Trọc phú mới Man City: Chelsea hay Real Madrid mới?

04/09/2008 11:15 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Cái cách mua sắm của Man City đã giúp họ có được vị thế của một gã nhà giàu đầy tham vọng của Premier League. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là các ông chủ Arập sẽ hướng Man xanh theo chiến lược như thế nào: tạo sức bật chuyên môn như Chelsea của Abramovic hay quảng bá thương hiệu như Real Madrid?

Muốn vô địch, học Chelsea

5 năm trước, Chelsea cũng chỉ là một đội bóng thường thường bậc trung cỡ Man City. Nhờ ngân sách dồi dào mà Abramovich đầu tư, họ đã thay da đổi thịt và giành được liên tiếp những thành công mà trước đó chả ai dám nghĩ đến. Sau khởi đầu bằng ngôi á quân mùa giải 2003-04 dưới thời Ranieri, Chelsea đã thăng hoa với 2 chức vô địch Premier League liên tiếp (2004-06) cùng Jose Mourinho. Mùa giải vừa qua, dù nhận cú đúp về nhì tại giải VĐQG và Champions League, The Blues vẫn mang một vị thế đáng nể phục nếu xét về khía cạnh chuyên môn.

Một điều dễ nhận thấy trong thành công của Chelsea chính là dấu ấn từ những tân binh mà họ mang về Stamford Bridge. Đó đều là những cầu thủ bạc triệu và có chất lượng đã được khẳng định (dĩ nhiên, cũng có vài món hàng hớ như Veron, Crespo hay Shevchenko). tuy nhiên, không giống như dải thiên hà của Real Madrid, cầu thủ tới Chelsea không có nhiều lợi thế trong việc quảng bá hình ảnh. Ví dụ rõ nét nhất chính là trường hợp của tiền vệ trụ Claude Makelele, người đã bị Real Madrid hắt hủi, nhưng lại thăng hoa thực sự tại Chelsea.
 
Tại Man City Robinho sẽ được hưởng mức lương cao nhất thế giới
 
Jose Mourinho đã biết sử dụng những người như thế để mang tới những danh hiệu cho CLB. Vị HLV người BĐN luôn ưu tiên cho việc phục vụ chiến thuật của mình trước khi nghĩ tới những hiệu ứng về mặt quảng bá hình ảnh. Vả lại theo triết lý của Mourinho, Chelski chỉ có một ngôi sao là chính ông. Nền tảng trong thành công của đội bóng này chính là sự vững chắc của hàng phòng ngự mà Makelele và Petr Cech là những trụ cột. Didier Drogba cũng là người đóng góp rất lớn cho The Blues, nhưng chưa bao giờ anh được xem là mục tiêu hấp dẫn của các hãng quảng cáo.
 
Muốn kiếm tiền, hỏi Real Madrid

Trong những năm áp dụng chính sách "Zidane và Pavon", Real Madrid đã trở thành đội bóng kiếm tiền số một. Mùa Hè đến là những chuyến du đấu mỏi mệt khắp thế giới nhưng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho đội bóng Hoàng gia. Tên tuổi của Zidane, Ronaldo, Raul cùng vẻ ngoài bóng bảy của Becks luôn khiến các khu vực mà Real đặt chân đến trở thành trung tâm của sự chú ý và dĩ nhiên là họ thu được nhiều tiền. Ngoài những lợi nhuận có thể đo đếm như tiền bán trang phục thi đấu, tiền vé, tiền bản quyền các trận đấu, Real còn thu được những lợi thế không nhỏ khi tên tuổi của các cầu thủ và cả đội bóng đã trở thành một thương hiệu thực sự.

Nhưng song song với thành công về mặt tài chính, Real bị xem là thất bại về mặt chuyên môn khi áp dụng chính sách Zidane và Pavon. Quá ham kiếm tiền, họ đã vắt kiệt sức các cầu thủ qua những chuyến du đấu. Họ khiến khoảng cách giữa băng ghế dự bị và chính thức trở lên quá lớn bởi những ngôi sao buộc phải thi đấu vì ràng buộc của những bản hợp đồng quảng cáo, trong khi những cầu thủ dự bị không có cơ hội phát huy năng lực của mình.

Xây dựng nền tảng

Real Madrid chú trọng vào kiếm tiền bởi họ đã sở hữu quá nhiều vinh quang. Chelsea chú trọng vào danh hiệu vì đó là thứ họ cực kỳ thèm khát. Có lẽ Man City của tỷ phú Sulaiman Al Fahim cũng đang đi theo con đường mà Abramovich đã lựa chọn với Chelsea: phấn đấu cho một nền tảng cao (tốp 4 Premier League) trước khi nghĩ tới sự quảng bá thương hiệu.

Trong số các tân binh của Man City mùa này, chỉ có Robinho là xứng danh galactio (dù ở Real, anh không được thừa nhận như thế). Jo cao giá thứ hai (18 triệu bảng), nhưng anh chưa thể là một ngôi sao lớn mà chỉ cho thấy tiềm năng. Tương tự, những Tal Ben Haim, Shaun Wright-Phillips, Kompany hay Zabaleta đều là những cầu thủ hạng khá chứ không thể vươn tới tầm siêu sao. Bản thân HLV Mark Hughes cũng không thể so sánh được với Mourinho về tài năng và kinh nghiệm. Chính vì thế, sẽ là cường điệu nếu cho rằng Man City sẽ có thay đổi vượt bậc như Chelsea. Mục tiêu tham dự Champions League (tốp 4) mà Al-Fahim đặt cho đội bóng này xem ra cũng là hợp lý.

Nhưng một khi Man City đã tuyên bố sẽ mua Cristiano Ronaldo và Kaka mà không chút ngần ngại về mặt tiền bạc thì cũng cần phải có cái nhìn khác về chiến lược của họ. Đó đều là những ngôi sao có sức cuốn hút rất lớn bên ngoài sân bóng và là đối tượng hàng đầu mà những hãng quảng cáo muốn có. Phải chăng Man City sẽ tiến tới cạnh tranh với cả Real và Chelsea ở thị trường châu Á đầy tiềm năng?

Trong chuyến du đấu châu Á Hè vừa rồi, HLV Scolari từng tuyên bố: "Chelsea phải mất 50 năm nữa mới có thể bằng M.U nếu xét về truyền thống". Man City đang đe dọa "tứ đại gia" Premier League bằng việc mua sắm mạnh tay, nhưng ở thời điểm hiện tại, đừng nghĩ rằng chỉ có tiền là đủ. Hãy chờ tới tháng Giêng.
 
Top 5 hợp đồng đắt nhất nước Anh

32,5 - Robinho
Real Madrid tới Man City năm 2008
30.8 - Shevchenko
AC Milan tới Chelsea năm 2006
30,75 - Dimitar Berbatov
Tottenham tới M.U năm 2008
29,1 - Rio Ferdinand
Leeds tới M.U năm 2002
28,1 - Juan Veron
Lazio tới M.U năm 2001

* đơn vị: triệu bảng

Robinho hưởng lương cao nhất thế giới

Hôm qua, Robinho đã có mặt ở London và có cuộc gặp ngắn với HLV Mark Hughes trước khi bay về tập trung ĐTQG chuẩn bị cho trận đấu vòng loại World Cup 2010 (Brazil gặp Chile). Cho dù những chi tiết của bản hợp đồng chưa được công bố chính thức, song, theo giới thạo tin thì tiền đạo 24 tuổi này đã nhận được khoản lương cao nhất thế giới: 160.000 bảng (192.000 euro)/tuần. Như vậy, mức lượng hàng năm của Robinho hiện là 10 triệu euro/tuần, gấp hơn 4 lần so với mức lương ở Real Madrid trước kia, cao hơn cả người đồng hương Kaka (9 triệu euro) hay những kỷ lục gia Premier League như Terry, Lampard (8,5 triệu euro).


Nguyễn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm