Man City và tham vọng Bá vương: Tiền có là tất cả?

08/09/2008 06:46 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Man City, Man City, Man City. Xứ sở sương mù đang trong cơn sốt kỳ quặc còn hơn cả cơn sốt dầu. Mà thực tế thì những người tạo ra cơn sốt này cũng chính là các tỷ phú nhờ cơn sốt dầu.
 
Sự xuất hiện của Abu Dhabi United Group (ADUG) giống như một "thần đèn" đến từ xứ sở Arab. Và nửa Xanh thành Manchester đang tin rằng điều ước của họ bao năm qua sẽ thành sự thật.
 
Tỷ phú Sulaiman Al Fahim, người được ADUG chỉ định làm ông chủ mới của City of Manchester sau khi mua lại CLB sở hữu sân bóng này từ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, tuyên bố: "Chúng tôi muốn Man City trở thành đội bóng thành công nhất Premier League". Sau đó là còn bốc hơn là "vĩ đại nhất thế giới". Trước đó, các fan cũng đã nghe điều này từ ông chủ cũ Thaksin. Họ chẳng mấy tin tưởng vào một nhân vật nhiều rắc rối như thế. Thực tế cũng đã chứng minh. Nhưng khi điều này được nói bởi một người như Al Fahim, xếp hạng 16 trong danh sách tỷ phú Arab, được mệnh danh là "Donald Trump của vùng Vịnh", thì lại khác rất nhiều.
 
Những ngôi sao nào nữa sẽ theo chân Robinho đến với Man. City?
 
Cũng là Chủ tịch Liên đoàn cờ vua của UAE, nhưng Al Fahim không thích tính toán nhiều. Chiến thuật của ông đang và sẽ áp dụng với Man City rất đơn giản: Vung tiền mua vinh quang. Nó được hỗ trợ bởi triết lý của những tỷ phú: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng... rất nhiều tiền". Robinho ư? 28,5 triệu bảng bị từ chối à? Nâng lên 32,5 triệu bảng và Real không thể không gật đầu. Ronaldo ư? 135 triệu bảng nhé. Thử xem M.U có "dám" lắc trước một siêu kỷ lục như vậy không?
 
Cái danh sách mà Man City đang nhắm tới làm không chỉ Premier League mà cả châu Âu rung động. Dream Team của họ có thể tốn kém lên đến... 450 triệu bảng (hơn 2 lần số tiền ADUG bỏ ra mua lại CLB - 210 triệu bảng), đầy ắp các ngôi sao sáng nhất thế giới như Kaka, Lionel Messi… Phải gọi đây là Dream Team chứ không phải Fantasy Team vì ít ra trong trò chơi quen thuộc "Fantasy Football", dù được lựa chọn cầu thủ tùy ý thích nhưng người chơi còn bị khống chế ngân sách chuyển nhượng ở một con số nhất định để có sự công bằng. Còn với ADUG, đó là tấm séc trắng!

Họ có làm được điều đó không? Phải khẳng định là được. Khi các nguyên tắc chuyển nhượng ngày càng trở nên mong manh, khi quyền lực cầu thủ ngày càng bành trướng, tiền bạc có tiếng nói quyết định. Nhưng liệu một "cơn mưa tiền" có làm phòng truyền thống ở City of Manchester vốn đóng bụi suốt 32 năm nay sẽ nhanh chóng mọc lên những danh hiệu không? Câu hỏi đó mới đáng quan tâm.

Vết xe đổ "Galactico"

Nếu cần một bài học rút kinh nghiệm cho Man City và ADUG thì đó chính là Real Madrid giai đoạn galactico, khi mà sự giàu có của Bernabeu làm cả châu Âu ghen tị. Chủ tịch thời ấy Florentino Perez trong 3 năm cuối giữ ghế đã chi 440 triệu euro (tương đương 358 triệu bảng) để mua 20 ngôi sao, sa thải 6 HLV và 4 Giám đốc thể thao. Kết quả thu hoạch: con số 0 tròn trĩnh. Đó là những năm cực thịnh về danh tiếng cho Real Madrid nhưng cũng là quãng thời gian trắng tay lâu nhất trong hơn nửa thế kỷ.

Bài học là gì? Cơn ác mộng có thể xảy ra khi những nhân vật nắm quyền tuy lắm tiền nhiều của nhưng lại ít hiểu biết về bóng đá. Ví dụ như khi Carlos Queiroz, HLV thời đó, đề nghị Perez mua một hậu vệ và trung vệ thì Real trả lời bằng việc... bán luôn "tấm lá chắn" Claude Makelele. Cũng mùa Hè đó, David Beckham đến trong khi CLB đã có sẵn một Luis Figo xuất sắc bên cánh phải. Hội chứng "Dải ngân hà" còn kéo theo những bất ổn tâm lý trong phòng thay đồ khi phần còn lại của đội bóng cảm giác bị bỏ rơi. Ngày đó, bên ngoài sân tập của Real treo tấm poster cực đại với hình ảnh Beckham, Figo, Ronaldo và Roberto Carlos. Một cầu thủ đã thốt lên: "Người ta sẽ nghĩ rằng đội bóng này chỉ có bọn họ là cầu thủ".

Trở lại với trường hợp Man City, Al Fahim đang nói về chuyển nhượng nhiều hơn Hughes. Những cái tên Ronaldo, Ronaldo (béo), Thierry Henry, David Villa, Mario Gomez, Fernando Torres vang vang như âm thanh của những đồng vàng. Có điểm gì chung? Họ đều là các ngôi sao lừng lẫy và đều là cầu thủ tấn công! Al Fahim không hề nhắc đến một hậu vệ hay một thủ môn mà cũng chỉ đề cập đến một tiền vệ là Cesc Fabregas. Có thể, tỷ phú này là một fan bóng đá đích thực. Nhưng rõ ràng không phải là một chuyên gia chiến lược!

Vai trò của HLV trong vấn đề này là rất quan trọng và nhạy cảm. Với Mark Hughes, Man City đang có một ông thầy được đánh giá cao. Thế nhưng thực tế thì kể từ khi đến đây, Hughes chưa có vai trò gì trong chuyển nhượng. Ông không can dự vào vụ theo đuổi Ronaldinho cũng như việc mua Jo với giá 19 triệu bảng. Điều này làm nảy sinh lo ngại mọi chuyện sẽ giống như ở Bernabeu dưới thời Perez khi HLV chỉ là "nài ngựa" đúng nghĩa mà không được chọn "ngựa" cho mình.

Hãy nhìn sang M.U và Chelsea, những kiểu mẫu mà Man City đang muốn trở thành. Sir Alex toàn quyền mua sắm và chưa bao giờ có chuyện nhà Glazer ép ông phải nhận hay bán một cầu thủ nào. Khi M.U rơi xuống đáy cuối năm 2005, những người Mỹ vẫn kiên nhẫn và hết mực tin tưởng ông. Liệu Hughes có nhận được sự ủng hộ đó nếu đến trước kỳ chuyển nhượng mùa Đông, Man City vẫn lẹt đẹt ở giữa bảng xếp hạng? Còn với Mourinho, một trong những giọt nước làm tràn ly dẫn đến việc rời Chelsea chính là Abramovich cùng ban lãnh đạo "chặt" bớt quyền lực của ông trong vấn đề chuyển nhượng.

Những người ủng hộ Man City sẽ lập luận: Có tiền là có tất! Hughes không làm được thì mua về một HLV lừng danh là xong. Nếu vậy, họ sẽ thực sự thành Real thời galactico. Sự lộn xộn trên băng ghế, những va chạm của cái tôi giữa các siêu sao thừa sức phá hỏng tất cả. Thậm chí, Man City còn thiếu một nền tảng và truyền thống như Real để giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

Chắc chắn, với hầu bao nặng trịch của ADUG, Man City sẽ mạnh hơn, lộng lẫy hơn. Họ cũng có thể phá vỡ thế độc quyền của "tứ đại gia" lâu nay. Nhưng để trở thành một M.U hay một Chelsea mới thì còn là cả chặng đường dài, rất dài với không ít trở ngại. Mà trở ngại lớn nhất chính là tham vọng bởi có quá nhiều tiền!
 
Trung Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm