28 năm, Man. City sẽ còn phải vượt qua địch thủ truyền kiếp M.U ở bán kết nữa nhưng chí ít lúc này, cảm giác chiến thắng đã trở lại. Song, mặt trái của niềm vui là Hughes phải sử dụng đội hình mạnh nhất, ảnh hưởng đến khâu chuẩn bị cho trận chiến với Chelsea.

Trong khi đó, Chelsea chỉ đưa ra sân một đội hình vừa tầm cho trận tứ kết Cúp Carling với Blackburn. Dù Ancelotti bảo vệ quyết định đó của mình bằng lập luận muốn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, rõ ràng tầm ngắm của chiến lược gia này không phải là câu chuyện ở Ewood Park mà là 90 phút ở City of Manchester tới.

Nhưng Ancelotti đã sai lầm khi thay cả 3 người giữa hiệp 1 để rồi trong nửa cuối hiệp 2, họ phải chơi chỉ với 10 cầu thủ trên sân sau chấn thương của Salomon Kalou. Dù tinh thần thép của Chelsea được thể hiện trong màn rượt đuổi ngoạn mục 3-3 kéo dài thêm 2 hiệp phụ, họ vẫn gục ngã ở loạt đá luân lưu. Liệu Ancelotti có sai lầm “kép” trong toan tính này? Đúng là Cúp Carling không danh giá gì so với Premier League. Nhưng với một Chelsea đang hưng phấn, việc bị loại này rất có thể gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực.

Khi bước ra City of Manchester, Ancelotti sẽ biết được kết quả từ Upton Park, nơi West Ham tiếp đón M.U trước đó. Nhiều khả năng, một West Ham đang khốn khó sẽ không cản được nhà ĐKVĐ và sức ép sẽ càng tăng lên Chelsea. Man. City có thể mắc bệnh hòa nhưng chơi không tồi chút nào khi đụng độ “đại gia”. Họ tưng bừng hạ gục Arsenal 4-2 trên sân nhà, cầm hòa Liverpool 2-2 ở Anfield và chỉ chịu thua khá cay đắng 3-4 trước M.U ở Old Trafford trong 7 phút bù giờ dài đầy tranh cãi.

Tất cả đều là những cơn mưa bàn thắng. Liệu kịch bản đó có tái diễn cuối tuần này khi Chelsea chưa thủng lưới lần nào trong 5 vòng gần đây ở Premier League?

Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm